Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục dân tộc

Tạo đột phá nâng cao chất lượng giáo dục, nguồn nhân lực vùng DTTS và miền núi

Hoàng Thanh- Thanh Huyền (thực hiện) - 07:47, 19/06/2020

Đó là nhận định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ khi trao đổi với Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển bên lề Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV về vấn đề phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi trong Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội (KT- XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Thưa Bộ trưởng, Bộ trưởng đánh giá và kỳ vọng như thế nào về phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS và miền núi trong thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT- XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030?

Nhiều năm qua, mặc dù được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, nhà nước, các cấp uỷ đảng chính quyền trong hệ thống chính trị, tổ chức, cá nhân hảo tâm nhưng giáo dục và chất lượng nguồn nhân lực của đồng bào DTTS và miền núi vẫn còn nhiều khó khăn. Như đánh giá của Hội đồng dân tộc, đây là nơi có chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, KT- XH phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, cơ sở hạ tầng kém nhất và tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.

Nhìn lại suốt những năm qua, nhờ các chính sách hỗ trợ đặc thù mà vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có những khởi sắc. Chỉ riêng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, các chính sách hỗ trợ đã mang lại một diện mạo đổi khác. Hệ thống trường, lớp học được quan tâm đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, đảm bảo điều kiện tối thiểu để từng bước nâng cao chất lượng dạy và học. Tỷ lệ học sinh đến trường tăng cao, tỷ lệ học sinh bỏ học ngày càng giảm.

Hệ thống giáo dục chuyên biệt (trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường dự bị đại học) phát huy hiệu quả tích cực, góp phần đáng kể trong việc đào tạo cán bộ người DTTS có trình độ cho các địa phương. Chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lý, giáo viên và người học là người DTTS ngày càng được quan tâm, được thực hiện ngày càng tốt hơn, qua đó khuyến khích hoạt động dạy và học, tạo sư bình đẳng trong giáo dục.

Chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS, miền núi ngày càng được nâng cao nhờ các chính sách đầu tư của Đảng, Nhà nước. (ảnh tư liệu)
Chất lượng giáo dục vùng đồng bào DTTS, miền núi ngày càng được nâng cao nhờ các chính sách đầu tư của Đảng, Nhà nước. (ảnh tư liệu)

Tuy nhiên, giáo dục vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn còn rất nhiều khó khăn. Chất lượng giáo dục và đào tạo còn thấp. Mạng lưới trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là yêu cầu trong giai đoạn đổi mới hiện nay. Năng lực quản lý, năng lực sư phạm, khả năng tổ chức các hoạt động giáo dục của một bộ phận giáo viên, cán bộ quản lý còn hạn chế. Quy mô và mạng lưới các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng và trung cấp vùng DTTS và miền núi có bước phát triển về số lượng, nhưng chất lượng đào tạo chưa cao, cơ cấu ngành nghề đào tạo chưa hợp lý…

Tôi tin rằng những khó khăn trên sẽ được khắc phục cơ bản sau khi thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT- XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Bộ GD&ĐT đang phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành liên quan và các địa phương miền núi, DTTS xây dưng các dự án, đề án cụ thể để triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu này.

Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường Phổ thông Dân tộc nộ trú, Phổ thông Dân tộc bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS là một trong những nội dung được đề cập đến trong Chương trình MTQG phát triển KT- XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Xin Bộ trưởng cho biết giải pháp trọng tâm để thực hiện hiệu quả nội dung này?

Một trong những nội dung quan trọng phát triển giáo dục miền núi và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, đó là "Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường PTDTNT, trường PTDTBT và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS".

Các giải pháp trọng tâm để thực hiện có hiệu quả nội dung này được Bộ GD&ĐT xác định bao gồm: Củng cố, phát triển hợp lý và đổi mới hoạt động giáo dục của hệ thống các trường PTDTNT, PTDTBT nhằm tạo chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục, bảo đảm thực hiện công bằng trong giáo dục giữa các vùng, miền và dân tộc; đầu tư xây dựng kiên cố hóa trường, lớp và các công trình phụ trợ phục vụ việc nuôi dưỡng, chăm sóc, sinh hoạt của học sinh; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường PTDTNT, PTDTBT để đáp ứng được yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW.

Một lớp học vùng đồng bào DTTS, miền núi (ảnh tư liệu)
Một lớp học vùng đồng bào DTTS, miền núi (ảnh tư liệu)

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho mọi người về công tác xoá mù chữ; huy động các tổ chức KT -XH, đơn vị vũ trang nhân dân, cộng đồng dân cư có trách nhiệm tham gia công tác xóa mù chữ tại vùng đồng bào DTTS và miền núi. Từ đó, tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả công tác xóa mùa chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, mở rộng độ tuổi xóa mù chữ, củng cố vững chắc kết quả xóa mù chữ, hạn chế mù chữ trở lại. Phấn đấu trên 90% người dân vùng đồng bào DTTS từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo chữ phổ thông trong đó đặc biệt ưu tiên xoá mù chữ cho phụ nữ, trẻ em gái ở vùng đặc biệt khó khăn, đảm bảo tỉ lệ biết chữ cân bằng giữa nam và nữ, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển KT -XH của các địa phương vùng DTTS, miền núi.

Chương trình hỗ trợ ăn trưa cho học sinh DTTS là một trong những giải pháp cụ thể đang được tính đến khi triển khai thực hiện Đề án tổng thể phát triển KT- XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Bộ GD&ĐT đã có kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình này như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Có thể nói, thời gian qua, chế độ, chính sách, đối với trẻ em, học sinh, sinh viên ở vùng có điều kiện KT- XH đặc biệt khó khăn như chính sách học bổng, hỗ trợ học tập, miễn, giảm học phí, trợ cấp xã hội,... đã giúp cho trẻ em, học sinh, sinh viên DTTS, học sinh con hộ nghèo có cơ hội đến trường, có điều kiện học tập tốt hơn và yên tâm học tập.

Với việc tổ chức hệ thống trường, lớp bán trú, học sinh đã được ăn ở, chăm sóc tại trường. Tỷ lệ huy động học sinh ra lớp đúng độ tuổi theo đó tăng lên, học sinh bỏ học giảm hẳn, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu củng cố, duy trì phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS.

Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận trẻ em, học sinh ở vùng có điều kiện KT- XH đặc biệt khó khăn, vùng DTTS và miền núi, con hộ nghèo chưa được thụ hưởng chính sách hỗ trợ hoặc được thụ hưởng nhưng gián đoạn. Ví dụ, nhiều em đầu cấp học được nhận hỗ trợ, đến cuối cấp học, xã hoặc thôn - nơi các em sinh sống - ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn nên các em mặc dù vẫn đang đi học, gia đình vẫn thuộc diện khó khăn nhưng không được thụ hưởng chính sách nữa. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, tinh thần học tập của học sinh.

Một lớp học vùng đồng bào DTTS, miền núi (ảnh tư liệu)
Một lớp học vùng đồng bào DTTS, miền núi (ảnh tư liệu)

Thực hiện Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới, Bộ GD&ĐT tạo đã cùng Ủy ban Dân tộc đề xuất Chính phủ trình Quốc hội chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em, học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn. Nếu chính sách này được thông qua và Chính phủ bố trí được nguồn kinh phí để thực hiện, sẽ có khoảng gần 1,3 triệu trẻ em, học sinh ở địa bàn đặc biệt khó khăn được hỗ trợ ăn trưa.

Việc hỗ trợ ăn trưa sẽ không chỉ góp phần huy động số trẻ em, học sinh ra lớp đúng độ tuổi, tăng tỷ lệ chuyên cần, duy trì bền vững kết quả phổ cập giáo dục các cấp học, mà còn cải thiện được dinh dưỡng, phát triển thể lực cho trẻ em, học sinh vùng đặc biệt khó khăn của cả nước.

Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Dân tộc, các bộ, ngành liên quan và các địa phương vùng dân tộc thiểu số, miền núi để chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chính sách này.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Tin cùng chuyên mục
Lớp xóa mù đặc biệt của đồng bào Xtiêng

Lớp xóa mù đặc biệt của đồng bào Xtiêng

Một lớp học đặc biệt dành cho đồng bào Xtiêng ở tỉnh Bình Phước được khai giảng vào cuối tháng 7/2023. Lớp học có 35 “học sinh”, người lớn tuổi nhất lớp là 65 tuổi, nhỏ nhất 12 tuổi. Ấn tượng trong lớp học này là có nhiều cặp “học sinh” là hai bà cháu, hai cha con, hai mẹ con, hai anh em. Đến với lớp học, những "học sinh" này chỉ mong ước một điều đơn giản là biết đọc, biết viết...