Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Dấu ấn công tác dân tộc từ nghị trường Quốc hội

Thanh Huyền - 05:58, 15/02/2024

Năm 2023 khép lại với nhiều dấu ấn về lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc tại nghị trường Quốc hội. Nhìn từ các kỳ họp Quốc hội trong năm qua cho thấy sự lan tỏa của chính sách dân tộc, vai trò quan trọng của Chính phủ, đặc biệt là Ủy ban Dân tộc đối với quá trình triển khai thực hiện chính sách dân tộc, nhất là vai trò chủ trì, phối hợp, tham mưu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hoàn thiện cơ chế, chính sách, và thực hiện chính sách dân tộc trong giai đoạn tiếp theo.

Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, lần đầu tiên Quốc hội giám sát giữa kỳ, đồng thời 3 Chương trình MTQG
Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, lần đầu tiên Quốc hội giám sát giữa kỳ, đồng thời 3 Chương trình MTQG

Có thể khẳng định, công tác dân tộc là nhiệm vụ chiến lược lâu dài, cấp bách của Đảng và Nhà nước ta. Tại các kỳ họp Quốc hội, nhiều đại biểu đã dành sự quan tâm đến công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc, trọng tâm là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719).

Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, cũng là lần đầu tiên, Quốc hội lựa chọn công tác dân tộc là một trong những nội dung chất vấn. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc đã đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện, tạo nhiều chuyển biến trong đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các DTTS và miền núi; góp phần tăng cường an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và khối đại đoàn kết dân tộc; củng cố lòng tin của đồng bào DTTS đối với Đảng, Nhà nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cũng thẳng thắn thừa nhận, thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, đặc biệt là hệ thống văn bản hướng dẫn để thực hiện Chương trình MTQG và một số chính sách mặc dù đã được ban hành nhưng văn bản hướng dẫn được triển khai chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm cho biết, về mặt thể chế, cơ bản các văn bản hướng dẫn đã ban hành đầy đủ, tuy nhiên không tránh khỏi trong thực tế có những vấn đề phát sinh. Do đó, Trung ương sẽ tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc cho địa phương. Đối với các địa phương, trong các văn bản hướng dẫn lần này sẽ tăng cường phân cấp tối đa tất cả mọi nguồn lực để cho địa phương quyết, tập trung lực lượng để triển khai.

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, mặc dù lần đầu tiên trả lời chất vấn, nhưng đã chuẩn bị tốt nội dung, nắm chắc vấn đề, sâu sát với thực tiễn, tập trung trả lời vào các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm, giải trình khá đầy đủ các vấn đề còn bất cập, hạn chế, đồng thời, đề xuất phương hướng nhằm khắc phục những bất cập trong lĩnh vực phụ trách. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, các Bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đã đề ra nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719; huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó, tập trung vào địa bàn đặc biệt khó khăn, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn và có khó khăn đặc thù…

Sau kỳ họp, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 100/2023/QH15 giao nhiệm vụ cho Chính phủ, trong đó có Uỷ ban Dân tộc và các bộ, ngành thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng về công tác dân tộc trong thời gian tới.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Bên cạnh dấu ấn nổi bật trong hoạt động chất vấn lĩnh vực công tác dân tộc, về hoạt động giám sát, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, lần đầu tiên Quốc hội đã tiến hành giám sát giữa kỳ, đồng thời việc triển khai các nghị quyết của Quốc hội về các chương trình MTQG, trong đó có Chương trình MTQG 1719 và thông qua nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề với nhiều nội dung quan trọng. Quốc hội giao Chính phủ hoàn thiện hồ sơ, tiếp thu kiến nghị của Đoàn Giám sát trình Quốc hội tại Kỳ họp gần nhất ban hành nghị quyết theo quy trình rút gọn về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025. Có cơ chế đặc thù về vốn thực hiện các chương trình cho các tỉnh khó khăn miền núi. Tập trung giải quyết dứt điểm những khó khăn, bức xúc về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, quy hoạch sắp xếp ổn định dân cư ở vùng đồng bào DTTS và miền núi...

Những ngày đầu năm mới 2024, tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình MTQG gồm 6 điều, quy định về một số cơ chế, chính sách đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình MTQG, trong đó có Chương trình MTQG 1719. Tại Kỳ họp, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, Luật đã dành hẳn một điều quy định trách nhiệm của Nhà nước về đất đai đối với đồng bào DTTS và nhiều quy định khác liên quan, tạo nhiều thuận lợi cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Nhìn từ nghị trường Quốc hội cho thấy, vai trò của Ủy ban Dân tộc trong việc chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; điều chỉnh, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình MTQG 1719 để tham mưu cho Chính phủ cơ chế thực hiện trong giai đoạn tiếp theo. Kết thúc năm 2023, phần lớn những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719 đã được tháo gỡ. Điều này tạo được sự đồng thuận, niềm tin của các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước. Việc triển khai các chính sách dân tộc ngày càng sát thực tế, là “đòn bẩy” rất quan trọng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi vươn lên, ổn định và phát triển.