Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dấu ấn lịch sử trong lĩnh vực công tác dân tộc

Bùi Văn Lịch (Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc) - 18:55, 29/01/2020

Ngày 18 tháng 11 năm 2019, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 14 đã ban hành Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 - Đây là một sự kiện mang dấu ấn lịch sử trong lĩnh vực công tác dân tộc.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trình bày tờ trình phê duyệt Đề án trước Quốc hội
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trình bày tờ trình phê duyệt Đề án trước Quốc hội

Công tác dân tộc, chính sách dân tộc luôn là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời luôn là vấn đề cấp bách của cách mạng Việt Nam. Trong mỗi thời kỳ khác nhau, công tác dân tộc, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước ta đều có những dấu ấn riêng. 

Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, mặc dù đất nước đã bắt đầu thời kỳ đổi mới toàn diện, nhưng kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi vô vàn khó khăn, thách thức. Trước tình hình đó, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22/NQ-TW về một số chủ trương, chính sách lớn phát triển kinh tế - xã hội miền núi, theo đó Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 72-HĐBT về một số chủ trương, chính sách cụ thể phát triển kinh tế - xã hội miền núi, với các nội dung cụ thể như: Xây dựng cơ cấu cơ cấu kinh tế miền núi theo hướng phát triển kinh tế hàng hóa, liên kết chặt chẽ với các tỉnh đồng bằng, ra sức phát huy thế mạnh của từng vùng; thực hiện tốt chính sách kinh tế nhiều thành phần; điều chỉnh quan hệ sản xuất với đổi mới quản lý, giải phóng triệt để năng lực sản xuất ở miền núi; đổi mới các chính sách kinh tế - xã hội đối với miền núi. 

Đây là dấu ấn quan trọng, đầu tiên của Đảng và Nhà nước chăm lo phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào DTTS và miền núi từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới của đất nước và mang lại nhiều thành tựu quan trọng. Nền kinh tế nhiều thành phần ở miền núi và các vùng dân tộc từng bước hình thành và phát triển. Việc triển khai thực hiện nhiều chính sách, chương trình, dự án đầu tư đã làm cho kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đời sống Nhân dân ở nhiều vùng đồng bào dân tộc được cải thiện rõ rệt. Công tác xóa đói, giảm nghèo đạt được những kết quả to lớn. Mặt bằng dân trí được nâng lên. Hệ thống chính trị ở các vùng dân tộc và miền núi bước đầu được tăng cường và củng cố. Tình hình chính trị, trật tự xã hội cơ bản ổn định; an ninh, quốc phòng được giữ vững. 

Kinh tế - xã hội vùng DTTS, miền núi đã và đang có những bước chuyển biến tích cực. (Trong ảnh: Phát triển cây chè mang lại nguồn thu nhập ổn định giúp đồng bào thoát nghèo)
Kinh tế - xã hội vùng DTTS, miền núi đã và đang có những bước chuyển biến tích cực. (Trong ảnh: Phát triển cây chè mang lại nguồn thu nhập ổn định giúp đồng bào thoát nghèo)

Tại Hội nghị lần thứ 7 khóa IX, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đánh giá một cách toàn diện những thành quả và tồn tại hạn chế trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - văn hóa xã hội – an ninh quốc phòng vùng DTTS và miền núi. Nhằm tiếp tục thúc đẩy sự phát triển toàn diện vùng DTTS và miền núi, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc với những nhiệm vụ chủ yếu, cấp bách như: Đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao mức sống của đồng bào DTTS, trọng tâm là đồng bào ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa; Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở và vấn đề tranh chấp đất đai ở vùng đồng bào DTTS; Làm tốt công tác định canh, định cư và di dân xây dựng vùng kinh tế mới; công tác quy hoạch, sắp xếp, phân bổ lại hợp lý dân cư, nguồn nhân lực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững, gắn với bảo đảm an ninh, quốc phòng; Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình phủ sóng phát thanh, truyền hình; tăng cường các hoạt động văn hóa, thông tin, tuyên truyền hướng về cơ sở; Thực hiện chương trình phổ cập giáo dục trung học cơ sở và các chương trình giáo dục miền núi; Tăng cường cơ sở khám, chữa bệnh, cán bộ y tế cho các xã, bản, thôn, ấp; Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS; Củng cố và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở ở các vùng DTTS; Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh Nhân dân; Thực hiện tốt chính sách tín ngưỡng và tôn giáo ở vùng DTTS và miền núi...

Đây là Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Ban Chấp hành Trung ương về công tác dân tộc, thể hiện quan điểm nhất quán của Đảng ta: “Vấn đề dân tộc và đoàn kết dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, đồng thời cũng là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng Việt Nam”. Sau hơn 15 thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW về công tác dân tộc, mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng hiện nay vùng DTTS vẫn là vùng khó khăn nhất của cả nước. Tỷ lệ hộ DTTS nghèo cao nhất (tỷ lệ dân số DTTS chiếm 14,7% dân số cả nước, nhưng chiếm 55,27% hộ nghèo); cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội khó khăn nhất; chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu; chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất; cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất...

Tại kỳ họp thứ 6, tháng 10 năm 2018, Quốc hội khóa XIV đã nghe Chính phủ báo cáo đánh giá 3 năm thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi (2016 - 2018) và ban hành Nghị quyết số 74/2018/QH14 quyết nghị: “ Xem xét báo cáo đánh giá kết quả 03 năm thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng DTTS và miền núi. Giao Chính phủ xây dựng Đề án Tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019) để thực hiện từ năm 2021”. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2019) Chính phủ đã trình Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 88/2019/QH14 với những quan điểm mới và nhiệm vụ giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, về quan điểm mới: Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi là đầu tư cho phát triển bền vững đất nước. Ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho địa bàn đặc biệt khó khăn, nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù của vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào DTTS so với bình quân chung của cả nước. Phát huy mọi nguồn lực, nguồn lực Nhà nước là quan trọng và có ý nghĩa quyết định, khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng để phát triển. Phát triển kinh tế gắn liền với phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi gắn với xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Sắc Xuân vùng cao
Sắc Xuân vùng cao

Thứ hai, về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:

a) Xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030, để giải quyết những vấn đề cấp bách và quan trọng như: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc; Phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch; Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; Đầu tư phát triển nhóm DTTS rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS và miền núi. Kiểm tra, giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình.

b) Xây dựng và ban hành tiêu chí phân định vùng đồng bào DTTS và miền núi theo trình độ phát triển bảo đảm toàn diện, khách quan, khoa học, chính xác, làm cơ sở xác định đối tượng, địa bàn cần ưu tiên để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.

c) Tăng cường nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ vùng đồng bào DTTS và miền núi để phục vụ công tác dự báo, hoạch định, quản lý thực hiện chính sách dân tộc.

d) Huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó nguồn lực Nhà nước giữ vai trò quan trọng, quyết định để huy động các nguồn lực khác. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc.

đ) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc, về thực hiện chính sách dân tộc, chống mọi biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Điều chỉnh, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Dân tộc là đầu mối thống nhất theo dõi, tổng hợp các chính sách dân tộc; đề xuất và tham gia thẩm định chính sách, các dự án đầu tư liên quan đến vùng đồng bào DTTS và miền núi.

e) Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ người DTTS theo Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới và Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới. Có chính sách đặc thù tuyển dụng công chức, viên chức đối với người DTTS, nhất là nhóm DTTS rất ít người, nhóm DTTS còn nhiều khó khăn. Chú trọng phát hiện, quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện tốt chính sách sử dụng, đãi ngộ cán bộ là người DTTS.

g) Tăng cường xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh Nhân dân vững chắc ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Kịp thời biểu dương, tôn vinh, động viên người tiêu biểu có uy tín, doanh nhân, nhà khoa học trong cộng đồng các DTTS có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

h) Đổi mới và mở rộng chính sách tín dụng của ngân hàng chính sách xã hội theo hướng tăng định mức, mở rộng đối tượng được vay đến các dự án sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế cho đồng bào DTTS.

Nghị quyết 88/2019/QH14, Nghị quyết chuyên đề đầu tiên của Quốc hội phê duyệt Đề án Tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, theo đó tháng 5 năm 2020, Quốc hội, Chính phủ sẽ quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021- 2030, Chương trình của “Ý Đảng, lòng dân - Dấu son mới trong sự nghiệp công tác dân tộc” chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi phát triển bền vững; tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững; giải quyết căn bản một số bức xúc của người DTTS sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Góp phần củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh, đối ngoại; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh; xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc; nâng cao niềm tin của đồng bào các DTTS đối với Đảng và Nhà nước.



Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.