Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Diện mạo mới trên rẻo cao Quảng Bình

Minh Thu - 16:55, 02/10/2024

Sau gần 4 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719), diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Quảng Bình đã có bước chuyển tích cực. Đời sống kinh tế - xã hội phát triển đã tạo tiền đề, động lực để đồng bào các DTTS vươn lên về mọi mặt.

Một góc xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy.
Một góc xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình

An cư lạc nghiệp

Tỉnh sẽ chú trọng giải quyết có hiệu quả đất ở, nhà ở, đất sản xuất để nâng cao đời sống cho Nhân dân. Bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng đồng bào DTTS và miền núi, biên giới; đặc biệt chú trọng vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, sạt lở, khu vực rừng đặc dụng, rừng phòng hộ gắn với đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Ông Võ Ngọc ThanhTrưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình

Ở bản Chuôn, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, gia đình anh Hồ Văn Nhanh là 1 trong số 92 hộ đồng bào DTTS trên địa bàn được hỗ trợ làm nhà ở theo Dự án 1, Chương trình MTQG 1719.

Theo chia sẻ của anh Hồ Văn Nhanh, năm 2023, được hỗ trợ 48 triệu đồng từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719, gia đình anh đã vay mượn thêm họ hàng và huy động ngày công để hoàn thành ngôi nhà.

“Có chỗ ở ổn định, gia đình tôi sẽ tập trung sản xuất, phát triển kinh tế để giảm nghèo, hướng tới làm giàu” - anh Nhanh bày tỏ.

Để giúp người dân làm nhà theo Dự án 1, tỉnh Quảng Bình và huyện Bố Trạch sử dụng vốn đối ứng hỗ trợ thêm 64 triệu đồng/1 hộ (ngoài nguồn lực Trung ương hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ) để các hộ dân có đủ kinh phí làm nhà kiên cố. Chính quyền huyện đã làm nhà sàn mẫu, đảm bảo tiêu chuẩn “3 cứng” để đồng bào tham khảo, thực hiện.

Cùng với hỗ trợ làm nhà cho đồng bào DTTS, các ngành, địa phương trong tỉnh Quảng Bình còn đặc biệt chú trọng việc tạo sinh kế cho đồng bào DTTS trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, gắn với phương thức sản xuất của đồng bào DTTS.

Đơn cử như ở xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa, địa phương có trên 70% dân số là đồng bào Chứt, chính quyền xã đã hỗ trợ 32 hộ nghèo và cận nghèo phát triển nghề nuôi ong lấy mật, với tổng số tiền 400 triệu đồng.

Nuôi ong lấy mật giúp gia đình ông Đinh Minh Tương, thôn Đặng Hóa, xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa có thu nhập ổn định.
Nuôi ong lấy mật giúp gia đình ông Đinh Minh Tương, thôn Đặng Hóa, xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa có thu nhập ổn định

Năm 2023, hộ ông Đinh Minh Tương ở thôn Đặng Hóa được hỗ trợ 10 tổ ong, nhờ chịu khó học hỏi, chăm nuôi, đến nay, ông Tương và gia đình đã nâng tổng đàn lên trên 50 tổ để phát triển nuôi ong lấy mật theo hướng hàng hóa. Ông Tương chia sẻ, vụ ong vừa qua, gia đình ông thu về khoảng 70 triệu đồng.

Theo ông Đinh Văn Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn, thực tế từ mô hình nuôi ong lấy mật, đời sống của các hộ nuôi ngày càng ổn định, có bước phát triển, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo. Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân xây dựng mô hình sinh kế nuôi lợn lai rừng để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững

Cùng với hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế, trong thực hiện Chương trình MTQG 1719, tỉnh Quảng Bình đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Tại huyện Lệ Thủy, từ nguồn vốn Dự án 4, Chương trình MTQG 1719, huyện đã giải ngân trên 13,8 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Phần lớn các công trình đã hoàn thành đúng tiến độ, đưa vào phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân ở các xóm, bản. Còn ở huyện Bố Trạch, nguồn lực từ Dự án 4 đã giúp huyện đầu tư các tuyến đường và công trình cung cấp nước sạch liên bản, góp phần nâng cấp đồng bộ cơ sở hạ tầng, phục vụ tốt hơn việc khai thác các tiềm năng kinh tế của địa phương.

Đường giao thông tại một số bản của xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy được nâng cấp, giúp cho việc đi lại của người dân được thuận lợi (Ảnh: Tá Chuyên).
Đường giao thông tại một số bản của xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy được nâng cấp, giúp cho việc đi lại của người dân được thuận lợi. (Ảnh: Tá Chuyên)

Thông tin từ Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình cho biết, hiện nay, tỉnh đang tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững theo thứ tự ưu tiên theo địa bàn đầu tư, đối tượng thụ hưởng, trên nhu cầu giải quyết những vấn đề bức thiết nhất về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và các hoạt động đáp ứng nhu cầu sản xuất tại vùng đồng bào DTTS.

“Tỉnh sẽ chú trọng giải quyết có hiệu quả đất ở, nhà ở, đất sản xuất để nâng cao đời sống cho Nhân dân. Bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng đồng bào DTTS và miền núi, biên giới; đặc biệt chú trọng vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, sạt lở, khu vực rừng đặc dụng, rừng phòng hộ gắn với đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn” - ông Võ Ngọc Thanh, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình cho biết.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận và nỗ lực vươn lên của đồng bào DTTS, đến nay, hạ tầng nông thôn, nhiều dự án phát triển sản xuất, sinh kế được tỉnh Quảng Bình áp dụng hiệu quả… Từ đó, tạo diện mạo mới cho vùng đồng bào DTTS, đưa tỷ lệ hộ nghèo vùng DTTS toàn tỉnh giảm bình quân 8,05%/năm (chỉ tiêu kế hoạch là 4,5%/năm).

Tin cùng chuyên mục
Cầu Hà Lẹc “mở lối” thoát nghèo cho bản vùng biên

Cầu Hà Lẹc “mở lối” thoát nghèo cho bản vùng biên

Sau 7 tháng thi công, công trình cầu Hà Lẹc ở xã Kim Thuỷ, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã hoàn thành trên 80% khối lượng công việc. Mục tiêu kết nối giao thông - “mở lối” thoát nghèo cho đồng bào các DTTS vùng biên huyện Lệ Thủy đang dần trở thành hiện thực.