Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Điệu múa Buchaechum của người Hàn trên đất Mỹ

Duy Ly (theo abcnews) - 22:14, 31/10/2021

Hàn Quốc được biết đến là quốc gia có truyền thống văn hóa vô cùng đặc sắc tại khu vực châu Á. Việc bảo tồn và phát huy bản sắc ấy luôn được chú trọng không chỉ trong nước, mà còn ở nước ngoài, đặc biệt là ở những quốc gia có đông người Hàn đang sinh sống và làm việc.

Một buổi học múa Buchaechum của các học viên tại trung tâm
Một buổi học múa Buchaechum của các học viên tại trung tâm

Lịch sử của điệu múa Buchaechum

Buchaechum là một trong những điệu múa truyền thống của Hàn Quốc. Trong tiếng Hàn, “Buchae” có nghĩa là Quạt và “Chum” có nghĩa là khiêu vũ. Điệu múa truyền thống Buchaechum được bắt nguồn từ các nghi lễ cổ xưa, hàng nghìn năm trước trong các buổi lễ thờ cúng các vị thần đạo Shaman Hàn Quốc.

Ngày nay, điệu múa Buchaechum cũng dần thay đổi chức năng, không chỉ thể hiện cho mục đích nghi lễ tôn giáo, mà còn được biểu diễn trong các sự kiện văn hóa nghệ thuật, trong các lễ hội, hay tại các sự kiện kỷ niệm hàng năm, các bữa tiệc chiêu đãi quan khách cấp nhà nước. Vũ điệu Buchaechum cũng ngày càng phát triển và đa dạng hơn trong chuyển động, mô phỏng sống động hơn vẻ đẹp của thiên nhiên, vạn vật.

Theo tác giả Curtis Files trong cuốn sách: Korean Dance: Pure Emotion and Energy (tạm dịch “Múa Hàn Quốc: Cảm xúc và năng lượng thuần khiết”), điệu múa Buchaechum đã gây được ấn tượng tốt đẹp với thế giới khi được trình diễn tại Thế vận hội mùa Hè 1968 ở Mexico. Kể từ đó Buchaechum ngày càng được công chúng quốc tế quan tâm và đón nhận.

Quảng bá văn hóa dân tộc

Tại Trung tâm Nghệ thuật Văn hóa Hàn Quốc Woorigarak, ở Englewood Cliffs, thành phố New Jersey, Mỹ, một nhóm người Mỹ gốc Hàn thuộc thế hệ thứ hai, đang tích cực gìn giữ nét đẹp văn hóa Hàn Quốc thông qua các điệu múa.

Bà Eunjoo Kang, Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật Văn hóa Hàn Quốc Woorigarak cho biết: “Điệu múa quạt Buchaechum của Hàn Quốc mang đến hình ảnh tươi sáng, duyên dáng có một không hai. Điệu múa như đang kể lại một câu truyện đẹp với hình ảnh thiên nhiên rực rỡ được mô tả thông qua trang phục và chuyển động của những vũ công”.

Tất cả vũ công Buchaechum đều mặc trang phục truyền thống giống nhau. “Dangui” là tên gọi của loại trang phục chính được các vũ công diện khi múa, nó bao gồm một chiếc váy dài và một áo choàng với tay áo dài. Áo có hình phượng hoàng được đính hạt lấp lánh trước và sau lưng.

Bà Eunjoo Kang, Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật Văn hóa Hàn Quốc Woorigarak
Bà Eunjoo Kang, Giám đốc Trung tâm Nghệ thuật Văn hóa Hàn Quốc Woorigarak

Những vũ công cầm một chiếc quạt lớn, với màu hồng chủ đạo được gắn thêm lông vũ để tạo sự mềm mại. Hình ảnh trên quạt thường thường là hình hoa nở để hỗ trợ cho những chuyển động của các vũ công thêm sống động, tựa như những cánh chim, cánh bướm nhẹ nhàng, uyển chuyển. Bên cạnh đó, mỗi vũ công sẽ đeo một chiếc mũ nhỏ nhắn gọi là jokduri.

Đối với những vũ công như Jessica Han, việc được biểu diễn điệu múa truyền thống này giúp nâng cao sự tự tin và lòng tự hào về nguồn gốc Hàn Quốc của cô ấy.

“Việc trình diễn các điệu múa truyền thống tại đây,  là một trong những cách mà tôi có thể mang một phần nào đó hình ảnh quê hương mình sang Mỹ”, Han nói.

Thông thường những bạn trẻ như Han thường đến trung tâm khoảng 2 buổi/tuần, có những người lui tới thường xuyên hơn. Han cho biết ở đây giống như một Hàn Quốc thu nhỏ, nơi cô và những người gốc Hàn khác có thể dành thời gian để tìm hiểu sâu hơn về cội nguồn của mình, để giao lưu gặp gỡ với nhiều đồng hương khác, chia sẻ về cuộc sống trên đất nước đa sắc tộc này.

Vũ công Jessica Han luôn tự hào với công việc mình đang làm
Vũ công Jessica Han luôn tự hào với công việc mình đang làm

Giáo dục ý thức bảo tồn văn hóa cho cộng đồng

Đối với bà Eunjoo Kang, biên đạo múa kiêm chỉ đạo Trung tâm Nghệ thuật Văn hóa Hàn Quốc tại New Jersey, việc giáo dục thế hệ người Mỹ gốc Hàn tiếp theo, về truyền thống văn hóa dân tộc nói chung, và duy trì các điệu múa của Hàn Quốc nói riêng qua nhiều thế hệ vốn không chỉ là nghĩa vụ.

“Việc dạy và cho những đứa trẻ này thấy được truyền thống và văn hóa Hàn Quốc chính là sứ mệnh của tôi. Song song với việc gìn giữ các bước nhảy truyền thống trong việc biên đạo, tôi đang nghiên cứu để kết hợp giữa âm hưởng truyền thống và hiện đại để tất cả học sinh của mình có thể dễ dàng tiếp thu và thưởng thức nó”, bà Kang chia sẻ.

Thông qua Trung tâm Nghệ thuật Văn hóa Hàn Quốc Woorigarak, bà Kang hy vọng, sẽ có thể duy trì lâu dài việc giáo dục văn hóa truyền thống dân tộc cho các thế hệ tiếp theo; đồng thời giới thiệu vẻ đẹp của đất nước và con người Hàn Quốc đến những người thuộc các nền văn hóa khác trên thế giới.

“Nước Mỹ được mệnh danh là vùng đất của cơ hội và điệu múa này chắc chắn là cơ hội để tôi được thể hiện bản thân mà không cần sợ hãi”, vũ công Jessica Han nói.