Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Môi trường sống

Để rác thải trở thành tài nguyên

Thanh Huyền - 16:37, 22/08/2020

Xử lý rác thải vẫn luôn là bài toán nan giải, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào DTTS. Rác thải không được thu gom mà người dân mạnh ai nấy làm, theo kiểu tự đốt, tự chôn hoặc đổ bừa ra sông, suối. Tái chế rác thải để sử dụng đầu vào cho các ngành công nghiệp khác, vừa tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, vừa bảo vệ môi trường là một trong những giải pháp hữu hiệu. Tuy nhiên, đến nay, việc tái chế rác thải tại Việt Nam vẫn chỉ nằm trên giấy...

Phân loại để rác thải trở thành tài nguyên là việc làm cấp thiết hiện nay. Ảnh: Tư liệu.
Phân loại để rác thải trở thành tài nguyên là việc làm cấp thiết hiện nay. Ảnh: Tư liệu.

Theo bà Khương Thị Huệ, thôn Hồng Tiến, xã Thượng Ấm, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang), bao đời nay, người dân trong thôn vẫn phải tự đào hố chôn, hoặc đốt rác thải. “Chúng tôi mong muốn rác được thu gom, xử lý để bảo đảm môi trường sống trong sạch, lành mạnh. Thế nhưng, bao đời nay vẫn thế, mong ước cứ xa vời”, bà Huệ cho biết.

Cách xử lý rác thải theo kiểu tự chôn, tự đốt còn là hướng xử lý rác tích cực. Thực tế, đến nhiều vùng nông thôn, miền núi khác, chúng tôi chứng kiến những bãi rác được đổ khắp nơi. Từ ao hồ, sông suối, vệ đường, trên nương, quanh nhà... đâu đâu cũng thấy rác. Trải qua mưa nắng, rác thải bốc mùi hôi thối, rác thải nhựa thì không phân hủy được làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cũng cho thấy, mỗi ngày có khoảng gần 40 nghìn tấn rác thải sinh hoạt phát sinh ở khu vực nông thôn, song tỷ lệ thu gom mới chỉ đạt khoảng 40 - 55%.

Tại Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị ban hành cách đây 15 năm về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã nhấn mạnh: “Thu gom và xử lý toàn bộ rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp bằng các phương pháp thích hợp, trong đó ưu tiên cho việc tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế tối đa khối lượng rác chôn lấp…”.

Tuy nhiên, sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết, Việt Nam vẫn chưa hình thành ngành công nghiệp môi trường và sử dụng rác là nguồn nguyên liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác. Không ít chương trình, dự án xử lý rác thải được quảng bá một cách rầm rộ. Nhưng chỉ một thời gian sau, nó lặng lẽ chìm dần.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) cho rằng, còn nhiều bất cập trong xử lý rác thải tại Việt Nam, cần có giải pháp hữu hiệu để xử lý rác thải, tránh gây ô nhiễm môi trường và khiến dư luận bức xúc...

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, trả lời kiến nghị của đại biểu Quốc hội xung quanh vấn đề này, ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ TN&MT cho biết, vấn đề xử lý rác thải nói chung, rác thải nhựa đang hết sức nhức nhối và khó khăn. “Cần phải nâng cao ý thức của người dân, để người dân có thể bắt đầu từ khâu tham gia vào phân loại, thu gom, tái chế sử dụng rác thải và sẽ tiếp cận công nghệ tiên tiến biến chất thải thành nhiệt năng và thành nguồn năng lượng. Đây chính là mục tiêu của Bộ TN&MT trong thời gian tới để xử lý vấn đề này”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ.

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) cũng đã đặt lộ trình đến năm 2025 để thu phí chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, chủng loại. Trong đó, có nhiều quy định về phân loại, tính chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, chủng loại nhằm khuyến khích phân loại chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân...

Tuy nhiên, để rác thải có thể thành tài nguyên, cùng với phân loại, phải xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào tái chế rác thải, xây dựng công nghiệp chế biến rác thải... 

Tin cùng chuyên mục