Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Để di sản văn hóa song hành cùng giá trị xanh

Tiêu Dao - Lệ Thành - 08:22, 22/03/2024

Làng mộc Kim Bồng với những ngôi nhà rường, nhà cổ từ xa xưa, nổi tiếng như một biểu tượng văn hóa của phố cổ Hội An. Cùng với thời gian, những người con xã Cẩm Kim không chỉ làm dày thêm giá trị di sản mà còn đưa di sản quê hương song hành cùng xu hướng phát triển xanh của thời đại.

Nghệ nhân Huỳnh Sướng, người dẫn dắt bao thế hệ của làng nghề mộc Kim Bồng.
Nghệ nhân Huỳnh Sướng, người dẫn dắt bao thế hệ của làng nghề mộc Kim Bồng.

Kết hợp giữa truyền thống và hiện đại

Ngày hội Làng nghề truyền thống Kim Bồng 2024 là dịp để người dân, du khách được trải nghiệm nét đẹp văn hóa làng Kim Bồng hơn 500 năm lịch sử. Tại đây, nhiều nghề truyền thống được tái hiện lại như nghề mộc, điêu khắc tre, đan thúng chai, dệt chiếu, đan túi cói, tráng mì Quảng... Trong đó, nét đẹp nghề mộc được tái hiện bởi các nghệ nhân là một phần không thể tách rời trong sinh hoạt hằng ngày của dân làng, được tôn vinh và gìn giữ qua nhiều thế hệ.

Nghệ nhân Huỳnh Sướng (SN 1969), truyền nhân của dòng họ với 13 đời kế nghiệp mộc Kim Bồng. Gia đình ông Sướng có truyền thống giữ gìn và phát huy nghề mộc lâu nhất nơi đây. Ông Sướng cho biết: “Mộc Kim Bồng trước kia có hai dòng sản phẩm chính là đóng tàu thuyền, làm nhà và chạm khắc gỗ gia dụng. Đặc trưng vốn có là hoa văn mang dáng dấp mộc mạc, gần gũi như bờ tre, bến nước, con cò… không mang tính chất vua chúa, cung đình. Sau này, khi du lịch bắt đầu phát triển, các sản phẩm lưu niệm hiện đại dần được du nhập, làng nghề cũng bắt đầu bổ sung chúng vào danh mục sản phẩm”.

Nghệ nhân làng mộc Kim Bồng trình diễn chế tác gỗ tại ngày hội làng nghề.
Nghệ nhân làng mộc Kim Bồng trình diễn chế tác gỗ tại ngày hội làng nghề.

Cùng sự nổi tiếng của cái tên Huỳnh Ri (cha ruột ông Sướng), cơ sở của ông dường như là điểm đến đầu tiên của hầu hết các du khách đến làng mộc Kim Bồng. Xưởng mộc của ông chuyên làm các sản phẩm mộc gia dụng như bàn, ghế, tủ… Ngoài ra, còn có các tác phẩm nghệ thuật như hoành phi, câu đối, tượng các vị thần, phật theo tín ngưỡng dân gian của người dân Việt và các vật dụng lưu niệm khác. Giá của mỗi sản phẩm phụ thuộc vào kích thước, độ tinh xảo. Nhiều sản phẩm chỉ vài chục nghìn đồng nhưng cũng có sản phẩm lên đến vài nghìn đô. “Hiện nay, các sản phẩm nghệ thuật, đồ lưu niệm hiện đại được ưa chuộng nhiều hơn, do làng nghề được gắn với du lịch. Chúng tôi vẫn đẩy mạnh mặt hàng đó để đáp ứng nhu cầu của các du khách. Tuy nhiên, những sản phẩm đó vẫn được điêu khắc bằng nghệ thuật truyền thống. Dù có kết hợp công nghệ máy móc để hỗ trợ thì chỉ sử dụng một phần nhỏ. Hiện đại đến đâu cũng phải điêu khắc bằng nghệ thuật truyền thống”, ông Sướng tâm sự.

Quang cảnh Ngày hội Làng nghề truyền thống Kim Bồng – Cẩm Kim năm 2024.
Quang cảnh Ngày hội Làng nghề truyền thống Kim Bồng – Cẩm Kim năm 2024.

Cũng theo ông Sướng, cơ sở của ông đang có hai đầu ra chính là khách nước ngoài và khách nội địa. Hầu hết khách nước ngoài là du khách đến tham quan, đặt mua các mặt hàng lưu niệm. Còn khách hàng nội địa chính là các cơ sở phân phối trong nước tại các tỉnh, thành như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Định… Dù có nổi tiếng, làm được nhiều sản phẩm giá trị nghệ thuật cao nhưng với ông Sướng, tâm đắc nhất vẫn là chiếc đinh hương chạm khắc 1.000 con rồng bằng hình ảnh cây tre hóa. Ông đặt tên là “Cội nguồn” vì được khắc họa theo hình quả bầu, ý chỉ truyền thuyết con Rồng cháu Tiên - trăm trứng nở trăm con, trên thân điêu khắc 1.000 con rồng tre và các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội. Đã có nhiều khách hàng ra giá hơn 3 tỷ đồng nhưng ông không bán, vì theo ông Sướng đây là một minh chứng cho danh tiếng vàng son của làng mộc Kim Bồng Hội An.

Là một trong những học trò của ông Huỳnh Sướng, xưởng mộc của ông Võ Đắc Thi (SN 1980) với hơn 10 năm kinh nghiệm, cũng tiếng tăm không ít. Theo gót thầy mình, ông Thi luôn chú trọng giá trị truyền thống của mỗi sản phẩm. Xưởng của ông chuyên làm các sản phẩm mỹ nghệ như chùa Cầu, tranh cá chép, chạm khắc hình ảnh các con vật. “Đây cũng là những sản phẩm có lượng bán ra nhiều nhất. Ngoài ra còn có những sản phẩm đặt làm theo yêu cầu của khách hàng. Đầu ra hiện nay đã ổn định hơn nhờ có sự phát triển của du lịch cộng đồng và hình ảnh địa phương được quảng bá”, ông Thi cho hay. Được biết, hiện nay các cơ sở mộc tại Kim Bồng hầu hết đều là học trò của ông Sướng, đều được truyền cảm hứng để kế nghiệp nghề truyền thống, kế nghiệp di sản của quê hương.

Du khách thích thú chiêm ngưỡng trình diễn nghề trong Ngày hội Làng nghề truyền thống Kim Bồng 2024.
Du khách thích thú chiêm ngưỡng trình diễn nghề trong Ngày hội Làng nghề truyền thống Kim Bồng 2024.

“Xanh hóa” để phát triển bền vững

Với lợi thế tiềm năng du lịch của địa phương, làng mộc Kim Bồng cũng được quan tâm, đầu tư trong quá trình mở rộng không gian phát triển du lịch Hội An. Tỉnh Quảng Nam đã có kế hoạch triển khai mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn giá trị văn hóa bản địa và hệ sinh thái tự nhiên tại Làng mộc Kim Bồng (xã Cẩm Kim, TP. Hội An). “Xã Cẩm Kim còn có mô hình du lịch học tập cộng đồng được xây dựng trên cơ sở dự án “Phát triển các mô hình sinh kế cộng đồng bền vững kết hợp du lịch sinh thái để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học và các hệ sinh thái tại Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An” do Quỹ môi trường toàn cầu tài trợ. Địa phương cũng động viên, khuyến khích các hộ gia đình của làng mộc Kim Bồng ra sức thực hiện các đề án về du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn hệ sinh thái để có được hướng phát triển du lịch bền vững, mang lại lợi ích về kinh tế - xã hội cho người dân”, ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP. Hội An cho biết.

Để nghề mộc đi lên cùng với những đề án như vậy, người thợ làng mộc Kim Bồng cũng nghiên cứu, làm ra nhiều sản phẩm gốm mỹ nghệ phục vụ thương mại, du lịch. Đặc biệt hướng tới “xanh hóa” quá trình chế tác sản phẩm để bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên. Ông Sướng chia sẻ: Vốn dĩ các sản phẩm thủ công của làng mộc đã thân thiện với môi trường rồi. Nay chúng tôi còn đẩy mạnh tái chế các loại gỗ, hơn nữa chuyển đổi sử dụng gỗ rừng trồng thay vì sử dụng gỗ tự nhiên để tránh tác động tới hệ sinh thái rừng tự nhiên. Tuy nhiên, khi sử dụng gỗ rừng trồng cần phải kỹ lưỡng hơn. Người thợ phải biết cách xử lý gỗ vì gỗ rừng trồng rất dễ bị mối mọt. Ngoài ra, các phương pháp đánh bóng thủ công và sử dụng nguyên liệu như dầu tự nhiên, và sơn gốc nước… cũng được thay thế cho chất liệu hóa học có hại cho môi trường. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu lượng chất thải và khí thải gây ô nhiễm mà còn tạo ra những sản phẩm an toàn và thân thiện với người tiêu dùng.

Cổng làng nghề truyền thống Kim Bồng.
Cổng làng nghề truyền thống Kim Bồng.

Đồng tình với điều này, ông Thi chia sẻ thêm: “Tại những ngày hội làng nghề hay tại cơ sở, du khách đến đây cũng được trực tiếp chứng kiến quá trình chế tác. Mình sẽ giải thích rõ nguồn gốc các loại gỗ cũng như các giai đoạn làm ra thành phẩm. Nếu dùng các hóa chất độc hại để tạo độ đẹp cho gỗ, chắc chắn khách hàng sẽ biết ngay vì thường chúng sẽ có mùi hắc, không còn thơm mùi gỗ tự nhiên được”. Đúng như ông Thi nói, nhiều người dân, du khách đến ngày hội làng mộc Kim Bồng không khỏi thích thú khi được chiêm ngưỡng phần trình diễn chế tác của các nghệ nhân.

Chị Lương Mai, một du khách đến từ Quảng Bình, phấn khởi nói: “Đây là lần thứ hai tôi đến làng mộc, hôm nay may mắn đi đúng dịp đang có hội, được xem nhiều thợ điêu khắc luôn. Tôi trước nay đã thích những sản phẩm thủ công mỹ nghệ rồi, nay đặc biệt thích sản phẩm của Kim Bồng vì chính sự tự nhiên, mộc mạc mà rất nghệ thuật. Nghe thợ nói là gỗ được sử dụng là gỗ rừng trồng, tôi thấy sản phẩm làm ra cũng để ở trạng thái tự nhiên nhất chứ không phủ màu hay phủ bóng nhiều. Tôi mua về làm quà cho đối tác vì thấy rất ý nghĩa”.

Những giá trị mà mộc Kim Bồng mang lại không chỉ thu hút người dân trong nước mà còn lan tỏa đến các du khách từ nước ngoài khi họ ngày càng thiện cảm và có xu hướng đến Hội An. “Tôi nghe bạn bè kể rất nhiều về làng quê Việt Nam, hôm nay có cơ hội đến Hội An, tôi mới nhận thấy nó thật yên bình và thú vị đúng với mong muốn du lịch sinh thái tự nhiên của tôi. Tôi được xem trình diễn nghề thủ công, còn được hướng dẫn tự tay làm một tác phẩm nữa. Những con vật, tranh được làm từ gỗ rất đẹp. Gỗ ở đây thơm như mùi thảo mộc vậy. Nghe nói đây là sản phẩm lưu niệm gỗ nhưng mang ý nghĩa bảo vệ rừng và môi trường tự nhiên, đúng như vậy thì thật ý nghĩa. Tôi rất thích nó”, đó là cảm nhận của anh Jae Hyun, một du khách Hàn Quốc khi được tham quan và trải nghiệm tại làng mộc Kim Bồng.

Những thợ mộc dày dạn kinh nghiệm thay phiên nhau trình diễn chế tác gỗ tại ngày hội làng nghề.
Những thợ mộc dày dạn kinh nghiệm thay phiên nhau trình diễn chế tác gỗ tại ngày hội làng nghề.

Ngày 21/02 tại Trung tâm Làng nghề xã Cẩm Kim, UBND xã Cẩm Kim đã tổ chức Ngày hội Làng nghề truyền thống Kim Bồng- Cẩm Kim năm 2024. Cũng trong ngày Hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quyết định công bố, đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề thủ công truyền thống đối với nghề đan võng ngô đồng ở Cù Lao Chàm và nghề làm nhà tre, dừa ở Cẩm Thanh (TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam). Làng mộc Kim Bồng đang tiến bước vào quá trình kết hợp giữa du lịch cộng đồng và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên. Nhờ vào những nỗ lực của người dân địa phương, đặc biệt là những người thợ mộc, làng mộc Kim Bồng không chỉ là điểm đến lý tưởng cho du khách muốn khám phá văn hóa truyền thống mà còn là một ví dụ điển hình cho sự phát triển bền vững của du lịch xanh và xây dựng kinh tế xanh.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.