Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Để mo Mường trở thành di sản văn hóa thế giới

Nghĩa Hiệp - 14:53, 23/11/2020

Tỉnh Hoà Bình có đến 63,3% dân số là người Mường, đây cũng là nơi dân tộc Mường sinh sống đông nhất cả nước. Văn hoá Mường cổ có sự đa dạng, phong phú, và đặc sắc. Trong đó, phải kể đến mo Mường, một di sản văn hoá tiêu biểu đã và đang tiếp tục được bảo tồn, phát triển. Hiện mo Mường đang được Chính phủ lập hồ sơ để trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Trong các lễ hội quan trọng như Hội khai hạ Mường Bi, lễ cưới, lễ hội… đều có sự xuất hiện của mo Mường (Ảnh chụp hội Mường Bi Tân Lạc 2019)
Trong các lễ hội quan trọng như Hội khai hạ Mường Bi, lễ cưới, lễ hội... đều có sự xuất hiện của mo Mường (Ảnh chụp hội Mường Bi Tân Lạc 2019)

Mo Mường chứa đựng giá trị các loại hình văn hóa dân gian (văn học, diễn xướng, âm nhạc, múa và sân khấu, tín ngưỡng, tri thức dân gian). Đó là những áng mo kể chuyện (mo sử thi), mo nghi lễ (gắn với các nghi lễ tín ngưỡng), mo nhòm (mo tả cảnh). Ngôn ngữ trong mo là kho từ vựng tiếng Mường với nhiều từ cổ là tài sản, di sản vô giá của dân tộc Mường nói riêng, Việt Nam nói chung.

Mo Mường phản ánh nhân sinh quan, vũ trụ quan, chứa đựng tri thức dân gian sâu sắc. Nghệ nhân mo có vai trò là trí thức dân gian và được người dân tôn trọng. Mo Mường được thực hành trong các nghi lễ gắn với đời sống tín ngưỡng, nghi lễ vòng đời của người Mường. Qua kiểm kê có 23 nghi lễ sử dụng mo, nhiều nhất là trong tang lễ, ngoài ra là các nghi lễ cầu phúc lộc, mạnh khỏe, trừ tà, các lễ hội dân gian...

Tuy nhiên, những năm 1960 -1990, mo còn bị xem là mê tín, dị đoan, bị cấm nên đã lệch lạc giá trị. Trong khi đó, các nghệ nhân mo ngày càng ít, thế hệ trẻ không mặn mà với mo, dẫn đến mo Mường nhiều lần đứng trước nguy cơ bị mai một.

Theo thống kê của Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch tỉnh Hoà Bình, giai đoạn 2012 - 2018, số lượng nghệ nhân mo Mường giảm từ 284 người xuống còn 190 người. Trong khi đó, những ông Mo còn lại được coi là người giữ hồn dân tộc Mường thì đều đã ở tuổi rất cao.

Điển hình như, nghệ nhân mo Nguyễn Văn Tiện, năm nay đã 81 tuổi với 20 năm làm thầy mo. Nghệ nhân Tiện cho biết: “Người học phải có tố chất, học công phu, am hiểu sâu sắc văn hóa Mường, có đạo đức, uy tín và đầy đủ đạo cụ, đồ tế khí của nghề, có nổ thân (các đời cha, ông đã từng làm nghề, nếu tự học phải đi mượn nổ các dòng Mo khác). Chính vì thế, rất khó để tìm người truyền lại nghề”.

Nhằm lưu giữ, phát triển những giá trị văn hoá đặc sắc của mo Mường, tỉnh Hoà Bình đã xác định mo Mường là di sản văn hoá cần bảo tồn và phát huy trong đời sống cộng đồng và đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015 - 2020. Trong đó, nêu rõ nhiệm vụ: Tổng hợp kết quả kiểm kê, lập hồ sơ di sản văn hóa trình Bộ VHTT&DL quyết định công nhận mo Mường, chiêng Mường là di sản văn hóa cấp quốc gia; xây dựng lộ trình lập hồ sơ khoa học trình Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận mo Mường là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Để hiện thực hóa mục tiêu, năm 2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 08 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa mo Mường. Các cấp ủy Đảng, chính quyền vào cuộc, nhận thức của các cấp, ngành và cộng đồng về giá trị của mo Mường từng bước thay đổi.

Thầy mo làm lễ tại Hội Khai hạ Mường Bi
Thầy mo làm lễ tại Hội Khai hạ Mường Bi

Năm 2018, các câu lạc bộ mo Mường được thành lập, điển hình như Câu lạc bộ mo Mường Lạc Sơn, với 36 nghệ nhân tham gia; Câu lạc bộ mo Mường Địch Giáo, với 20 nghệ nhân… Tại đây, các nghệ nhân sinh hoạt, sưu tầm, tìm kiếm lại các roóng mo cổ, sáng tác các câu thơ mo mới. Đến nay, các nghệ nhân đã tập hợp được 115 roóng mo, với hơn 44.000 câu thơ mo và để trình diễn hết các bài mo phải mất 23 ngày mo liên tục. Cùng với đó là tìm kiếm những người trẻ có đủ khả năng, nhiệt huyết để truyền lại nghề.

Đến nay, tỉnh có 5 nghệ nhân ưu tú. Lần đầu tiên trong lịch sử, tỉnh đã xây dựng được bộ chữ viết dân tộc Mường, có ý nghĩa quan trọng trong việc ghi lại các áng mo. Cuối năm 2018, UBND tỉnh đã ban hành Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa mo Mường Hòa Bình giai đoạn 2019- 2025 và những năm tiếp theo”. Hiện, văn hoá mo Mường đã được Chính phủ gửi đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Mở ra cơ hội lớn quảng bá văn hoá dân tộc nói chung và văn hoá Mường nói riêng đến bạn bè quốc tế.