Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Để đồng bào La Ha không bị tụt hậu

Thùy Anh - 09:05, 19/07/2023

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chính sách đầu tư hỗ trợ phát triển dân tộc La Ha, để giảm bớt khoảng cách giữa các nhóm dân tộc. Tuy nhiên, hiện nay La Ha vẫn thuộc thành phần DTTS khó khăn đặc thù, với tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao... Vì vậy, nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ những chính sách đặc thù được kỳ vọng sẽ giải quyết toàn diện khó khăn, nhu cầu thiết yếu, để đồng bào La Ha không bị tụt hậu so với các dân tộc khác, từng bước hòa nhập với sự phát triển chung của cả nước.

Đồng bào La Ha trong điệu múa truyền thống
Từ chính sách đầu tư hỗ trợ, đồng bào La Ha duy trì và phát huy được bản sắc văn hóa truyền thống

Chăm lo đời sống đồng bào La Ha

Dân tộc La Ha sinh sống tập trung ở huyện Mường La, tỉnh Sơn La. Theo thống kê đến tháng 6/2022, toàn huyện có 1.037 hộ, với 4.771 nhân khẩu là đồng bào La Ha sinh sống tại 26 bản thuộc 13 xã, thị trấn. Triển khai thực hiện các chính sách dân tộc, hằng năm, UBND huyện Mường La đã chỉ đạo Phòng Dân tộc huyện tổ chức rà soát nhu cầu hỗ trợ phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng để xây dựng phương án hỗ trợ các bản, xã có dân tộc La Ha. Các đơn vị, phòng ban chức năng phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức thông tin tuyên truyền về những chế độ, chính sách cho người La Ha và triển khai thực hiện hỗ trợ theo kế hoạch.

Điển hình là việc triển khai Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về “Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 - 2025” và Đề án “Hỗ trợ và phát triển kinh tế - xã hội dân tộc La Ha giai đoạn 2017 - 2025” theo Quyết định số 2477/QĐ-UBND ngày 20/9/2017 của UBND tỉnh Sơn La. Với nhiều chính sách hỗ trợ như: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng; hỗ trợ về nông, lâm nghiệp và vốn vay ưu đãi cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn; chính sách với Người có uy tín trong đồng bào DTTS; cấp không thu tiền một số ấn phẩm báo chí... đã góp phần cải thiện cuộc sống vật chất, tinh thần của người La Ha trên địa bàn huyện.

Cụ thể, từ năm 2019 đến nay, với nguồn vốn được tỉnh, Trung ương phân bổ, huyện đã hỗ trợ 10,6 tỷ đồng mua con giống, máy móc nông cụ và kinh phí làm chuồng trại chăn nuôi cho 822 hộ dân; tổ chức 24 lớp tập huấn, 4 đợt đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại các địa bàn trong tỉnh về áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng mô hình kinh tế, qua đó nâng cao kiến thức, năng lực sản xuất cho các hộ gia đình.

Bản tái định cư Huổi Liếng, xã Nặm Păm, huyện Mường La, tỉnh Sơn La được thành lập từ chương trình di chuyển dân ra khỏi khu vực sạt lở có 100% là đồng bào La Ha sinh sống
Bản tái định cư Huổi Liếng, xã Nặm Păm, huyện Mường La được thành lập từ chương trình di chuyển dân ra khỏi khu vực sạt lở, có 100% là đồng bào La Ha sinh sống

Đồng thời, huyện đã đầu tư xây dựng các công trình đường giao thông và cầu dân sinh, di vén Nhân dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Cùng với đó, đồng bào được quan tâm công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, nâng cao đời sống tinh thần, đã giúp cho đồng bào La Ha trên địa bàn huyện Mường La từng bước vươn lên cải thiện cuộc sống.

Còn nhiều gian khó

Trung tuần tháng 7, chúng tôi có chuyến công tác về bản Huổi Liếng, xã Nặm Păm, huyện Mường La, nơi đồng bào La Ha sinh sống. Con đường đất ngược dốc, vắt ngang dãy núi vào sâu bản đang trong giai đoạn thi công. Thời tiết Sơn La tháng 7 mưa dầm làm xói mòn đất đá và khó đi. Trên đường đi, ngồi sau tay lái cừ khôi của Trưởng bản Lò Văn San, tôi được nghe Trưởng bản kể sơ bộ về tình hình của bản. Huổi Liếng hiện có 39 hộ gia đình trước đây sinh sống ở nằm ven bờ suối, dưới chân dãy núi bên kia. Nơi đây khu vực địa chất yếu, nên sau trận mưa lũ lịch sử tháng 8/2017, bà con bị thiệt hại cả về người và nhiều tài sản, ngay sau đó, cả bản được chính quyền hỗ trợ di vén lên vùng đất hiện nay.

Con đường đất nối từ tỉnh lộ vào trong bản Huổi Liếng, xã Nặm Păm đang trong giai đoạn thi công, mưa dầm đã làm sói mòn đất đá và khó đi.
Con đường đất nối từ tỉnh lộ vào trong bản Huổi Liếng, đang trong giai đoạn thi công, mưa dầm đã làm sói mòn đất đá và khó đi.

Đến nơi ở mới, đồng bào được hỗ trợ để san tạo mặt bằng và làm nhà ở theo truyền thống. Những hộ gia đình ở Huổi Liếng từ đó đã dần định cư và trút được gánh lo toan mỗi mùa mưa tới, nhưng đến nay, kinh tế của đồng bào chủ yếu vẫn là thuần nông tự túc, tự cấp; ruộng lúa và nương sắn cũng chỉ đủ ăn. Đến cuối năm 2022, cả bản Huổi Liếng mới có được 1 hộ gia đình thoát nghèo. Vì kinh tế khó khăn, chưa có “của ăn của để” nên nhiều hạng mục phục vụ nhu cầu sinh hoạt của bà con cũng thiếu thốn, tạm bợ.

Bản Huổi Liếng, xã Nặm Pặm, huyện Mường La được thành lập cuối năm 2017
Bản Huổi Liếng được thành lập cuối năm 2017

Anh Cà Văn Ban, một hộ dân trong bản bộc bạch: Cuộc sống khó khăn nên gia đình không có nổi vài triệu để làm được công trình phụ cho tử tế. Hiện nay, gia đình sinh hoạt tại công trình phụ quây bạt, 2 phần kín 3 phần hở, từ việc lấy nước nấu ăn, vệ sinh cho đến tắm gội. “Cũng biết là không bảo đảm vệ sinh, nhưng không có điều kiện để xây, nên chỉ biết dùng như này thôi”.

Không riêng nhà anh Ban, ở Huổi Liếng, cho tới nay mới có 4 hộ gia đình có công trình phụ kiên cố, còn lại bao năm nay, các gia đình trong bản đều phải sống trong cảnh dùng công trình phụ tạm bợ, nhất là nhà vệ sinh. 

Nhà vệ sinh không đảm bảo an toàn vệ sinh cho người già và trẻ em
Ở bản Huổi Liếng, hầu hết người dân, từ người già, trẻ nhỏ phải dùng những nhà vệ sinh tạm bợ

Cần nhiều sự quan tâm hơn nữa

Ngoài khó khăn trên, thì bà con còn thiếu nước sinh hoạt. Mặc dù đường nước mạch dẫn về bản được nhà nước đầu tư đồng bộ, nhưng vào mùa khô không có nước về. Một tồn tại khác là, ở bản, nhiều hộ vẫn còn tình trạng nuôi nhốt gia súc ở gầm sàn, ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sống của các gia đình.

Nhiều hộ gia đình ở Huổi Liếng vẫn giữ thói quen nuôi nhốt gia súc ở gầm sàn
Nhiều hộ gia đình ở Huổi Liếng vẫn giữ thói quen nuôi nhốt gia súc ở gầm sàn

Ông Lò Văn Sang - Trưởng bản bản Huổi Liếng trăn trở: "Ở đây nhà nào cũng như vậy, còn nhiều khó khăn lắm, nước sinh hoạt đến nay chưa được bảo đảm đâu, Nhà nước có làm cho bể nước và đường nước dẫn về đây, nhưng vào mùa khô không có nước dùng đâu. Đường lên bản đã được Nhà nước đầu tư xây rồi, nhưng không hiểu sao vẫn chưa xong. Dù đã tuyên truyền, vận động, nhưng nhận thức của người dân mình chưa phát triển, nên vẫn nuôi nhốt gia súc dưới gầm sàn nhà. Mong Nhà nước quan tâm thêm để cho người La Ha mình đỡ khổ”.

Đường nước sinh hoạt về tới bản đều
Tuy đường dẫn nước sinh hoạt đã về tới bản nhưng người dân vẫn bị khát nước mỗi khi ùa khô đến

Ông Nguyễn Trọng Hiệp - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Mường La, chia sẻ: Trên địa bàn huyện Mường La chúng tôi có hơn 1.000 hộ dân người La Ha sinh sống, nhưng đều là hộ nghèo, điều kiện sống thiếu thốn đủ điều, trong đó hầu hết đến nay chưa có nhà vệ sinh. Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 có giao vốn, nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể. "Mong các bộ ngành cấp vốn và có hướng dẫn cụ thể để địa phương sớm triển khai một số nội dung của Chương trình, từng bước cải thiện chất lượng sống cho các hộ La Ha nơi đây", ông Hiệp bày tỏ.

Từ thực tế, những năm qua, đồng bào La Ha luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm hỗ trợ, đầu từ nhiều chương trình, dự án, nhờ đó cuộc sống của đồng bào so với trước kia đã thay đổi rất nhiều. Tuy nhiên, ngoài chính sách đầu tư của Nhà nước, rất cần sự nỗ lực, chủ động của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể trong tổ chức triển khai thực hiện và lồng ghép nguồn lực từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn để đời sống của đồng bào La Ha được phát triển một cách ổn định và bền vững hơn.

Tin cùng chuyên mục
Cuộc điều tra 53 DTTS tại Sóc Trăng: Thu thập thông tin thuận lợi, hoàn thành đúng tiến độ

Cuộc điều tra 53 DTTS tại Sóc Trăng: Thu thập thông tin thuận lợi, hoàn thành đúng tiến độ

Sóc Trăng có 11 đơn vị hành chính cấp huyện với 109 xã, phường, thị trấn và 775 khóm, ấp; dân số khoảng 1,2 triệu người, trong đó, đồng bào DTTS là 423.000 người (chiếm 35,4% dân số của toàn tỉnh). Nhờ làm tốt khâu chuẩn bị nên cuộc điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội 53 DTTS năm 2024 (Cuộc điều tra 53 DTTS) trên địa bàn tỉnh diễn ra thuận lợi, đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng nội dung kế hoạch phương án điều tra.