Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Ninh Thuận: Đào tạo nghề, giúp giảm nghèo bền vững

Cát Tường - 10:01, 21/12/2020

Thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Qua đó tạo việc làm, tăng năng suất, thu nhập cho người lao động, từng bước góp phần giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Lớp đào tạo nghề điện cho học viên tại Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận.
Lớp đào tạo nghề điện cho học viên tại Trường Cao đẳng Nghề Ninh Thuận.

Ninh Thuận hiện nay có 19 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; trong đó 12 cơ sở công lập và 7 cơ sở dạy nghề ngoài công lập; tham gia đào tạo 13 nghề ở trình độ cao đẳng, 20 nghề trình độ trung cấp và 49 nghề trình độ sơ cấp dạy nghề dưới 3 tháng, với số lượng qua đào tạo hơn 8.500 người/năm. 

Tỉnh đã có kế hoạch, thời gian tới đào tạo nghề cho 2.600 lao động nông thôn có trình độ sơ cấp. Sau đào tạo 3 tháng đào tạo, phấn đấu có ít nhất 82% số người học nghề có việc làm mới hoặc nâng cao tay nghề và hiệu suất lao động.

Đối tượng được tỉnh tập trung ưu tiên đào tạo nghề, là phụ nữ; lao động nông thôn, đặc biệt là người khuyết tật và các đối tượng là người thuộc diện được hưởng các chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, lao động nữ bị mất việc làm, người thuộc diện hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp…

Để việc đào tạo nghề có hiệu quả, Ninh Thuận sẽ tiến hành khảo sát, điều tra nhu cầu học nghề, xây dựng kế hoạch mở lớp và tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với các sản phẩm chủ lực, góp phần tái cấu trúc ngành nông nghiệp và chuyển dịch cơ cấu lao động. Như ở huyện Bác Ái (Ninh Thuận), nhiều năm qua luôn chú trọng đào tạo nghề, dạy nghề truyền thống, tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc Raglay (chiếm trên 87% dân số của huyện). 

Theo đó, thông qua phát triển các loại cây trồng chủ lực như: Bưởi da xanh, sầu riêng, thanh long, chuối Nam Mỹ, dưa lưới... theo hướng nông nghiệp công nghệ cao và thu hút đầu tư, huyện Bác Ái đã tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều đồng bào dân tộc, lao động ở địa phương, giúp nâng thu nhập bình quân đầu người lên 17,2 triệu đồng/người/năm, tăng 72% so với năm 2015. Qua đó, đưa tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 52,13% năm 2016 xuống còn 29,25% vào năm 2020.

Huyện Bác Ái gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc Raglai
Huyện Bác Ái gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc Raglai

Hiện nay tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động của huyện Bác Ái năm sau đều tăng hơn so với năm trước. Một số Hợp tác xã, Tổ hợp tác trong huyện cũng tham gia tích cực trong việc đào tạo nghề (đặc biệt là các nghề truyền thống) và thu hút nguồn lao động ở địa phương.

Điển hình như, Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Phước Thắng với nghề dệt chiếu truyền thống tại xã Phước Thắng (Bác Ái). Tham gia vào Hợp tác xã, nhiều phụ nữ dân tộc Raglai trên địa bàn xã được các nghệ nhân dệt chiếu tại địa phương hướng dẫn, đào tạo kỹ năng thao tác nghề. Điều này không chỉ nhằm khôi phục, lưu giữ nghề truyền thống lâu đời của dân tộc Raglai, mà Hợp tác xã còn tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân.

Từ thực tiễn phát triển của các địa phương trong tỉnh, Ninh Thuận đang đẩy mạnh các giải pháp đào tạo nghề nghiệp để cung ứng nguồn nhân lực đạt chất lượng, số lượng và cơ cấu nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tập trung bồi dưỡng, chuẩn hóa trình độ đội ngũ giáo viên; đổi mới thiết bị phục vụ giảng dạy. Đồng thời, chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy phù hợp với các đối tượng học viên, sát với các ngành, lĩnh vực nhằm đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Ông Trần Văn Trưa, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận cho biết, với thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh từng bước được chuyển đổi theo nhu cầu của thị trường lao động, đa dạng hóa ngành nghề, gắn kết với các chương trình giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, xuất khẩu lao động.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh đề ra mục tiêu đào tạo nghề cho 45.000 lao động, trong đó đào tạo ở trình độ cao đẳng, trung cấp 6.500 người; đào tạo nghề ngắn hạn 38.500 người (lao động nông thôn 13.000 người). Mục tiêu của tỉnh đến năm 2025, số lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó 33% lao động qua đào tạo nghề có bằng cấp chứng chỉ.

Từ nguồn nhân lực chất lượng cao này, sẽ cung ứng cho sự phát triển ngành công nghiệp của tỉnh và phục vụ cho các doanh nghiệp nông nghiệp, các hợp tác xã, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, tiến tới xóa đói giảm nghèo bền vững của tỉnh Ninh Thuận trong thời gian tới./.

Tin cùng chuyên mục
Kiên Giang: Quyết liệt giải quyết những vấn đề trọng tâm cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” của EC

Kiên Giang: Quyết liệt giải quyết những vấn đề trọng tâm cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” của EC

Tỉnh Kiên Giang đang tập trung thực hiện các giải pháp cấp bách để giải quyết 4 vấn đề trọng tâm trong chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là chống khai thác IUU). Nỗ lực này không chỉ góp phần cùng cả nước gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) mà còn là giải pháp để Kiên Giang cấu trúc lại nghề cá minh bạch, trách nhiệm và bền vững.