Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Đến với xóm “ba không” Lũng Chàm

Minh Thu - 11:27, 12/06/2020

Là 1 trong 4 xóm vùng sâu, vùng xa nhất huyện Bảo Lạc (Cao Bằng), nhiều năm qua, xóm Lũng Chàm, xã Khánh Xuân vẫn thuộc diện “ba không”: Không đường, không điện, không nước sạch.

Một góc xóm “ba không”
Một góc xóm “ba không”

Gian nan Lũng Chàm

Trước khi lên Lũng Chàm, anh Lữ Văn Đạt, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Bảo Lạc nói với tôi: Đường lên Lũng Chàm rất khó đi, phải leo núi nhiều đấy. Tôi nghĩ bụng: Leo núi mãi rồi, thêm một lần nữa chẳng sao. 

Sớm hôm sau, chúng tôi xuất phát từ Bảo Lạc bằng xe máy lúc 7 giờ sáng. Chỉ mất chừng 25 phút cho quãng đường từ trung tâm huyện đến UBND xã Khánh Xuân, nhưng phải mất gần 3 giờ leo bộ qua những vách núi, đánh vật với những khúc cua, những dốc đá tai mèo dựng ngược để lên Lũng Chàm. Chúng tôi lên đến Lũng Chàm khi đã gần trưa. Khí hậu Lũng Chàm khác hẳn ở Bảo Lạc, với độ cao trên 1.000m so với mực nước biển nên trời mát lạnh, nhiều mây và sương mù. 

Nhà Trưởng xóm Chảo Vần Mình nằm khiêm tốn ở cuối con đường đất. Chúng tôi đến vừa đúng lúc anh Mình lắp bình ắc quy vào chiếc xe máy để tích điện dùng thắp sáng cho hai chiếc đèn vào buổi tối. Đôi tay lấm lem dầu mỡ, trưởng xóm mời chúng tôi vào nhà. 

“Dân Lũng Chàm mong mỏi có được con đường từ rất lâu rồi. Lần nào mình ra xã họp về bà con cũng hỏi về điện, về đường và nước sạch!”, Trưởng xóm Chảo Vần Mình chia sẻ.

Theo Trưởng xóm Chảo Vần Mình, ở trên này, mùa mưa còn đỡ vì có nước mưa để dùng, còn đến mùa khô, người dân phải xuống tận dưới đường cái để gùi nước. Hiện, bà con đang hứng nước mưa trữ vào téc để sinh hoạt nhưng phải rất tiết kiệm. Thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, quanh năm rét lạnh, sương mù, không có đất sản xuất, trình độ dân trí thấp, đa số người dân không biết chữ nên việc tiếp cận và áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất còn khó khăn. Bao bọc quanh xóm toàn núi đá. Cây ngô chỉ có thể canh tác được một vụ bằng cách tận dụng những khoảnh đất nhỏ giữa các hốc đá để trồng. Hộ nào khá hơn thì nuôi thêm được con lợn, con gà, cây rau. Nhà Trưởng xóm khấm khá hơn cả nhưng cũng mới thu được khoảng 40 bao ngô/năm, chỉ đủ ăn. Cả 35 hộ dân trong xóm đều nghèo, vì nếu có làm được bao ngô, nuôi được con gà cũng chẳng thể bán được cho ai.

Vì cuộc sống còn khó khăn nên các em học sinh ở đây cũng thiếu thốn nhiều thứ. Từ nước uống, quần áo, thức ăn… Vào mùa đông, nhiều em chỉ một cái áo sơ mi, đi dép lê hoặc chân đất đến lớp. Lớp học thì không đủ ánh sáng do sương mù nhiều, điểm trường lại chưa có điện. Việc ăn uống, sinh hoạt của giáo viên và học sinh gặp rất nhiều khó khăn, do chưa có bếp để nấu ăn. Việc vận động học sinh đến lớp cũng rất vất vả. Những hôm trời lạnh học sinh lại nghỉ học. Chất lượng học tập vì thế cũng thấp, tỷ lệ chuyên cần không cao. 

Ngày vui còn ở phía trước

Người dân xóm Lũng Chàm hiện sống tại 8 điểm nhóm, rải rác trên các đỉnh núi. Với điều kiện địa hình, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt như vậy, bà con đành học cách sống chung với những khó khăn. Để có điện thắp sáng, một số hộ đã vay mượn để tìm mua máy phát điện chạy bằng năng lượng mặt trời, nhưng cũng ít khi sử dụng được, bởi ở trên cao, quanh năm mây mù, không đủ ánh sáng mặt trời để máy hoạt động.

Năm 2018, UBND huyện Bảo Lạc đã hỗ trợ cho xóm Lũng Chàm 100 triệu đồng để thông tuyến đường lên xóm, nhưng cũng chỉ mới đáp ứng được một phần. Con đường cheo leo ấy, mùa khô còn có thể đi được, đến mùa mưa thì đành chịu, vì trơn trượt. Cũng trong năm 2018, từ nguồn kinh phí của Đề án 2085 (Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2020), UBND xã Khánh Xuân đã cấp cho mỗi hộ 1 téc chứa nước. Nhưng những téc nước này cũng chỉ phát huy được tác dụng khi trời mưa, hết mưa, bà con lại phải xuống núi gùi nước. Vì thiếu nước, nên chất lượng cuộc sống không bảo đảm. 

 Đem tất cả những trăn trở của người dân Lũng Chàm trao đổi với Chủ tịch UBND huyện Bảo Lạc, ông Nguyễn Ích Chánh cho biết: Toàn huyện còn tới 4 xóm đặc biệt khó khăn (ĐBKK) như Lũng Chàm. Vì là huyện nghèo, thuộc diện 30a, nên đời sống KT-XH của huyện còn rất nhiều khó khăn. Hiện, toàn huyện mới chỉ có 70% dân số được sử dụng điện, trên 60% số dân được sử dụng nước sạch. 

“Mới đây, bằng nhiều nguồn lực, kể cả xã hội hóa, vận động doanh nghiệp, huyện đã hỗ trợ cho 4 xóm 400 triệu đồng để cải tạo đường vào xóm. Về điện, hiện huyện đang chờ tỉnh hoàn thiện hồ sơ để triển khai chương trình sử dụng điện năng lượng mặt trời. Kinh phí cho Dự án này khoảng 65 tỷ đồng, do một Tập đoàn Nhà nước hỗ trợ, nếu triển khai được cũng chỉ đáp ứng được một số nhu cầu tối thiểu như điện thắp sáng, ưu tiên trước mắt ở những xã biên giới. Về vấn đề nguồn nước, vì ở trên núi cao nên người dân sẽ sử dụng nước mưa và nước sinh hoạt tự chảy. Huyện đã dùng nguồn vốn từ Đề án 2085 để đầu tư mua téc nước cho bà con tích trữ nước”, ông Nguyễn Ích Chánh chia sẻ.

Với những điều kiện quá khó khăn của một huyện nghèo, việc hỗ trợ cho bà con DTTS ở các xóm vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK như ở Lũng Chàm dường như quá sức đối với Bảo Lạc. Chưa biết đến bao giờ, người dân Lũng Chàm mới có được ngày vui?

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – Một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.