Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Chạy chợ ở vùng biên

Tiêu Dao - 11:10, 12/07/2021

Có người phất lên trông thấy từ nghề buôn. Cũng có người gặp phải tai ương và muôn vàn khó khăn đè lên vai. Thế nhưng vì cuộc mưu sinh, lúc nào họ cũng mang trong mình một nỗi lo lắng trên chặng đường ngược xuôi buôn bán.

Nhiều người chạy chợ vùng biên, để mang hàng hóa tới cho người dân các buôn làng
Nhiều người chạy chợ vùng biên, để mang hàng hóa tới cho người dân các buôn làng

Những hành trình mù sương

Nghề đi buôn đường rừng ở vùng biên các huyện Đức Cơ hay Ia Grai (Gia Lai) lâu nay vẫn là nghề thịnh hành ở vùng biên giới Việt Nam - Campuchia này. Mới 2h sáng, nhưng trên những con đường đoạn qua huyện Đức Cơ hay Ia Grai đã nhộn nhịp xe máy qua lại. Dù ánh đèn và tiếng còi xe nhấn vội của dân buôn đường rừng chưa thể xua đi bóng tối của đêm tàn vùng biên, nhưng đây là lúc họ bắt đầu công việc của mình với những chuyến xuyên rừng, vượt suối.

“Công ty hai sọt”, “Lái buôn hai sọt”… là tên gọi chung của họ, những người chuyên cung cấp hàng cho các địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào DTTS, nơi hàng hóa luôn khan hiếm. Lắm gian nan trắc trở và cả những hiểm nguy về tính mạng cũng như tài sản, nhưng vẫn có khá nhiều phụ nữ làm nghề này. Trên những chiếc xe máy, những chuyến hàng xuất phát từ chợ đêm Pleiku (trung tâm tỉnh Gia Lai) tỏa đi muôn nơi.

Ở khu vực chợ đêm này, lúc nào cũng đông đúc xe cộ và người mua, kẻ bán. 2 giờ sáng, thời điểm chợ đêm nhộn nhịp nhất, chúng tôi đã thấy rất nhiều người buôn bán nhỏ ở các huyện xa như Krông Pa, Ia Pa hay Kông Chro, Kbang, mà đặc biệt là ở các vùng biên giới như Ia Grai, Đức Cơ… mua hàng xong, chuẩn bị ra về.

Đi buôn đường rừng là mang hàng hóa đến những bản làng xa xôi, hẻo lánh để trao đổi với người dân ở các buôn làng. Hoặc là thu mua những nông sản, phế liệu mà người dân không có đủ điều kiện mang ra trung tâm huyện bán. “Gặp gì mua nấy, ai dặn mặt hàng gì thì mình mang vào cho họ. Những người đi buôn như chiếc cầu nối giữa miền xuôi với miền ngược vậy!”, một người phụ nữ vừa chất hàng lên xe, vừa hổn hển nói trong hơi sương phố núi.

Nhiều người phụ nữ buôn bán bằng hai chiếc sọt như thế này để mưu sinh và hy vọng vào tương lai tốt đẹp của những đứa con
Nhiều người phụ nữ buôn bán bằng hai chiếc sọt như thế này để mưu sinh và hy vọng vào tương lai tốt đẹp của những đứa con

Nói là hai sọt, nhưng thực chất thì mỗi chiếc xe máy chất đầy cơ man hàng hóa, nhu yếu phẩm để phục vụ bà con buôn làng. Những nơi có dấu xe của những người “hai sọt” như thế này thường là các con đường làng bé xíu, lắm ổ voi, ổ gà, hay những chiếc cầu treo nhỏ hẹp… mà xe hàng lớn, ô tô không thể đi được. Ở đó, mỗi ngày chiếc xe máy "cà tàng" chở đa dạng các mặt hàng vẫn bon bon trên muôn nẻo đường heo hút. Để có mặt ở đây lấy hàng về kịp cho buổi chợ sáng ở huyện, họ phải đi từ khi mọi người mới đi ngủ và ra về lúc trời vừa rạng. Cái lạnh buốt của đêm không làm ngại bước, dù họ là phụ nữ.

2 giờ 30 phút sáng, khi hạt mưa còn nặng trên những triền lá thấp của vùng cao nguyên, chị Vũ Thị Huệ, 38 tuổi, ở thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai cùng chồng đã sẵn sàng một chuyến bán hàng tại các xã vùng sâu, vùng xa của huyện. Trong hai chiếc sọt của chị chất đầy nào cá khô, rau quả, gia vị, mì tôm, gạo... và cả văn phòng phẩm như sách vở, dụng cụ học tập cho học sinh... Các thứ hàng đó chị mang vào các bản làng ở những xã giáp biên giới, là các xã thuộc diện đặc biệt khó khăn nhất của tỉnh để bán lại cho người dân nghèo. 

Chị Huệ chia sẻ: “Nghề đi buôn này kể ra thì cực kỳ vất vả, nhưng được cái vui! Mỗi sáng vào đến buôn làng, bà con đổ ra bên cạnh mình tay mua hàng, miệng hỏi thăm tình hình nhà cửa, phố thị, chuyện đường sá, có khi có thứ gì ngon họ lại mang ra đổi. Họ thương và quý vì mình thật thà, quan tâm đến họ!”. Những chuyến hàng của chị chở đến lại thêm những câu chuyện vui, những câu đùa dí dỏm, thông tin mới kịp thời cho những người dân vùng biên giới. Và tất nhiên, các chị có thể giao tiếp bằng ngôn ngữ của chính những người dân nơi này.

Làm bạn với mặt trời

Lật trong mớ ký ức ngổn ngang những chuyến băng rừng của mình, anh Phan Văn Lưu, 57 tuổi, ở Chư Prông (đã giải nghệ) nhớ lại: “Nghề đi buôn ở vùng biên kiểu này đã có từ lâu lắm rồi. Tính đến giờ tôi đi buôn cũng đã ngót 2 chục năm. Lúc đầu chỉ đàn ông, trai tráng có sức khỏe mới dám đi. Nhưng nay, vì đường sá có phần “dễ thở” hơn nên thu hút rất đông các chị em phụ nữ trên địa bàn tham gia. Tất cả cũng chỉ vì miếng cơm manh áo và những lo toan cho lũ trẻ thôi!”.

Chị Nguyễn Thị Minh, ở Đức Cơ, có thâm niên hơn 8 năm trong nghề với biết bao buồn vui của nghề cho hay: “Những phụ nữ như tôi chỉ dám đi buôn ở những bản gần và đường dễ đi hơn thôi. Vì đã đi buôn thì phải chở hàng rất nặng, khối lượng hàng hóa có khi đến vài tạ. Cho nên những nơi dốc cao, vực thẳm phụ nữ không dám đi. Và chỉ đi và về trong 1 ngày để còn chăm sóc gia đình nữa!”.

Cùng chiếc xe máy cà tàng chở hai sọt hàng nặng, chị Minh không bao giờ quên bơm, keo, đồ vá săm và một chiếc gậy để phòng thân. “Nhiều khi đường xấu nên ngã xe, hàng hóa đổ vung vãi, trời lại mưa gió, có những đoạn đường rừng không người nên phải nghỉ, rồi một mình cả tiếng đồng hồ để xếp lại hàng hóa… Có khi đi giữa đêm làm phận đàn bà bị các đối tượng chọc ghẹo, mình phải có sẵn vũ khí để chống cự, nếu không chẳng biết chuyện gì sẽ xảy ra. Còn chuyện thủng săm, hư xe giữa đường là cơm bữa. Chính vì thế chị em ở đây ai cũng biết sửa xe máy cả!”, chị Minh cười bộc bạch.

Những nơi đường sá rất hiểm trở, bụi đỏ mù đường mùa nắng thì cần phải cứng tay lái mới dám bén mảng đến. Còn mùa mưa thì không thể đến, bởi vì nước các khe, suối dâng cao đi lại rất nguy hiểm. Tai nạn xảy ra đối với dân đi buôn đường rừng là chuyện thường, nhẹ thì gãy tay chân, nặng thì phải bỏ nghề. 

Chị Ngô Thị Liên đến từ huyện Chư Prông cho biết, đã 15 năm nay, chị gắn bó với chợ đêm để mang hàng lên khu vực các buôn làng gần cửa khẩu Lệ Thanh (Đức Cơ) bán cho bà con trên ấy. Lúc đầu, gia đình ai cũng phản đối. Làm nghề này thân gái dặm trường vất vả lắm nên ai cũng khuyên phải tìm cái nghề nào ổn định hoặc mở một quầy tạp hóa. Nghề nào chẳng có sự vất vả riêng, theo mãi rồi cũng quen.

Trên những sọt hàng này, là cuộc sống của những gia đình
Trên những sọt hàng này, là cuộc sống của những gia đình

“Hơn 15 năm nay, tôi đã chạy xe trên hàng ngàn cây số, nhưng đó là niềm vui mà chỉ có người làm công việc này mới cảm nhận hết được. Bà con trong đó còn nghèo lắm, lấy tiền đâu mà mua những thứ hàng cao cấp như ngoài phố! Mình mang vào bán những thứ thật cần thiết để bà con dùng thôi! Bà con quý mình lắm vì mình bán rẻ, lại biết bà con thiếu thốn những gì nên mang vào!”, quàng vội tấm áo mưa, chị Liên cười rồi phóng vụt xe đi.

Mười mấy năm gắn bó với nghề, chị Liên đã thuộc lòng từng chỗ sụt lồi, ngoằn nghoèo trên đường vào các buôn làng ấy. Chừng ấy năm gắn bó với nghề là chừng ấy đêm chị thức trắng cùng những buổi chợ như thế này. “Cái giá của chừng ấy thời gian thức trắng đêm là tôi đã nuôi 3 đứa con ăn học, chỉ bằng chiếc xe 2 sọt này. Đứa lớn đã vào đại học ở Đà Nẵng, mỗi tháng gửi khoảng 3 triệu, chưa kể nhiều thứ tiền khác cho mấy đứa kia nữa!”, chị Liên tâm sự.

Họ cứ miệt mài, nhọc nhằn như vậy có khi đến mươi, mười lăm năm, thậm chí cả cuộc đời cho những chuyến hàng đằng đẵng tới vùng biên.

Giữa sự bộn bề sôi động của cuộc sống này, những người chạy chợ vùng biên vẫn cứ thầm lặng, miệt mài với công việc của mình. Bởi đằng sau hàng ngàn số phận mưu sinh bằng nghề buôn đường rừng ở vùng biên đó, là những đứa con được học hành đàng hoàng, được bước chân vào giảng đường đại học, là những cha mẹ già được nuôi dưỡng, là những chuyến hàng tới vùng biên để phục vụ bà con dân bản... 



Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Ở tuổi 60, nhưng ngay từ thuở 15, 16, ông Kha Văn Hưng đã say mê với nhạc cụ truyền thống dân tộc Thái của mình. Bao năm qua, ông dành biết bao tâm sức học hỏi để sử dụng, chế tác được nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào. Điều ông Hưng trăn trở, mong mỏi nhất là thế hệ trẻ trong bản tiếp nối truyền thống cha ông để giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.