Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Di sản tỏa sáng - Điều còn lại sau một cuộc Liên hoan

PV - 09:58, 16/09/2019

Trình diễn di sản văn hóa là một trong những hoạt động quan trọng để di sản văn hóa có cơ hội được tỏa sáng. Sau Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia do UBND tỉnh Tuyên Quang, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức vừa qua, một lần nữa, bản sắc văn hóa có cơ hội được thăng hoa, lan tỏa và hiện hữu chân thực hơn trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, ý nghĩa quan trọng hơn sau mỗi cuộc trình diễn, sau ánh đèn sâu khấu là di sản văn hóa đó đi vào đời sống xã hội như thế nào, ý thức của người dân trong việc giữ gìn văn hóa ra sao…?

Lễ cấp sắc của dân tộc Dao (tỉnh Tuyên Quang) trên sân khấu Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ cấp sắc của dân tộc Dao (tỉnh Tuyên Quang) trên sân khấu Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trong không gian rực rỡ sắc màu tại Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia do UBND tỉnh Tuyên Quang, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức, chúng ta dễ dàng nhận thấy sức hút đặc biệt của những di sản văn hóa phi vật thể. Từ Chầu Văn (Nam Định), hát Trống quân (Hưng Yên), múa Bồng (Hà Nội), hát Xoan (Phú Thọ), Dân ca Quan họ (Bắc Ninh), trò diễn Xuân Phả (Thanh Hóa)… đến múa trống Chhay-dăm (Tây Ninh), ca Huế (Thừa Thiên-Huế), Xòe Thái (Sơn La), Cồng chiêng Tây Nguyên (Đăk Nông) và đặc biệt, tỉnh Tuyên Quang với nhiều tiết mục, như: hát Then của dân tộc Tày, Lễ Cấp sắc của dân tộc Dao… Mỗi tiết mục đều mang đến những dấu ấn riêng, cùng tổng hòa vào bức tranh đa sắc màu văn hóa.

Trên sâu khấu, dưới ánh đèn lung linh huyền ảo, di sản dường như đẹp đẽ hơn, tỏa sáng hơn. Thế nhưng điều làm nên sức sống, sự lan tỏa cho những di sản văn hóa ấy là những điệu múa, bài hát ấy được biểu diễn bởi nhiều nghệ nhân, diễn viên không chuyên, những diễn viên quần chúng –họ bước ra từ bản làng, mang theo niềm vui, niềm tự hào đưa bản sắc văn hóa dân tộc mình đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Và, bước ra sân khấu lớn, họ lại mang theo sức sống của di sản về bản làng. Bên cánh gà sân khấu, chúng tôi cảm nhận được sự háo hức của những diễn viên thôn bản, ánh mắt, nụ cười của họ toát lên niềm tự hào.

Tham gia đội văn nghệ thôn, bản nhiều năm và cũng từng biểu diễn trong một số chương trình văn hóa, nghệ thuật của tỉnh, của huyện và một số tỉnh bạn, chị Quàng Thị Hường, dân tộc Thái, bản Chậu, phường Chiềng Cơi, TP. Sơn La, tỉnh Sơn La cho rằng, mỗi lần được biểu diễn là mỗi lần mang đến cho chị nhiều cảm xúc. “Cứ mỗi lần mang điệu xòe dân tộc Thái đi biểu diễn là thêm một lần cho tôi tự hào về bản sắc văn hóa của dân tộc mình và có thêm động lực để bảo tồn, phát huy điệu múa của dân tộc. Tại thôn bản, chúng tôi thường xuyên múa xòe trong ngày lễ Tết, hội làng hay những dịp gặp mặt gia đình, dòng họ”.

Nếu ai đã từng xem múa trống Chhay-dăm (Tây Ninh) đều nhận thấy điệu múa ấy hay và đẹp bởi thứ dụng cụ, âm thanh dân dã. Các nghệ nhân biểu diễn chơi trống bằng nhiều phần cơ thể, tạo nên sự uyển chuyển. Và tại Liên hoan múa trống Chhay-dăm-một nét văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ, nhưng chỉ ở Tây Ninh, vũ điệu này mới được nâng lên tầm cao hơn, được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và đã được thăng hoa trên sân khấu xứ Tuyên.

Các diễn viên không chuyên đến từ thôn, bản tham gia Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Các diễn viên không chuyên đến từ thôn, bản tham gia Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

“Lần đầu tiên tôi đến Tuyên Quang để tham gia biểu diễn múa trống Chhay-dăm. Tự hào lắm. Sau liên hoan, tôi sẽ tích cực truyền dạy cách làm trống, cách múa trống cho lớp trẻ tại địa phương. Từ lâu múa trống Chhay-dăm đã là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân Tây Ninh nói chung, đồng bào dân tộc Khmer ở Tây Ninh nói riêng. Không chỉ thế, tôi mong muốn, được truyền dạy cách múa trống cho các dân tộc anh em tại nhiều tỉnh, thành cùng tham gia”, ông Trần Văn Xén, nghệ nhân đến từ Tây Ninh tâm sự.

Đối với người dân, khi được hòa mình trong không gian văn hóa đó, đã cho họ cảm xúc, sự thích thú đặc biệt. Theo chị Nguyễn Thị Thanh Sơn (đến từ xã Mai Sơn, huyện Lục Yên, Yên Bái), di sản văn hóa của mỗi dân tộc đều có cái hay và vẻ đẹp riêng, rất cần được phát huy trong đời sống hằng ngày.

Rõ ràng di sản là tài sản vô cùng quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, như Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã phát biểu tại Liên hoan: “Lịch sử và văn hóa nước ta không chỉ được lưu lại trong sử sách mà còn hiện diện trên mọi miền đất nước, cùng với đó là kho tàng đồ sộ về di sản văn hóa phi vật thể với những giá trị tinh thần, văn hóa nghệ thuật to lớn… Bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa không chỉ là nhiệm vụ quan trọng của một quốc gia mà còn là trách nhiệm mang tính toàn cầu”.

Như vậy, sức sống, sự lan tỏa của di sản văn hóa sau mỗi đợt liên hoan, mỗi chương trình biểu diễn sau ánh đèn sâu khấu, để di sản văn hóa luôn hiện hữu trong đời sống thường nhật thì rất cần sự vào cuộc với một chiến lược, chính sách cụ thể, lâu dài của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

THANH HUYỀN - HỒNG MINH

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.