Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Du lịch

Đèo Khau Cốc Chà - Cung đường hùng vĩ

Quỳnh Lưu - 7 giờ trước

Nằm trên địa phận xã Xuân Trường, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, đèo Khau Cốc Chà được coi là một trong những cung đèo hiểm trở bậc nhất khu vực miền Bắc. Với vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ và đầy thử thách, Khau Cốc Chà đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho những ai yêu thích du lịch khám phá và trải nghiệm.

Từ trên cao nhìn xuống, đèo Khau Cốc Chà uốn lượn như con trăn khổng lồ.
Từ trên cao nhìn xuống, đèo Khau Cốc Chà uốn lượn như con trăn khổng lồ

Khau Cốc Chà nằm trên Quốc lộ 4A, dài khoảng 2,5km nhưng có tới 14 “cua tay áo”, tạo thành 15 tầng dốc vô cùng hiểm trở. Con đèo này bám theo chiều dựng đứng của ngọn núi Cốc Chà, nối xã Xuân Trường với thị trấn Bảo Lạc, huyện Bảo Lạc.

Theo người dân nơi đây, trong tiếng dân tộc Tày thì “Khau” có nghĩa là đèo, Cốc Chà là tên của một bản người Tày ở đỉnh đèo, cũng là tên một loại cây mọc rất nhiều ở khu vực này, vì thế đèo được lấy tên là Khau Cốc Chà. Đèo có từ thời Pháp thuộc, nhưng khi đó chỉ là đường mòn rộng khoảng 40cm. Địa hình hiểm trở, khó đi nên người dân thường đi bộ hoặc cưỡi ngựa và phải mất rất nhiều thời gian mới vượt qua đèo. Từ năm 2009 - 2011, tỉnh Cao Bằng đầu tư, mở rộng cung đường đèo này, mặt đường mở rộng lên 5m và rải nhựa. Những khúc “cua tay áo” được mở rộng nhằm bảo đảm an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông, giúp việc đi lại giữa huyện Bảo Lạc và các vùng lân cận trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn, đồng thời rút ngắn thời gian di chuyển.

Với vẻ đẹp hùng vĩ, Khau Cốc Chà thu hút nhiều du khách trong nước.
Với vẻ đẹp hùng vĩ, Khau Cốc Chà thu hút nhiều du khách trong nước

Bà Quan Hồng Tiềm, Trưởng phòng Văn hoá, Thông tin và Khoa học huyện Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng) cho biết: Để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tham quan, trải nghiệm, năm 2024, huyện Bảo Lạc tiến hành đầu tư mở con đường đi bộ từ đỉnh đèo đến điểm ngắm toàn cảnh con đèo này dài 2km, đến nay con đường đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Vì vậy, du khách chỉ mất khoảng 30 phút đi bộ ven theo sườn núi dưới tán cây rừng xanh ngát là đến được điểm ngắm toàn cảnh con đèo. Từ trên sườn núi nhìn xuống, toàn bộ con đèo uốn lượn như con trăn, con rắn giữa thiên nhiên hùng vĩ của cây rừng xanh ngắt bốn mùa, càng cảm phục ý chí, nghị lực phi thường của con người trong việc chế ngự thiên nhiên, biến con đường dân sinh nhỏ bé trở thành con đèo hùng vĩ, sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm, đặc biệt là các “phượt thủ” thích du lịch khám phá, mạo hiểm.

Không chỉ có khách trong nước, nhiều du khách quốc tế đến tham quan, trải nghiệm cung đèo này.
Không chỉ có khách trong nước, nhiều du khách quốc tế đến tham quan, trải nghiệm cung đèo này

Mặc dù ra đời muộn hơn so với đèo Mã Pì Lèng (huyện Mèo Vạc, Hà Giang), nhưng đèo Khau Cốc Chà có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, bởi nằm trên cung đường tuyến du lịch số 5 kết nối Công viên địa chất Non nước Cao Bằng với Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang). Nếu di chuyển từ đèo Mã Pì Lèng đến đèo Khau Cốc Chà theo quốc lộ 4C, quốc lộ 4C với chiều dài khoảng 80km, du khách sẽ được trải nghiệm, ôm trọn hai con đèo hùng vĩ nhất khu vực miền Bắc.

Tiếp đó, trong lộ trình tham quan, thưởng ngoạn hai công viên địa chất của tỉnh Hà Giang và Cao Bằng, du khách còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của nhiều địa danh nổi tiếng, như: Di tích nhà Vương, cột cờ quốc gia Lũng Cú, hẻm Tu Sản sông Nho Quế, khu di tích Pác Pó, thác Bản Giốc và các làng văn hoá du lịch cộng đồng đậm đà bản sắc văn hoá của nhiều dân tộc thiểu số được giữ gìn và bảo tồn tốt,... Đây sẽ là cơ hội để các đơn vị lữ hành xây dựng kết nối tua tuyến và đầu tư khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch của các địa phương trên vùng Công viên địa chất Non nước Cao Bằng.

Tin cùng chuyên mục
Bức tranh mùa gặt trên cao nguyên Kon Tum

Bức tranh mùa gặt trên cao nguyên Kon Tum

Vào mùa gặt, những cánh đồng lúa ở Kon Tum hiện lên như bức tranh lớn, nơi những luống gặt, vạt rạ trải dài tạo thành các hoa văn tự nhiên đầy sống động. Vẻ đẹp ấy không chỉ phản ánh sự khéo léo trong lao động mà còn mang đậm dấu ấn văn hóa của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên.