Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Đầu tư cao tốc Khánh Hòa - Đắk Lắk: Kết nối “rừng vàng với biển bạc”

Hoàng Thanh - 08:30, 21/11/2022

Dự án cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa) - Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) là dự án giao thông quan trọng, có tính chất kết nối liên vùng và liên tỉnh; kết nối giữa các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh Duyên hải miền Trung. Khi tuyến đường này hoàn thành sẽ là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội liên vùng, đưa Khánh Hòa trở thành một cực tăng trưởng cũng như khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của các tỉnh Tây Nguyên.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Anh Tuấn kiểm tra khu tái định cư dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang tại xã Diên Đồng, Diên Khánh ngày 19/10/2022.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Anh Tuấn kiểm tra khu tái định cư dự án cao tốc Vân Phong - Nha Trang tại xã Diên Đồng, Diên Khánh ngày 19/10/2022.

Kết nối trục Đông - Tây

Những ngày cuối năm, dẫu bộn bề bao nhiệm vụ, nhưng lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa vẫn đặc biệt quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng để sớm giao quỹ đất sạch cho nhà đầu tư triển khai dự án cao tốc Khánh Hòa - Đăk Lăk. Theo tiến độ trình UBND tỉnh, Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Khánh Hòa hiện đã hoàn thành công tác khảo sát địa hình, thủy văn, địa chất và giao thông; đang triển khai lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Dự kiến trước ngày 20/1/2023, đơn vị sẽ hoàn thành việc lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt dự án thành phần; trước ngày 30/6/2023 sẽ bàn giao 70% mặt bằng để tổ chức khởi công và sẽ bàn giao phần diện tích còn lại trước ngày 31/12/2023.

Cùng với đó, dự án tuyến cao tốc Vân Phong - Nha Trang nối với dự án cao tốc Nha Trang - Buôn Ma Thuột cũng đang được gấp rút giải phóng mặt bằng. Đến thời điểm này, các địa phương đã đo đạc 5.140/5.580 thửa đất, đạt 92,11%; kiểm kê 3.478/5.412 thửa đất, đạt 64,26%; xác minh nguồn gốc 2.302/5.412 thửa đất, đạt 42,53%; lập, thông qua phương án bồi thường 445/5.412 thửa đất, đạt 8%; diện tích mặt bằng đủ điều kiện bàn giao cho dự án là 125ha/612ha, đạt 20,4%. Bên cạnh đó, các địa phương đang triển khai đo đạc, lập bản đồ, trích đo địa chính thu hồi đất giải phóng mặt bằng... để triển khai xây dựng 6 khu tái định cư phục vụ dự án.

Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Nguyễn Tấn Tuân - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, Khánh Hòa là tỉnh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh và kinh tế, là cửa ngõ hướng biển. Tỉnh có vai trò trung tâm kết nối Vùng Tây Nguyên với Duyên hải Nam Trung Bộ với các vùng, miền trong cả nước và quốc tế, đặc biệt là khu vực Nam Lào và Bắc Campuchia để thông thương với các nước trên thế giới qua đường hàng hải quốc tế thông qua hệ thống cảng biển tại Khu kinh tế Vân Phong.

“Khi dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột được đầu tư xây dựng hoàn thành, đi vào khai thác sẽ tăng cường thêm 1 trục ngang quan trọng cùng với tuyến Quốc lộ.26 kết nối tuyến đường bộ Cao tốc Bắc - Nam phía Đông hình thành mạng lưới giao thông đường bộ hoàn chỉnh để phục vụ kết nối Khánh Hòa với Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ, sẽ tạo động lực phát triển mạnh cho tỉnh Khánh Hòa nói riêng và Vùng Tây nguyên - Duyên hải Nam Trung Bộ nói chung”, ông Tuân khẳng định.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân tham dự phiên họp trực tuyến do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì với các địa phương liên quan và các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải ngày 17/9/2022.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân tham dự phiên họp trực tuyến do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì với các địa phương liên quan và các thành viên Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải ngày 17/9/2022.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết thêm, khi dự án đưa vào khai thác sẽ kịp thời đáp ứng nhu cầu vận tải trên trục Đông - Tây, góp phần quan trọng phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội khu vực Tây Nguyên và khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Hơn nữa, dự án sẽ phát triển phương thức vận tải bền vững hiện đại, góp phần giảm tai nạn giao thông, bảo vệ môi trường và giảm thiểu những hệ lụy liên quan; tạo tiền đề, động lực và không gian mới phục vụ phát triển kinh tế. Kinh nghiệm cho thấy, các địa phương có đường bộ cao tốc đi qua đều tăng năng lực cạnh tranh, có mức tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống Nhân dân, tạo diện mạo mới cho các địa phương.

Quyết tâm sớm bàn giao mặt bằng

Trên thực tế, hiện hệ thống giao thông kết nối Khánh Hòa với khu vực Tây Nguyên còn nhiều hạn chế; Quốc lộ 29 (Phú Yên - Đắk Lắk) là đường cấp 4 miền núi, còn Quốc lộ 26 (Khánh Hòa - Đắk Lắk) chỉ có 2 làn xe tùy đoạn, thời gian di chuyển phải mất 4 - 5 tiếng đồng hồ trên quãng đường chưa đầy 200 km. Trong khi Khánh Hòa sở hữu cảng biển, có thể xuất khẩu đi khắp thế giới, thì nguồn nông sản chất lượng từ khu vực Tây Nguyên lại chưa thể tiếp cận do giao thông hạn chế.

“Tuyến cao tốc Khánh Hòa - Đắk Lắk sẽ rút ngắn khoảng cách, thời gian di chuyển, kết nối các thị trường, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng, tạo ra nhiều không gian phát triển kinh tế trên hành lang kinh tế Đông - Tây”, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân khẳng định.

Quốc lộ 26 nối Nha Trang và Đắk Lắk hiện rất nhỏ hẹp
Quốc lộ 26 nối Nha Trang và Đắk Lắk hiện rất nhỏ hẹp

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, muốn thi công nhanh thì mặt bằng phải trống, phải liền đoạn; yêu cầu trách nhiệm địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng là rất quan trọng. Vì vậy, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo về công tác triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc qua địa bàn tỉnh, trong đó thành viên Ban là các lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, lãnh đạo các Ban: Tuyên giáo, Dân vận Tỉnh ủy, lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc…

“Các thành viên Ban Chỉ đạo nêu cao tinh thần trách nhiệm, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công chủ động thực hiện nhiệm vụ, theo dõi đôn đốc các cấp chính quyền tại địa phương thực hiện theo đúng Kế hoạch đã đề ra; chủ động kịp thời phối hợp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc; tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực, lãng phí, thất thoát tài sản Nhà nước”, ông Tuân cho biết.

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chia sẻ thêm, để đẩy nhanh tiến độ của dự án thì phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của các nhà thầu thực hiện thi công dự án. Do đó phải lựa chọn được các nhà thầu đủ năng lực thiết bị, nhiều kinh nghiệm, đã tham gia các dự án giao thông trọng điểm, quy mô lớn… Các nguồn vật liệu phục vụ dự án phải được rà soát, chuẩn bị kỹ lưỡng để bảo đảm chất lượng, khối lượng, tiến độ cung cấp để phục vụ dự án triển khai; bên cạnh đó, cần có và áp dụng hiệu quả các cơ chế đặc thù về khai thác đất đắp cho các dự án đường bộ cao tốc theo các chủ trương của Chính phủ để đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục hành chính trong việc cấp phép, nâng công suất khai thác của các mỏ khoáng sản để cung cấp đủ, kịp thời vật liệu xây dựng theo tiến độ triển khai dự án.

Cao tốc Khánh Hòa - Đắk Lắk sẽ kết nối ‘rừng vàng với biển bạc”. (Trong ảnh: Một góc huyện Ea Kar, Đăk Lăk - nơi có cao tốc đi qua)
Cao tốc Khánh Hòa - Đắk Lắk sẽ kết nối ‘rừng vàng với biển bạc”. (Trong ảnh: Một góc huyện Ea Kar, Đăk Lăk - nơi có cao tốc đi qua)

“Tỉnh quyết tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để nhà thầu thi công, sớm đưa dự án cao tốc vào sử dụng, từ đó tạo dư địa, động lực phát triển không gian vùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa khẳng định.

Theo quy hoạch, giai đoạn đầu cao tốc Khánh Hòa - Đắk Lắk dài hơn 117 km, quy mô 4 làn xe, mặt đường rộng 17 m, bố trí các điểm dừng khẩn cấp. Sau đó, tuyến được mở rộng 2 làn khẩn cấp. Dự án có tổng mức đầu tư gần 22.000 tỷ đồng, sử dụng ngân sách nhà nước. Cao tốc này được xác định là tuyến đường nối rừng với biển, kết nối Tây Nguyên với đồng bằng Duyên dải miền Trung. Đây cũng tuyến vận chuyển nông sản của vùng Tây Nguyên xuất khẩu đến các nước trên thế giới thông qua cảng biển Vân Phong (Khánh Hòa).

Tin cùng chuyên mục
Mùa vàng từ những cánh đồng mẫu lớn ở Ninh Thuận

Mùa vàng từ những cánh đồng mẫu lớn ở Ninh Thuận

Qua 3 năm tổ chức sản xuất, mô hình cánh đồng lớn ở Bác Ái (Ninh Thuận) đã đem lại nhiều hiệu quả, giúp cho đời sống của người dân ở huyện nghèo từng bước thay đổi. Một trong những ưu điểm của mô hình này, là rút ngắn thời gian sản xuất, tăng năng suất, và đồng bộ được cơ sở hạ tầng của địa phương.