Thực hiện nội dung 4, dự án 1, Cchương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), huyện Quỳ Châu được đầu tư hỗ trợ xây dựng nhiều công trình cấp nước tập trung. Điển hình như công trình nước sinh hoạt tập trung bản Chiềng Nong và Chàng Piu, xã Châu Thuận; công trình nước sinh hoạt tập trung Khu trung tâm, xã Diên Lãm, công trình xây dựng nước sinh hoạt tập trung bản Đôm 1 và Đôm 2, xã Châu Phong…
Tại bản Đôm 1 và bản Đôm 2, xã Châu Phong, công trình xây dựng nước sinh hoạt có tổng mức đầu tư 2,8 tỷ đồng để phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt của 344 hộ dân. Hiện nay, công trình đã xây dựng xong và bàn giao đưa vào sử dụng, công trình đang phát huy hiệu quả, người dân rất phấn khởi từ khi được sử dụng công trình nước.
Anh Sầm Văn Chung, người dân bản Đôm 2 vui vẻ kể: Trước đây, để có nước sinh hoạt, người dân ở bản phải xách can, xô ra khe suối để lấy nước về dùng; việc rửa ráy, giặt giũ cũng rất bất tiện. Từ khi có công trình nước sinh hoạt được đầu tư, bà con phấn khởi lắm. Giờ thì không còn lo cảnh thiếu nước sinh hoạt, đi xa bất tiện như trước nữa.
Ở huyện Tương Dương, nhiều hộ dân cũng đang được hưởng lợi từ nội dung 4, dự án 1, Chương trình MTQG 1719 về hỗ trợ nước sinh hoạt. Giai đoạn 2021-2025 huyện đã đầu tư xây dựng 5 công trình nước sinh hoạt tập trung. Đến nay, đang xây dựng 2 công trình ở xã Nga My và xã Lưu Kiền, còn 3 công trình chưa triển khai thực hiện.
Ngoài ra, huyện còn triển khai chương trình nước sinh hoạt phân tán được bố trí nguồn vốn hỗ trợ cho 567 hộ (3 triệu đồng/hộ) trong năm 2022-2023, đến nay đã hỗ trợ đường dây dẫn nước, xây bể và cấp téc cho các hộ được thụ hưởng. Đối với nguồn vốn năm 2024, được giao 3.630 triệu đồng, huyện cũng đã phê duyệt danh sách 1.210 hộ được thụ hưởng chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, hiện nay các xã, thị trấn đang triển khai thực hiện.
Trưởng phòng Dân tộc huyện Tương Dương Lương Xuân Hiệp cho hay: Bà con rất vui, phấn khởi vì một trong những nhu cầu tối thiểu là nước sinh hoạt bao năm thiếu khó, nay cũng đã được nhà nước quan tâm đầu tư, hỗ trợ.
Qua tổng hợp từ Ban Dân tộc tỉnh, tính đến tháng 9 năm 2024, toàn tỉnh đã có 7.661 công trình nước sinh hoạt phân tán, đầu tư cho 7.661 hộ dân. Ngoài ra, còn có 34 công trình nước sinh hoạt tập trung đã được đầu tư trên các bản làng, mang lại niềm vui, sự yên tâm cho hàng nghìn hộ dân vùng hưởng lợi.
Giai đoạn 1 từ 2021 - 2025, Nghệ An đặt ra mục tiêu có 90% đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Tuy nhiên, qua nắm bắt sơ bộ từ các địa bàn vùng miền núi Nghệ An – nơi có những hộ dân là người DTTS nghèo, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống tại xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn ở các huyện miền núi, vùng cao thì, những đầu tư, hỗ trợ nước sinh hoạt cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa thấm vào đâu so với nhu cầu thực tế của người dân.
Lấy ví dụ từ huyện Tương Dương, với những phần việc đang triển khai, địa phương dự tính đến hết giai đoạn I, sẽ có tổng 5 công trình nước sinh hoạt tập trung được đầu tư cho 915 hộ dân hưởng lợi. Cùng với đó, sẽ có 1.764 hộ dân được hỗ trợc công trình nước sinh hoạt phân tán.
Tuy nhiên, theo ông Lương Xuân Hiệp, Trưởng phòng Dân tộc huyện Tương Dương, chỉ nhẩm tính sơ bộ, giai đoạn II của Chương trình MTQG 1719, có khoảng 800 hộ dân còn có nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt phân tán.
Bên cạnh đó, nhiều công trình nước ở địa bàn miền núi qua thời gian sử dụng, qua mưa bão, sạt lở… đã bị hư hỏng thêm theo từng năm dẫn đến nhu cầu cần có nước sinh hoạt để sử dụng của người dân càng lớn hơn. Ngay như ở xã Yên Hợp (Quỳ Hợp), công trình nước sinh hoạt tập trung đầu tư cho người dân bản Tạt, đưa vào sử dụng chưa lâu, thì đã bị cuốn trôi do mưa lũ cuối năm 2023. Hiện nay, công trình vẫn đang trong giai đoạn khắc phục để đưa vào sử dụng, khiến hàng trăm hộ dân vốn đã thiếu nước, nay vẫn khát khao có nước sạch.
Trong điều kiện cuộc sống của đồng bào các DTTS và miền núi ở Nghệ An còn đối mặt với nhiều khó khăn từ địa hình, thổ nhưỡng, thiên tai dịch bệnh, biến đổi khí hậu với diễn biến bất thường..., khiến cho đời sống dân sinh của đồng bào ở những địa bàn này vẫn phải đối mặt với những thiếu thốn, trong đó là thiếu nước sinh hoạt.
Những công trình nước được đầu tư, sắp tới tiếp tục được đầu tư theo dự án 1, Chương trình MTQG 1719, phần nào giúp đồng bào bớt khó khăn, là một cách để “giải khát” giúp người dân cải thiện chất lượng cuộc sống. Bởi ở rất nhiều bản làng miền Tây xứ Nghệ, đang có hàng ngàn hộ dân mà cứ đến mùa nắng nóng thì lại đối mặt với hạn hán và thiếu nước nghiêm trọng.