Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Nguy cơ hoang phế của một khu di tích

Phan Thị Anh Thư - 10:04, 21/07/2020

Dẫn chúng tôi vào khu di tích (KDT) Gò Cây Thị (thuộc thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, An Giang), ông Chau Xom, nhà ở xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn cho biết: “Đây là di tích đặc biệt quý hiếm của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Ở đây đã có bảo tàng nhưng chỉ để trưng bày những cổ vật tìm được, còn việc bảo quản, giữ gìn những điểm khai quật thì hầu như đang bị bỏ ngỏ!”

Bên trong KDT Gò Cây Thị
Bên trong KDT Gò Cây Thị

Di tích khảo cổ quý hiếm trên đất Thoại Sơn

Ông Chau Thuôn, 90 tuổi, ngụ tại thị trấn Óc Eo kể: “Nghe ông bà tôi kể lại, trên gò đất này có trồng rất nhiều cây thị cho trái quanh năm, trái thơm, to, vàng ươm, vị ngọt nhưng người dân không dám ăn vì sợ thần linh quở phạt. Từ đó khu này có tên là Gò Cây Thị”.

Đây là KDT nằm trong Quần thể Di tích Văn hóa Óc Eo ở Khu di tích Óc Eo - Ba Thê (tỉnh An Giang), do nhà khảo cổ học người Pháp tên Lonis Malaret khai quật vào năm 1944. Sau năm 1975, KDT còn được khai quật nhiều lần và đã tìm được nhiều di vật có liên quan đến các khu mộ cổ thời kỳ văn hóa Óc Eo.

Năm 2002 di tích Gò Cây Thị đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) công nhận Di tích khảo cổ cấp quốc gia. Năm 2012, di tích này được công nhận là Di tích đặc biệt cấp quốc gia. Về vị trí địa lý, KDT này nằm trên cánh đồng cạnh chân núi Ba Thê, là 1 trong 7 ngọn núi liên hoàn ở An Giang, cách chân núi Ba Thê khoảng 1.500m về phía Tây.

KDT quay mặt về hướng Đông, kiến trúc có dạng gần vuông, được chia thành 2 phần hình chữ nhật. Phần chính diện ở phía Tây và phần tiền diện ở phía Đông, kiến trúc có diện tích gần 489m2. Toàn bộ kiến trúc được xây dựng trên 1 nền đá khối rất lớn, mỗi viên đá có đường kính từ 40 - 50cm đặt trên lớp đất sét nền, bên trên là những tảng đá nhỏ trộn lẫn với gạch vỡ, tạo thành nền tảng của nền bên dưới.

Cấu trúc Gò Cây Thị gồm: 36 đường tường móng gạch tạo thành nhiều cấu trúc bên trong gồm: Tiền diện, chính diện, các ô ngăn lớn và nhỏ... Tiền diện dài 16,8m, rộng 7,4m, mặt tiền diện mang biểu tượng của bánh xe hay tia nắng mặt trời. Chính diện nằm ở phía Tây dài 22m, rộng 16,4m, ở phần giữa chính diện có 4 ngăn hình chữ nhật, mỗi ô có cạnh dài khoảng 4m, rộng 2,3m.

Qua khai quật, các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều loại hình di tích và di vật: Một số tượng Phật bằng đồng được tìm thấy quanh gò này, một số di tích kiến trúc mộ hỏa táng được xây bằng gạch và đá. Cả 2 di tích đều được xây dựng trên 1 tầng văn hóa cư trú chứa nhiều gốm mịn Óc Eo và cọc nhà sàn. Ngày 30 tháng 12 năm 2002, Bộ trưởng Bộ Văn hóa (nay là Bộ VHTT&DL) ký Quyết định số 39/2002/QĐ-BVHTT công nhận di tích Gò Cây Thị là Di tích khảo cổ cấp quốc gia. Năm 2012, di tích này đã được công nhận Di tích đặc biệt cấp quốc gia.

Khu chính trong KDT Gò Cây Thị đã bị xuống cấp trầm trọng
Khu chính trong KDT Gò Cây Thị đã bị xuống cấp trầm trọng

Nguy cơ hoang phế

Sau khi khai quật, nhiều hiện vật đã được quy tập về Bảo tàng Văn hóa Óc Eo, trước tọa lạc trên đỉnh núi Ba Thê, nay đã dời xuống trung tâm thị trấn Óc Eo (huyện Thoại Sơn). Riêng KDT Gò Cây Thị đang bị lãng quên theo thời gian.

Chúng tôi thực sự ngậm ngùi khi bắt gặp cảnh hoang tàn, xuống cấp trầm trọng của KDT. Là Di tích khảo cổ đặc biệt cấp quốc gia nhưng tại đây không có lực lượng bảo vệ và hướng dẫn viên, thuyết minh viên. Vô số gia súc, gia cầm tự do ra, vào phóng uế bừa bãi trong KDT. Hầu hết các trụ đỡ mái che đều đã bong tróc, lộ cả khung sắt ra ngoài; rất nhiều trụ bám đầy rong rêu, toàn bộ KDT bị chìm trong nước bẩn. Ngay cả phiên hiệu KDT cũng nằm lăn lóc dưới đất. Đó là chưa kể các cửa rào bảo vệ cũng không còn. Điều đáng nói là UBND thị trấn Óc Eo chỉ cách đó khoảng 1.500m nhưng cơ quan này không có biện pháp bảo vệ.

Một di tích cực kỳ quý hiếm, nay đang bị hoang phế bởi sự thờ ơ trong quản lý, bảo vệ của các cơ quan chức năng, vì vậy cần lắm một cái nhìn trân trọng hơn, thấu đáo hơn về tầm quan trọng của di sản văn hóa này. Từ đó cần có các biện pháp bảo vệ, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng cùng với việc quảng bá giá trị tinh thần hiếm hoi của KDT đến với mọi tầng lớp Nhân dân trong và ngoài tỉnh An Giang

Tin cùng chuyên mục
Tự hào nguồn cội

Tự hào nguồn cội

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là loại hình Di sản tập quán xã hội, tín ngưỡng và lễ hội được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Có vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã lắng đọng trong tâm thức mỗi người dân niềm tự hào về nguồn cội con rồng cháu tiên, xuyên suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử, lan tỏa mạnh mẽ đến mọi miền Tổ quốc, trở thành bản sắc văn hóa độc đáo của người Việt Nam.