Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Điện Biên: Phát huy hiệu quả mô hình giáo dục STEM

Hương Chi - 23:51, 06/07/2020

Giáo dục STEM là quá trình tích hợp, vận dụng linh hoạt kiến thức giữa các môn khoa học, kỹ thuật, toán học, công nghệ. Đây là Mô hình giáo dục còn khá mới mẻ và xa lạ với nhiều học sinh vùng DTTS của tỉnh Điện Biên. Tuy nhiên, ở Trường THCS xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, sau hơn 1 năm áp dụng Mô hình giáo dục này đã phát huy hiệu quả tích cực trong giảng dạy, học sinh say mê thực hành và phát huy năng lực sáng tạo.

Nhóm học sinh Trường THCS Noong Hẹt với Mô hình “Ngôi nhà chữa cháy thông minh”.
Nhóm học sinh Trường THCS Noong Hẹt với Mô hình “Ngôi nhà chữa cháy thông minh”.

Chia sẻ về quá trình triển khai hoạt động giáo dục STEM, cô Lương Thị Dung, Hiệu trưởng Trường THCS Noong Hẹt cho biết: Được Bộ Giáo dục và Đào tạo tập huấn vào đầu năm học 2018 - 2019, nhà trường đã phổ biến Mô hình này đến toàn thể đội ngũ giáo viên và bước đầu triển khai ở hình thức trải nghiệm sáng tạo.

Ban Giám hiệu đã giao nhiệm vụ cho các thầy, cô giáo dạy các bộ môn Khoa học tự nhiên trao đổi trực tiếp với học sinh cùng nghiên cứu một số chủ đề. Sau đó, Ban Giám hiệu thống nhất thí điểm thực hiện Dự án “Làm bóng đèn ngủ từ củ, quả” để đánh giá mức độ nhận thức và khả năng sáng tạo của học sinh. Bất ngờ, khi triển khai Dự án thí điểm đã thu hút nhiều học sinh hưởng ứng. Nhiều học sinh khác còn sáng tạo thêm chi tiết, hoa văn trang trí cho đèn ngủ tự chế của mình thêm bắt mắt, đạt tính thẩm mỹ cao. Hay như ở bộ môn Vật lý, học sinh cũng thực hiện thành công với hệ thống đưa nước lên cao qua 9 bình thông nhau…

Năm học 2019 - 2020, nhóm học sinh của Trường THCS Noong Hẹt tiếp tục triển khai Dự án “Ngôi nhà chữa cháy thông minh” và được lựa chọn trao giải tại Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật cấp huyện. Thành công này đã tạo động lực để thầy, trò nhà trường tự tin hơn vào bắt tay thực hiện các dự án khác.

Em Bùi Hồng Anh, học sinh lớp 9D1, Trường THCS Noong Hẹt, thành viên thực hiện Dự án “Ngôi nhà chữa cháy thông minh” chia sẻ: Trong “Ngôi nhà chữa cháy thông minh” được bố trí sẵn các vật dụng chữa cháy để khi có hỏa hoạn xảy ra sẽ được chữa cháy kịp thời, không để đám cháy lan rộng, việc chữa cháy hoàn toàn được tự động hóa.

Từ hiệu quả Dự án “Ngôi nhà chữa cháy thông minh”, Ban Giám hiệu Trường THCS Noong Hẹt đã phát động phong trào thi đua hoạt động giáo dục STEM rộng rãi ở tất cả các khối lớp trong trường. Nhà trường khuyến khích học sinh tham gia từ khâu xây dựng ý tưởng đến thuyết minh bảo vệ. Giáo viên chủ nhiệm đứng ra xem xét, chấm điểm và báo cáo để Ban Giám hiệu lựa chọn dự án, hỗ trợ triển khai. Bằng cách đó, trong học kỳ I năm học 2019 - 2020 nhà trường đã nhận được nhiều ý tưởng, nhiều dự án được hỗ trợ triển khai hiệu quả.

Trường THCS Noong Hẹt xác định trong những năm học tiếp theo sẽ mở rộng chủ đề sáng tạo để học sinh toàn trường tham gia. Qua đó làm cơ sở để nhà trường phát hiện năng khiếu, khả năng của từng học sinh làm cơ sở phân luồng, định hướng và tư vấn nghề nghiệp cho các em trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.