Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Đến hồ Ba Bể trong những ngày đại dịch

Minh Thu - 12:24, 29/07/2021

Tay cầm chiếc chổi lông quét bụi trên sạp hàng, vẻ mệt mỏi lộ rõ trên khuôn mặt sạm nắng gió, chị Hà Thị Thoa bộc bạch: “Chán lắm chú à, dịch bệnh phức tạp nên mở cửa hàng suốt ngày nhưng không bán được một đồng nào”…

Từng đón hằng trăm ngàn lượt khách mỗi năm, chưa bao giờ hồ Ba Bể vắng khách như hiện nay.
Từng đón hằng trăm ngàn lượt khách mỗi năm, chưa bao giờ hồ Ba Bể vắng khách như hiện nay.

Mưu sinh gặp khó khăn 

Cách sạp hàng của chị Thoa chừng vài bước chân, chị Hoàng Thị Thúy, chủ một sạp hàng tạp hóa khác buồn bã đi ra đi vào. Chị bảo, kể từ sau ngày 3/5, kết thúc kỳ nghỉ lễ kéo dài bốn ngày, Khu du lịch hồ Ba Bể “vắng tanh như chùa Bà Đanh”. 

Chị Thúy chia sẻ: Bình thường, vào mùa du lịch hoặc nghỉ hè, chúng tôi bán hàng không ngơi tay, phải huy động cả người nhà ra phụ giúp. Nhưng năm nay, dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, hàng hóa không bán được trong khi các sinh hoạt của gia đình trông cả vào đó. Cứ tình hình này chắc khó cầm cự nổi.

Cùng cảnh với các chị, những “tay lái lụa” trên lòng hồ (câu nói chỉ những người chuyên lái tàu chở khách đi thăm hồ Ba Bể) ngày nào, giờ thì người chuyển sang làm lái xe ôm, người “thảnh thơi” đi câu, bởi lẽ không có khách tham quan, du lịch. Không có khách đồng nghĩa với không có thu nhập, mà dịch còn kéo dài. 

“Thôi thì chuyển qua chạy xe ôm chở khách vãng lai. Kiếm được đồng nào hay đồng đó", anh Phùng Văn Tú, một lái tàu du lịch buồn bã nói.

Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đã và đang tác động không nhỏ đến cuộc sống của người dân sinh sống ở khu vực vùng hồ Ba Bể - khu du lịch thắng cảnh có sức hấp dẫn lớn ở phía Bắc. Không riêng những người buôn thúng bán bưng như các chị Thoa, chị Thúy, nhiều chủ homestay đang đứng trước nguy cơ phá sản. Bởi tiền trả nợ ngân hàng ngày càng cao, trong khi thu nhập từ kinh doanh không có.

Chị Triệu Kim Xuyến, chủ homestay Suối Mơ, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể lo lắng: Từ gần ba tháng nay, homestay của gia đình không có khách, ba nhân viên phục vụ phải nghỉ việc, chị chỉ giữ lại đầu bếp để khi được phép mở cửa trở lại, có thể làm việc ngay. Hai vợ chồng chị và cô con gái đầu thay nhau dọn dẹp, làm những phần việc của nhân viên trước đây.

Rảnh rỗi, anh Phùng Văn Tú tranh thủ sửa sang lại con thuyền
Rảnh rỗi, anh Phùng Văn Tú tranh thủ sửa sang lại con thuyền

Nhiều nỗi lo thường trực

Theo chị Xuyến, những điều đó không đáng lo bằng việc, hằng tháng, gia đình chị phải trả nợ vay ngân hàng. Kinh doanh ế ẩm, thua lỗ, lại gánh thêm khoản nợ vay, không biết gia đình chị sẽ trụ nổi được hết năm nay không. 

"Tôi đang nghĩ đến phương án bán nhà để trả nợ, nhưng bán chưa chắc đã có người mua ở thời điểm này. Chỉ mong các cấp chính quyền, ngân hàng có biện pháp hoãn, giãn nợ hoặc hỗ trợ một phần, chia sẻ bớt khó khăn với người dân để cùng vượt qua dịch bệnh Covid-19”, chị Xuyến buồn nói.

Giống hoàn cảnh của chị Xuyến,  anh Đinh Công Trứ, chủ khách sạn Thái Bình, thôn Nà Mầm, xã Khang Ninh (huyện Ba Bể) như ngồi trên đống lửa. Anh cho biết: Về đời sống kinh tế, cơm ăn hằng ngày thì không đáng lo. Mà đáng lo nhất là khoản nợ ngân hàng gia đình anh mới vay năm trước để kinh doanh khách sạn. 

Anh Trứ nhẩm tính: Hiện nay, mỗi tháng, anh đang phải trả khoảng 15 triệu đồng tiền lãi ngân hàng. Vì kinh doanh ế ẩm, anh đã phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi, đắp đổi để đủ tiền trả nợ lãi ngân hàng hằng tháng.

“Mới qua ba tháng lo tiền trả nợ, mà anh ấy già sọm như ông ông lão 60. Nhiều đêm không ngủ, ra hàng hiên ngồi thẫn thờ...” , vợ anh Trứ nói.

Chung tay phòng chống dịch

Làm việc với Ban Quản lý Khu du lịch hồ Ba Bể, ông Hoàng Văn Thấm, Giám đốc Ban Quản lý, cho biết: Đơn vị cũng đang loay hoay với chính việc nuôi quân của mình. Theo ông Thấm: Trước đây, bình quân mỗi năm, Khu du lịch hồ Ba Bể đón hằng trăm ngàn lượt khách, đời sống của cán bộ, nhân viên cũng có nhiều cải thiện. Nhưng từ đầu năm 2020 đến nay, lượng khách giảm đáng kể, chỉ đạt phân nửa. 6 tháng đầu năm 2021, Khu du lịch chỉ đón được hơn 20 ngàn lượt khách. 

Đặc biệt, từ ngày 3/5/2021 đến nay, hầu như không có khách. Đơn vị buộc phải cho người lao động nghỉ luân phiên, chậm lương. Nhưng không vì vậy mà cán bộ, nhân viên suy giảm ý chí, nhiệt huyết và sự gắn bó. Bởi họ hiểu, dịch bệnh là điều không ai mong muốn. Càng khó khăn, càng phải đoàn kết chung tay với Nhà nước làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, vì sức khỏe của chính mình và cộng đồng”.

 Vắng khách, những người buôn bán nhỏ ngồi tán chuyện qua ngày
Vắng khách, những người buôn bán nhỏ ngồi tán chuyện qua ngày

Chị Ô Thị Trưng, nhân viên Khu du lịch hồ Ba Bể: “Là những người làm du lịch, chúng tôi hiểu và sẵn sàng chung tay với Chính phủ phòng chống dịch bệnh. Chỉ mong dịch bệnh sớm được kiểm soát, cuộc sống trở lại bình thường như trước là mừng lắm rồi".

Chia tay Ba Bể khi trời sâm sẩm tối, chúng tôi mang theo hình ảnh con tàu lênh đênh trên mặt hồ Ba Bể. Trên tàu, không một bóng khách, lái tàu Phùng Văn Tú ngồi trầm ngâm, ánh mắt xa xăm. Anh và bà con khu lòng hồ Ba Bể đang hy vọng một ngày mai tươi sáng hơn, khi dịch bệnh không còn...

Tin cùng chuyên mục
Viết từ nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc: Ấm no trên những bản làng vùng cao (Bài cuối)

Viết từ nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc: Ấm no trên những bản làng vùng cao (Bài cuối)

Trải qua những năm tháng khó khăn, bất ổn, được sự quan tâm chăm lo đầu tư, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước; tinh thần trách nhiệm của các cấp, lực lượng chức năng... diện mạo cơ sở hạ tầng, đời sống của đồng bào DTTS ở những bản làng vùng biên giới nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc hôm nay đã và đang ngày càng khởi sắc.