Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dạy nghề online thời Covid

Trần Minh (t/h) - 17:49, 16/07/2021

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp dẫn đến giãn cách xã hội, việc đưa nghề nghiệp đến những người lao động (NLĐ) thất nghiệp, lao động tự do qua hình thức dạy - học online là rất thiết thực, hiệu quả.

Pha chế đồ uống là nghề thu hút được nhiều học viên học theo phương thức online. (Ảnh minh họa)
Pha chế đồ uống là nghề thu hút được nhiều học viên học theo phương thức online. (Ảnh minh họa)

Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long, 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh có 6.353 người đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Kết quả xét duyệt đã ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 5.528 người, tổng số tiền trợ cấp hơn 73 tỷ đồng, tương ứng mức hưởng bình quân gần 3 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời, 100% số người hưởng BHTN đã được tư vấn, định hướng việc làm. Trường hợp NLĐ có nhu cầu học nghề, thay vì nhận tiền trợ cấp sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp với một số nghề phổ biến: điện lạnh, nấu ăn, pha chế đồ uống, sinh vật cảnh...

Bà Liêu Kim Thủy, Giám đốc Công ty Truyền thông và đào tạo Cuộc sống mới chi nhánh Vĩnh Long cho biết, tổ chức phương thức online, thời gian qua cơ sở đã thu hút được 37 học viên lớp pha chế đồ uống, hơn 30 học viên lớp trang điểm. Nguồn học viên đa số là lao động hưởng BHTN qua phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tư vấn đưa sang.

Theo bà Kim Thủy, học viên học nghề online “đầy đủ hơn so với học trực tiếp”. Bởi ảnh hưởng dịch bệnh, học online sẽ không phải đến lớp trực tiếp, người học có thiết bị thông minh kết nối mạng là theo dõi và thực hành ngay với lớp học. “Học viên phản hồi rất tiện lợi. Họ rất thích”, bà Kim Thủy nêu phản hồi.

Đáng chú ý, ngoài học nghề, cơ sở còn tặng thêm cho người học lớp kỹ năng giao tiếp và có gần 40 học viên lớp pha chế và trang điểm tham gia học kỹ năng online. Nhiều lao động trước giờ làm công nhân, họ kể chưa từng được học các kỹ năng giao tiếp. Qua trao đổi, người học phản hồi “rất thích và rất bổ ích”.

Hiệu quả cao nhất của các công tác này là mang đến cái nghề và kỹ năng cho NLĐ tự do, lao động thất nghiệp hưởng BHTN, góp phần mở rộng con đường nghề nghiệp, việc làm, thu nhập. Cơ sở đào tạo nghề Cuộc sống mới cho hay, sẽ tiếp tục đẩy mạnh các lớp nghề online như vậy.

Bà Lê Thị Huế Nhi, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Vĩnh Long cho hay, Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh phối hợp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tham gia học nghề, từ đó có cơ hội sớm quay trở lại thị trường lao động.

Theo bà Huế Nhi, công ty, doanh nghiệp sẽ tuyển dụng với đòi hỏi lao động có chuyên môn. Đồng thời NLĐ cũng cần có kiến thức cơ bản để tự tạo việc làm và làm nghề. Việc trang bị các nghề sẽ tạo điều kiện để NLĐ chuyển đổi ngành nghề đáp ứng nhu cầu tuyển dụng và công việc bản thân.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, việc dạy và học nghề tập trung là rất khó khăn. (Trong ảnh: Học sinh trường Cao đẳng Nghề Vĩnh Long trong lớp học thời chưa có Covid-19)
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, việc dạy và học nghề tập trung là rất khó khăn. (Trong ảnh: Học sinh trường Cao đẳng Nghề Vĩnh Long trong lớp học thời chưa có Covid-19)

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, BHTN đã phát huy vai trò “phao cứu sinh” giúp NLĐ vượt qua khó khăn và sớm quay trở lại thị trường lao động. Đồng thời tăng tỷ lệ đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp là mục tiêu đặt ra trong quá trình thực hiện chính sách BHTN. Hiện số người lựa chọn học nghề chiếm khá thấp trong tổng số người đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Năm 2020, có 405 người được hỗ trợ học nghề. 6 tháng vừa qua, số này là 219 người (kế hoạch năm nay 400 người).

Để tăng tỷ lệ lao động thất nghiệp tham gia học nghề thì ngoài việc tăng cường tuyên truyền, phối hợp triển khai thực hiện Quyết định số 17/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng mức hỗ trợ học nghề cho NLĐ, Trung tâm Dịch vụ việc làm sẽ chủ động, tích cực hơn trong việc tư vấn sâu để NLĐ nắm rõ hơn quyền và nghĩa vụ của mình, đặc biệt là chính sách hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề.

Đi cùng là đa dạng hóa ngành nghề đào tạo; xây dựng chính sách thu hút lao động tham gia học nghề, trong đó có hỗ trợ chi phí cho lao động thất nghiệp; tăng cường liên kết với công ty, doanh nghiệp đào tạo nghề cho lao động thất nghiệp gắn với giải quyết việc làm...

Có thể thấy về cơ bản, phương pháp hay cơ chế chính sách được điều chỉnh theo yêu cầu thực tế đặt ra. Vấn đề là để đưa vào cuộc sống, cùng với chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước thì cần sự đồng hành hưởng ứng mạnh mẽ từ người thụ hưởng và điều này sẽ giúp đưa chính sách thật sự đi vào đời sống./.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.