Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Điện Biên: Nhiều hoạt động hưởng ứng Lễ đón nhận Bằng ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Văn Hoa - 11:35, 24/09/2022

Điện Biên là tỉnh có đông đồng bào người Thái sinh sống, trước sự kiện “Nghệ thuật Xòe Thái” được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, các cấp ủy, chính quyền và tầng lớp Nhân dân rất phấn khởi, tự hào. Cùng chung vui với sự kiện đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” diễn ra tại tỉnh Yên Bái, ngành văn hóa tỉnh Điện Biên cũng đã xây dựng kế hoạch, tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng. Về nội dung này, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Phú, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên.


Điệu nón xòe hoa
Điệu nón xòe hoa

Thưa ông, là địa phương có đông đồng bào Thái sinh sống, tỉnh đã có hoạt động gì để hưởng ứng sự kiện đặc biệt này?

Hòa cùng không khí háo hức, sôi động của Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, diễn ra tại tỉnh Yên Bái, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên đã tăng cường tuyên truyền giá trị, ý nghĩa, vai trò, công tác chuẩn bị lễ đón nhận trên Cổng/trang thông tin điện tử của Sở; chỉ đạo Trung tâm Văn hóa Điện ảnh phát các làn điệu dân ca của dân tộc Thái trên hệ thống Loa phát thanh của đơn vị; giới thiệu về văn hóa của dân tộc Thái trên màn hình Led ngoài trời tại Quảng trường 7/5 và sân hành lễ Tượng đài Chiến thắng; lồng nghép giới thiệu dân ca, dân vũ, dân nhạc của dân tộc Thái tỉnh Điện Biên vào các chương trình văn hóa, văn nghệ tổ chức tại sân tượng đài chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vào tối thứ bảy hàng tuần... Xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị Di sản văn hóa đã được UNESCO ghi danh trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

 Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên Nguyễn Minh Phú
Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên Nguyễn Minh Phú

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc tham mưu, xây dựng chương trình, kế hoạch và trưng tập nghệ nhân tập luyện các tiết mục dân ca, dân vũ, nhạc cụ của dân tộc Thái tỉnh Điện Biên để tham gia diễu diễn đường phố, trình diễn, giới thiệu tại Chương trình Lễ đón nhận.

 Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương lựa chọn các sản phẩm đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP và các sản phẩm, ấn phẩm, tài liệu giới thiệu du lịch tỉnh Điện Biên để giới thiệu, quảng bá tại sự kiện. Lựa chọn ảnh đẹp, hiện vật về văn hóa của các dân tộc: Thái, Mông, Hà Nhì, Lào, Si La, Cống... của tỉnh Điện Biên; dàn dựng 04 thể loại: dân ca, dân vũ, dân nhạc, Xoè của dân tộc Thái tỉnh Điện Biên để tổ chức cho nghệ nhân, diễn viên tham gia trình diễn giới thiệu tại không gian trưng bày và trình diễn văn hóa các dân tộc thuộc tỉnh Điện Biên tại tỉnh Yên Bái - nơi diễn ra sự kiện.

Các nội dung tham gia gồm: Tham dự Chương trình Lễ đón nhận Bằng; Hoạt động diễu diễn đường phố; Tham gia Hội chợ trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP, trưng bày các ấn phẩm du lịch và Trưng bày và trình diễn văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên. Tất cả các nội dung, hoạt động tham gia tại sự kiện đã được tổng duyệt, đảm bảo chu đáo, trang trọng.

Các diễn viên tích cực tập luyện
Các diễn viên tích cực tập luyện

Ông có thể cho biết, kế hoạch bảo tồn và phát huy Nghệ thuật Xòe Thái của Điện Biên được thực hiện như thế nào sau Lễ đón nhận?

Để bảo vệ và phát huy giá trị Nghệ thuật Xòe Thái, trong thời gian tới Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, niềm tự hào về di sản Nghệ thuật Xòe Thái đến các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Thực hiện triển khai các nội dung tại Kế hoạch số 2876/KH-UBND ngày 09 tháng 9 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, giai đoạn 2022 - 2025.

Cụ thể: Thực hiện rà soát, đánh giá tổng thể hiện trạng di sản; xây dựng phim, video, sách, tờ rơi, tờ gấp; tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan, giao lưu về “Nghệ thuật Xòe Thái”....

Lễ đón nhận bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là sự kiện quan trọng nhằm tôn vinh, tuyên truyền, quảng bá di sản Nghệ thuật Xòe Thái
Lễ đón nhận bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là sự kiện quan trọng nhằm tôn vinh, tuyên truyền, quảng bá di sản Nghệ thuật Xòe Thái

Bên cạnh đó, Biên tập xuất bản sách Di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Điện Biên”, trong đó, có nội dung giới thiệu về di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật Xòe Thái của tỉnh Điện Biên đã được UNESCO ghi danh và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Thí điểm thành lập mô hình Câu lạc bộ thực hành di sản Nghệ thuật Xòe Thái tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đang nắm giữ di sản. Hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố thành lập, duy trì hoạt động ít nhất 01 Câu lạc bộ xòe Thái tại các xã nắm giữ di sản trên địa bàn.

Đồng thời, tỉnh lựa chọn các cá nhân tiêu biểu là người dân tộc Thái trong truyền dạy, bảo tồn dân ca, dân vũ, dân nhạc để xây dựng hồ sơ phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân ưu tú. Lựa chọn, hỗ trợ Câu lạc bộ văn hóa văn nghệ truyền thống của dân tộc Thái hoạt động hiệu quả, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho cộng đồng và tạo sản phẩm du lịch từ di sản văn hóa.…

Xin trân trọng cảm ơn ông!