Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Đồng bằng sông Cửu Long: Lan tỏa phong trào bảo vệ môi trường

Lê Hùng - 11:14, 02/12/2019

Trong những năm gần đây, công tác bảo vệ môi trường nói chung, phong trào “Chống rác thải nhựa” nói riêng được triển khai sâu rộng và trở thành hoạt động thường xuyên của nhiều cơ quan, đơn vị, người dân ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Công tác bảo vệ môi trường thu hút được nhiều cơ quan, đơn vị tham gia hưởng ứng.
Công tác bảo vệ môi trường thu hút được nhiều cơ quan, đơn vị tham gia hưởng ứng.

Thông tin từ Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) tỉnh Hậu Giang cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, thông qua phong trào bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã thu hút được trên 6.400 lượt người của 168 cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương tham gia vào các hoạt động thu gom chất thải, khơi thông dòng chảy, dọn vệ sinh môi trường tại các tuyến kênh mương.

Ông Đào Trọng Ngữ, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT) tỉnh Hậu Giang cho hay: “Thông qua các hoạt động này, cán bộ, công chức, đoàn viên, thanh niên, người dân đã tham gia vớt rác, khơi thông dòng chảy được gần 91km kênh, rạch; thu gom được hơn 6.600 tấn rác thải các loại; phát quang bụi rậm, dọn dẹp vệ sinh 87,5km đường giao thông; trồng được 18.256 cây xanh các loại”.

Cùng với các hoạt động nêu trên, các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, hội, đoàn thể đã cho ra mắt nhiều mô hình bảo vệ môi trường hiệu quả như: mô hình thu gom chai lọ thuốc bảo vệ thực vật; phân loại rác thải tại nguồn…, đặc biệt là mô hình 5T (tuyên truyền, thu gom, tái chế, tiết kiệm, tươi tốt) đang được ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hậu Giang triển khai nhân rộng ở tất cả các cấp học.

Từ năm 2018 đến nay, thực hiện công tác phối hợp với Sở TN & MT TP. Cần Thơ trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, Hội Cựu Chiến binh TP. Cần Thơ đã thường xuyên tổ chức các hoạt động thu gom rác thải, trồng cây xanh để hưởng ứng các sự kiện hằng năm như: Ngày Môi trường thế giới; Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn; Ngày Quốc tế đa dạng sinh học.

Ông Nguyễn Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP. Cần Thơ thông tin, từ năm 2018 đến nay, các cấp Hội đã tổ chức tuyên truyền được tổng cộng 139 cuộc với trên 5.300 lượt hội viên, Nhân dân tham gia. Qua các cuộc tuyên truyền, đã góp phần giúp hội viên, Nhân dân nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tại tỉnh Sóc Trăng, bà Nguyễn Thủy Kiều Diễm, Phó Chi cục trưởng Phụ trách Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN & MT Sóc Trăng) thông tin, các sở, ban, ngành trong tỉnh đã ban hành kế hoạch, phát động cán bộ, công chức tích cực tham gia phong trào “Chống rác thải nhựa”, “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần”. Các tổ chức chính trị - xã hội, hội, đoàn thể thì triển khai mô hình thu gom rác thải nhựa trong trường học; thành lập các câu lạc bộ phụ nữ hạn chế sử dụng túi nylon và sản phẩm nhựa dùng một lần.

Bên cạnh đó, nhiều cá nhân, chủ cơ sở kinh doanh cũng đã có những hành động hưởng ứng phong trào này. Điển hình là trong thời gian gần đây, thay vì sử dụng vật liệu nhựa để đựng gỏi cuốn cho khách hàng thì chị Đỗ Phương Anh, ở phường 1, TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang đã chuyển sang dùng vật liệu thân thiện với môi trường.

Theo chị Phương Anh, việc sử dụng bọc nylon hay hộp xốp đựng đồ ăn cho khách hàng giúp chị ít tốn chi phí, lợi nhuận nhiều hơn nhưng đây là những sản phẩm khó phân hủy lại có tác hại với sức khỏe con người và môi trường. Khi biết được những tác hại đó, tôi chuyển sang dùng lá chuối, giấy đựng gỏi cuốn, dù rằng chi phí có cao hơn sản phẩm nhựa nhưng tôi thấy rất vui vì đã góp sức bảo vệ môi trường và sức khỏe cho khách hàng.

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Khó thực hiện nội dung Đào tạo nghề theo Chương trình MTQG 1719 vì nhiều cái thiếu

Nghệ An: Khó thực hiện nội dung Đào tạo nghề theo Chương trình MTQG 1719 vì nhiều cái thiếu

Thiếu đối tượng học nghề, nhu cầu học nghề không nhiều, chưa kể hệ thống cơ sở vật chất, số lượng giáo viên dạy nghề không đủ đáp ứng… đang là thực tế. Đây là nguyên nhân tiểu dự án 3, Dự án 5 thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) ở Nghệ An về hỗ trợ đào tạo nghề không thể giải ngân hết nguồn vốn được phân bổ.