Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Đầu tư phát triển bền vững người Đan Lai: "Tiếng lòng" người trong cuộc (Bài 3)

Thanh Hải - 20:21, 28/06/2024

Thực hiện Dự án 9, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2021 - 2030, trong đó nội dung đầu tư phát triển bền vững người Đan Lai (thuộc dân tộc Thổ) gắn với việc bảo vệ phát triển rừng, môi trường sinh thái Vườn Quốc gia Pù Mát, huyện Con Cuông (Nghệ An) đang mang lại niềm vui, sự kỳ vọng lớn cho người Đan Lai về cuộc sống tươi sáng sau nhiều thập kỷ sinh tồn khó khăn. Tuy nhiên, với những vướng mắc trong quá trình triển khai, đến nay đồng bào chưa được thụ hưởng chính sách. Phóng viên ghi lại một số ý kiến ghi nhận và đề đạt mong muốn của người Đan Lai gửi đến các cơ quan chức năng.

Xuyên đêm thi công lắp đặt đường ống nước cho công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho người Đan Lai ở vùng lõi VQG Pù Mát
Xuyên đêm thi công lắp đặt đường ống nước cho công trình cấp nước sinh hoạt tập trung cho người Đan Lai ở vùng lõi VQG Pù Mát

Ông La Văn Linh, Bí thư Chi bộ bản Cò Phạt, xã Môn Sơn:

Thực hiện Chương trình MTQG 1719, ở hai bản Búng và Cò Phạt đã có 3 công trình được đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng như kè chống sạt lở và bến đò cho khu vực dân cư, công trình nước sinh hoạt tập trung, công trình điện sinh hoạt cho cụm dân cư khe Lẻ và Co Kè thuộc bản Cò Phạt.

Ngoài ra, còn có 3 công trình khác đang triển khai xây dựng, gồm nâng cấp tuyến đường từ trung tâm xã Môn Sơn đi bản Khe Búng, xây dựng đường giao thông nội hai bản, xây dựng Trường Tiểu học 2 Môn Sơn và Trường mầm non Môn Sơn (điểm bản Cò Phạt).

Bà con các bản làng ở vùng lõi VQG Pù Mát rất vui, phấn khởi vì điều này. Những công trình được đầu tư, xây dựng sẽ góp phần làm cho bộ mặt bản làng đổi thay hơn, người dân được thụ hưởng nhiều hơn các chính sách do Nhà nước đầu tư, từ đó yên tâm, tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Nói đâu xa, khi chưa được hỗ trợ xây dựng điện lưới, cụm dân cư khe Lẻ và Co Kè, thuộc bản Cò Phạt rất vất vả, vì phải sử dụng điện tuabin phập phù và nguy hiểm. Rồi nguồn nước sinh hoạt cũng phải xuống tận suối mang về. Nay thì nguồn nước đã ổn định hơn, không còn phải đi xa.

Ông La Văn Linh cùng vợ và con cháu
Ông La Văn Linh, Bí thư Chi bộ bản Cò Phạt, xã Môn Sơn cùng vợ và con cháu

Chúng tôi được biết, Chương trình MTQG 1719 còn đầu tư hỗ trợ người dân làm nhà ở, hỗ trợ khai hoang ruộng và lâu dài còn được đầu tư thêm một số công trình dân sinh khác phục vụ cộng đồng. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, bà con chưa được giao đất và cấp giấy chứng nhận. Bà con nơi đây, mong chính quyền sớm thực hiện được việc giao đất, cấp giấy chứng nhận có tính pháp lý rõ ràng để người Đan Lai yên tâm sinh sống và sản xuất.

Bà Chương Thị Lập, Người có uy tín bản Búng xã Môn Sơn: 

Bản Búng chúng tôi có 115 hộ dân thì 100% đều là hộ nghèo. Điều kiện sinh sống của người dân rất khó khăn, phụ thuộc nhiều vào sự hỗ trợ từ bên ngoài. Hiện tại, nhiều hộ dân chưa có nhà ở kiên cố, phải ở trong những nhà sàn bằng tre nứa, lợp lá tạm bợ. Đất sản xuất không có, người dân vừa khai hoang sản xuất lúa, vừa chăn nuôi nhỏ lẻ, phát nương, làm rẫy và thu hái lâm sản phụ trong rừng nên cuộc sống luôn bấp bênh.

Bà Chương Thị Lập-Người có uy tín bản Búng xã Môn Sơn: Người dân mong mỏi sớm được giao đất, cấp giấy chứng nhận
Bà Chương Thị Lập, Người có uy tín bản Búng, xã Môn Sơn: Người dân mong mỏi sớm được giao đất, cấp giấy chứng nhận

Bây giờ, muốn làm nhà, không chỉ khó khăn về kinh phí, mà lại vướng do đất không phải của mình vì chưa được giao và cấp giấy chứng nhận. Ở bản tôi, nhiều hộ nằm trong diện được hỗ trợ nhà ở nhưng có làm được đâu, vì vướng các quy định về giao đất mà. Vì thế, dân bản chúng tôi tha thiết mong cấp trên sớm hoàn thiện thủ tục, quy định để giao đất và cấp bìa đất cho dân. Như thế mới yên tâm. Rồi ai chưa có nhà, nằm trong diện được hỗ trợ thì cũng được làm nhà để yên tâm sinh sống.

Ông Lê Văn Hoài, bản khe Búng, xã Môn Sơn: 

Người Đan Lai chúng tôi sinh sống nhiều đời ở vùng đất này. Do ở xa trung tâm, địa bàn nhiều sông suối, núi đồi cắt ngang nên càng thêm khó khăn, vất vả. Dù ở đã lâu nhưng người dân vẫn chưa được giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ông Lê Văn Hoài – người dân bản khe Búng xã Môn Sơn: Mong có thêm nhiều chính sách hỗ trợ cho người Đan Lai
Ông Lê Văn Hoài, người dân bản khe Búng, xã Môn Sơn: Mong có thêm nhiều chính sách hỗ trợ cho người Đan Lai

Hiện nay, bản Búng chúng tôi có 100% là hộ nghèo, nhu cầu hỗ trợ xây dựng nhà của người dân rất lớn. Vào mùa mưa bão, phải sống trong những căn nhà tạm, xuống cấp cũng lo lắm nhưng không có tiền sửa chữa. Vì thế, nghe chủ trương hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở được hỗ trợ làm nhà mới theo Chương trình MTQG 1719, khiến ai cũng vui, phấn khởi. 

Các cuộc họp, cấp xã, cấp huyện cũng đã thông tin về nội dung này. Nhưng, đã mấy năm rồi, chưa có ai đủ điều kiện được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở. Bà con rất lo lắng, băn khoăn nếu không sớm được giao đất và cấp giấy chứng nhận thì sẽ bị cắt chế độ, không còn được hỗ trợ nữa.

Ngoài nhu cầu được giao đất, cấp giấy chứng nhận, hỗ trợ xây dựng nhà ở… người dân rất mong có thêm nhiều chính sách đầu tư cho đồng bào Đan Lai. Cả hai bản Búng và Cò Phạt hầu hết là hộ nghèo, nên mong muốn được chia ruộng, giao ruộng sản xuất, hỗ trợ giống, cây trồng, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi và trồng trọt… Cùng với đó, cấp trên cần sớm đầu tư, hoàn thiện đường giao thông nội bản, đường giao thông liên bản để người dân thuận lợi trong đi lại, phát triển kinh tế dễ dàng…/.

Tin cùng chuyên mục
Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, phát triển kinh tế -xã hội đang là xu thế mới ở các bản làng vùng DTTS Nghệ An. Từ nét đẹp văn hóa truyền thống, những gùi măng, con gà, con lợn, hay các sản phẩm từ nghề truyền thống như đan lát, thổ cẩm... từng bước xuất hiện trên không gian mạng, không chỉ quảng bá giới thiệu, lan tỏa được bản sắc của đồng bào các DTTS đến được với nhiều khách hàng mà còn mang về nguồn thu tốt hơn cho bà con.