Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Nghề nghiệp - Việc làm

Phú Thọ: Đào tạo nghề và giải quyết việc làm tại Đồng Lương

PV - 11:24, 26/10/2021

Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) luôn được cấp ủy, chính quyền xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) quan tâm, chú trọng, phát huy hiệu quả. Sau khi hoàn thành chương trình, phần lớn các học viên đều đủ điều kiện tuyển dụng làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc phát huy thế mạnh làng nghề truyền thống, góp phần quan trọng vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới (NTM) tại địa phương.

Làng nghề sản xuất trứng tằm và nuôi tằm lá sắn tại Đồng Lương, giúp nông dân giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập
Làng nghề sản xuất trứng tằm và nuôi tằm lá sắn tại Đồng Lương, giúp nông dân giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập

Chiến khu Vạn Thắng xưa - xã Đồng Lương ngày nay, là xã miền núi, gồm 11 khu dân cư với trên 1.500 hộ dân. Địa bàn rộng, không có nhiều điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, do đó, để thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng xã đạt chuẩn NTM thì nguồn nhân lực lao động đóng vai trò to lớn. Vì vậy, xã đã chú trọng công tác đào tạo nghề cho LĐNT nhằm nâng cao tay nghề để người lao động tiếp cận, làm quen, từng bước làm chủ và ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào đời sống, giúp giải quyết việc làm, tăng năng suất, chất lượng, mang lại thu nhập ổn định.

Riêng trong năm 2020, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, xã đã chủ động thích ứng với các diễn biến của dịch bệnh, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị mở 3 lớp tập huấn về thâm canh chè; tập huấn kế hoạch sản xuất, kinh doanh liên kết xây dựng thương hiệu chè xanh đặc sản theo chuỗi giá trị; tập huấn về kỹ thuật thâm canh cỏ ngọt tạo nguồn thức ăn thô xanh cho trâu bò, thu hút 250 lượt lao động tham gia. Xã cũng phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo, các buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, giới thiệu việc làm cho hàng trăm lượt người.

Ông Vi Tiến Cường - Chủ tịch UBND xã Đồng Lương cho biết: Thông qua hoạt động tập huấn, đào tạo nghề, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, người lao động địa phương đã mạnh dạn ứng dụng những kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn, do đó, các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, chăn nuôi đều vượt kế hoạch đề ra. Đối với chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản vốn là thế mạnh của địa phương, UBND xã tranh thủ các nguồn vốn, tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi gà thả vườn, nuôi trâu bò vỗ béo, nuôi trồng thủy sản, giúp giải quyết việc làm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Trong năm 2020, trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều mô hình điển hình tiên tiến, tiêu biểu như sản xuất, chế biến chè xanh; chăn nuôi gà thả vườn, nuôi trâu vỗ béo, trồng nấm an toàn, nuôi ong… mang lại thu nhập cao cho người lao động.

Hoạt động tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ cũng phát triển mạnh. Giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp - xây dựng năm 2020 đạt trên 70 tỷ đồng, trong đó làng nghề sản xuất, chế biến chè duy trì ổn định về quy mô với 85 hộ, tạo việc làm cho trên 150 lao động với thu nhập bình quân 7 - 8 triệu đồng/người/tháng; làng nghề sản xuất trứng tằm và nuôi tằm lá sắn với quy mô trên 200 hộ chăn nuôi, sản xuất trứng tằm, mang lại thu nhập bình quân 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.

Bên cạnh các làng nghề truyền thống, trên địa bàn xã một số công ty hoạt động sản xuất kinh doanh như Công ty TNHH MTV chăn nuôi gia cầm Hòa Phát Phú Thọ; Công ty TNHH gạch Minh Sơn; Công ty TNHH Minh Long… thu hút trên 100 lao động địa phương, với thu nhập ổn định 5 - 7 triệu đồng/người/tháng, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Các cửa hàng, cơ sản sản xuất, hoạt động thương mại, dịch vụ tại địa phương phát triển cũng thu hút nhiều lao động có việc làm thường xuyên với thu nhập ổn định. Giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ tại xã đạt trên 45 tỷ đồng.

Xã Đồng Lương được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2020. Hiện nay, bình quân thu nhập đầu người đạt 36,5 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,11%; hộ cận nghèo còn 3,47%... Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho LĐNT, xã tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia học nghề; tăng cường khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động để xây dựng những mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, góp phần tích cực vào mục tiêu nâng cao thu nhập, duy trì và nâng cao các tiêu chí xây dựng NTM./.

Tin cùng chuyên mục
Việc làm và "lỗ hổng" về an toàn lao động đối với đồng bào DTTS !?

Việc làm và "lỗ hổng" về an toàn lao động đối với đồng bào DTTS !?

Hiện lao động người DTTS có xu hướng dịch chuyển đến các vùng trọng điểm kinh tế, các khu công nghiệp, khu chế xuất và các làng nghề ven đô thị lớn để làm việc. Tuy nhiên, việc làm của lao động (LĐ) người DTTS vẫn chủ yếu là công việc giản đơn; phần lớn LĐ chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Vì vậy, rủi ro luôn thường trực đối với LĐ người DTTS.