Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nghề nghiệp - Việc làm

Điện Biên: Hiệu quả từ đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

Vân Khánh - CĐ - 18:58, 02/12/2021

Cùng với các chính sách hỗ trợ, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh Điện Biên rất chủ động trong việc đào tạo, liên kết để tăng cơ hội việc làm cho học viên. Nhờ đó, ngoài vượt chỉ tiêu đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chỉ tiêu giải quyết việc làm cho lao động sau đào tạo ở Điện Biên cũng đạt được nhiều kết quả ấn tượng.

 Một tiết thực hành lớp vận hành máy thi công nền tại Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên.
Một tiết thực hành lớp vận hành máy thi công nền tại Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên.

Nghề gắn với sinh kế nông thôn

Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Điện Biên, tính đến cuối tháng 10/2021, tỉnh đã hoàn thành chỉ tiêu tuyển mới GDNN, đào tạo nghề cho cả năm, với tổng số 8.185 người. So với chỉ tiêu được giao năm 2021 (8.100 người), Điện Biên đã đạt 101,05% kế hoạch. Đáng chú ý, so với năm 2020, kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn tăng 1,61%.

Còn trước đó, trong giai đoạn 2016 – 2020, toàn tỉnh có 39.985 lao động được học nghề, vượt chỉ tiêu kế hoạch của cả giai đoạn là 2,5%; bình quân mỗi năm tỉnh Điện Biên đào tạo nghề cho khoảng 8.000 lao động. Trong đó, đã có 26.847 lao động nông thôn được hỗ trợ chi phí đào tạo nghề.

Đánh giá về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là lao động người DTTS, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Điện Biên, cho rằng, ngoài việc vượt chỉ tiêu kế hoạch giao thì điểm nhấn đáng chú ý là sự thay đổi trong nhận thức của người lao động tham gia học nghề.

 Trước đây, nhiều người lao động đăng ký chỉ để được hỗ trợ tiền ăn, hỗ trợ sinh hoạt phí thì đến nay, cơ bản người lao động đã nhận thức rõ, tham gia học nghề sẽ giúp họ thay đổi cách nghĩ, lối làm ăn cũ để vươn lên xóa đói giảm nghèo. Từ đó, trên địa bàn đã có nhiều mô hình sản xuất, phát triển kinh tế của lao động nông thôn đã qua đào tạo, có hiệu quả cao.

Gia đình bà Lò Thị Thoảng, ở bản Món Hà, xã Xuân Lao (huyện Mường Ảng) là một ví dụ. Sau khi tham gia khóa tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh cho lợn, gia đình bà Thoảng mạnh dạn vay vốn, đầu tư xây chuồng trại, mua con giống. Nhờ áp dụng tốt kiến thức tiếp thu được từ lớp học, chăm sóc đúng quy trình, kỹ thuật nên đàn lợn nhà bào Thoảng sinh trưởng, phát triển tốt. Với 5 con lợn nái và 30 con lợn thịt, mỗi năm gia đình xuất bán trên 3 tấn lợn thịt và thu về hơn 100 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí.

Hay như gia đình anh Vừ Trùng Phùa, ở bản Nậm Pố 4, xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé), trước đây cũng nuôi lợn, thả cá nhưng thiếu kiến thức nên hiệu quả kinh tế thấp. Từ năm 2015, anh Phùa được đào tạo nghề về kỹ thuật chăn nuôi, áp dụng kiến thực đã học, đến nay anh đã xây dựng khu chăn nuôi rộng khoảng 2ha; nuôi gần 50 con lợn (gồm lợn thịt, lợn giống); chuồng trại được xây dựng khép kín để đảm bảo an toàn dịch bệnh và giúp cho vật nuôi phát triển khỏe mạnh. Tổng thu nhập gia đình anh đạt trên 100 triệu đồng/năm, sau khi đã trừ các chi phí đầu tư.

Đào tạo nghề góp phần mở cánh cửa đưa lao động nông thôn đến với nhà máy, xí nghiệp (Trong ảnh: Nghề cạo mủ cao su tạo ra cơ hội việc làm cho nhiều lao động DTTS ở huyện Tuần Giáo – Điện Biên)
Đào tạo nghề góp phần mở cánh cửa đưa lao động nông thôn đến với nhà máy, xí nghiệp (Trong ảnh: Nghề cạo mủ cao su tạo ra cơ hội việc làm cho nhiều lao động DTTS ở huyện Tuần Giáo – Điện Biên)

Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động

Cùng với đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với sinh kế cho lao động nông thôn, lĩnh vực GDNN của Điện Biên còn phát triển các ngành nghề, mở cánh cửa đưa lao động đến với các nhà máy, xí nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động. Để giải quyết “đầu ra” trong công tác đào tạo, các cơ sở GDNN trên địa bàn đẩy mạnh mô hình liên kết đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, tăng cường trao đổi hợp tác với các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài tỉnh.

Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên là một ví dụ điển hình. Nhà trường hiện tổ chức đào tạo 7 nghề trình độ cao đẳng; 12 nghề trình độ trung cấp và hàng chục nghề trình độ sơ cấp, dạy nghề thường xuyên. Ngoài tăng cường thực hiện mô hình liên kết đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, từ năm 2020 đến nay, nhà trường đã ký kết với Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh trong công tác đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến, giới thiệu việc làm cho lao động… Các hoạt động về tuyển sinh, đào tạo, giới thiệu việc làm ngày càng được đẩy mạnh, giúp thêm nhiều học sinh, sinh viên, học viên sau khi tốt nghiệp ra trường có việc làm ổn định.

Em Thào A Cấu, trú tại bản Phì Nhừ, xã Phì Nhừ (huyện Điện Biên Đông), là một trong những học viên của Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên. Sau khi tốt nghiệp khóa Hàn K1, Thào A Cấu đã được Công ty Cổ phần Cầu 12 - Tổng Công ty Công trình xây dựng giao thông 1 (Cenco 1) nhận vào làm việc. Với mức lương từ 8- 12 triệu đồng/tháng, được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và hưởng các chế độ khác theo quy định, Cấu yên tâm với công việc của mình tại Công ty.

Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên, là một trong 12 cơ sở GDNN hiện có của tỉnh Điện Biên (gồm 3 trường cao đẳng, 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp-giáo dục thường xuyên cấp huyện). Từ các chương trình đào tạo nghề tại các cơ sở GDNN trên địa bàn, giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh Điện Biên đã giải quyết việc làm mới cho trên 45.000 lao động, đạt bình quân trên 9.000 lao động/năm.

Tính đến cuối tháng 10/2021, tỉnh đã hoàn thành chỉ tiêu tuyển mới GDNN, đào tạo nghề cho cả năm với tổng số 8.185 người, vượt chỉ tiêu kế hoạch năm. (Trong ảnh: Lớp học Điện công nghiệp tại Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên)
Tính đến cuối tháng 10/2021, tỉnh đã hoàn thành chỉ tiêu tuyển mới GDNN, đào tạo nghề cho cả năm với tổng số 8.185 người, vượt chỉ tiêu kế hoạch năm. (Trong ảnh: Lớp học Điện công nghiệp tại Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên)

Được biết, năm 2022, tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu tuyển sinh đào tạo nghề cho 8.150 người theo các hệ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và đào tạo việc làm cho người lao động trong thời gian dưới 3 tháng. 

Theo đó, Sở LĐTB&XH đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt các giải pháp; trong đó chú trọng triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển GDNN; tăng cường chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, chú trọng đào tạo lại và đào tạo thường xuyên lực lượng lao động, tạo chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, chất lượng và hiệu quả của GDNN; bảo đảm người học có kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng mềm, kỹ năng khởi nghiệp và ngoại ngữ thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Giai đoạn 2011 – 2020, Điện Biên có gần 53,8 nghìn lao động nông thôn đã được hỗ trợ học nghề theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; số người có việc làm sau khi học xong nghề là trên 40,7 nghìn người, đạt tỷ lệ 75,7%. Đặc biệt, một số mô hình đào tạo nghề thí điểm (Trồng và chế biến cà phê; Kỹ thuật chăn nuôi lợn, gà đồi, vườn; Vận hành máy thi công nền...) tỷ lệ học viên có việc làm sau khi học đạt trên 90%.


Tin cùng chuyên mục
Việc làm và "lỗ hổng" về an toàn lao động đối với đồng bào DTTS !?

Việc làm và "lỗ hổng" về an toàn lao động đối với đồng bào DTTS !?

Hiện lao động người DTTS có xu hướng dịch chuyển đến các vùng trọng điểm kinh tế, các khu công nghiệp, khu chế xuất và các làng nghề ven đô thị lớn để làm việc. Tuy nhiên, việc làm của lao động (LĐ) người DTTS vẫn chủ yếu là công việc giản đơn; phần lớn LĐ chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Vì vậy, rủi ro luôn thường trực đối với LĐ người DTTS.