Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

“Định vị” cao nguyên trắng Bắc Hà trên bản đồ du lịch Tây Bắc

Hào Hương - 11:14, 17/10/2024

Nếu như tỉnh Lào Cai đã khẳng định được vị trí số một trên bản đồ du lịch Tây Bắc, thì huyện Bắc Hà đã “định vị” được thương hiệu là một trong những trọng điểm du lịch của tỉnh. Tiềm năng về cảnh quan và bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Bắc Hà đã được phát huy đúng giá trị, khiến du khách “nghiêng say” khi đến với cao nguyên trắng bất cứ mùa nào trong năm.

“Định vị” cao nguyên trắng Bắc Hà trên bản đồ du lịch Tây Bắc
Bắc Hà đang phát triển sản phẩm du lịch đặc sắc Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà với chuỗi sự kiện thường niên 4 mùa - “Bắc Hà bốn mùa nghiêng say”, ngày càng khẳng định vị trí trên bản đồ du lịch của tỉnh và khu vực

“Có bột, gột nên hồ”

Trong một chia sẻ mới đây với báo chí, Phó Chủ tịch UBND Bắc Hà, bà Chu Thị Dương đã đưa ra một thông tin khá ấn tượng. Theo bà Dương, giai đoạn 2018 - 2023, tốc độ tăng trưởng khách du lịch đến huyện Bắc Hà đạt bình quân 10,20%/năm, tương đương so với tỉnh (đạt 10,44%/năm); tốc độ tăng trưởng tổng thu từ khách du lịch của huyện Bắc Hà đạt 15,23%/năm, cao hơn so với tỉnh (10,41%/năm).

Với những ai đã đến Bắc Hà, thì sự tăng trưởng ấy là không quá bất ngờ. Bởi miền cao nguyên trắng này sở hữu “mỏ vàng” để phát triển du lịch. Nơi đây có cảnh quan núi rừng hùng vĩ, với danh thắng cấp quốc gia động Thiên Long, núi Cô Tiên ở xã Tà Chải; hang Tiên ở xã Bảo Nhai; rừng già xã Bản Liền; rừng nguyên sinh xã Tả Van Chư; rừng gỗ nghiến Cốc Ly...

Huyện Bắc Hà phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng dịch vụ sẽ chiếm 44,5% trong cơ cấu kinh tế GRDP của huyện; nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 23%, công nghiệp - xây dựng chiếm 32,5%. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 65 triệu đồng/người/năm.

Bắc Hà còn có tài nguyên về du lịch văn hóa gắn với di sản văn hóa được xếp hạng; trong đó có 4 di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia: Dinh thự Hoàng A Tưởng, đền Bắc Hà, đền Trung Đô, động Thiên Long và 1 di tích được xếp hạng cấp tỉnh là Di tích Đồn Bắc Hà.

Tài nguyên du lịch của cao nguyên trắng còn được bổ sung, bồi đắp bởi kho tàng di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Bắc Hà hiện có 11 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của các dân tộc. 

Trong đó “Nghi lễ kéo co dân tộc Tày, Giáy”, “Thực hành Then Tày, Nùng, Thái” đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Cao nguyên trắng còn nổi tiếng với những phiên chợ vùng cao độc đáo, đặc biệt chợ phiên Bắc Hà đã từng được bình chọn là 1 trong 10 chợ phiên độc đáo nhất Đông Nam Á và khu vực châu Á. Các nghề thủ công truyền thống của đồng bào DTTS (nấu rượu ngô, may trang phục truyền thống; làm cốm, đan nón lá, làm đàn tính, làm gậy sinh tiền, làm khèn Mông…) cũng đã và đang trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo ở Bắc Hà.

Theo ông Bùi Văn Vinh, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bắc Hà, với tiềm năng đó, huyện đã và đang triển khai nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch độc đáo. Huyện đã xây dựng sản phẩm chợ “Chủ nhật trên cao nguyên” và sản phẩm “Ký ức đêm trắng Bắc Hà”; tổ chức các lễ hội văn hóa và phát triển du lịch nông nghiệp, cảnh quan, du lịch thể thao tổng hợp như đua ngựa, leo núi…

Đặc biệt, Bắc Hà đang phát triển sản phẩm du lịch đặc sắc Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà với chuỗi sự kiện thường niên 4 mùa - “Bắc Hà bốn mùa nghiêng say”, ngày càng khẳng định vị trí trên bản đồ du lịch của tỉnh và khu vực. Theo đó, vào mùa xuân, khi hoa mận, hoa lê nở trắng núi đồi, hoa cải vàng rực dưới các cánh đồng cũng là lúc Bắc Hà tổ chức Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà với chủ đề “Nghiêng say mùa Xuân”, với điểm nhấn là lễ hội “Sắc mận cao nguyên trắng”.

“Định vị” cao nguyên trắng Bắc Hà trên bản đồ du lịch Tây Bắc 1
Chợ phiên Bắc Hà đã từng được bình chọn là 1 trong 10 chợ phiên độc đáo nhất Đông Nam Á và khu vực châu Á.

“Festival mùa Hè có điểm nhấn là lễ hội đua ngựa và trải nghiệm hái mận tam hoa; Festival mùa Thu với điểm nhấn là trải nghiệm, thưởng thức hương cốm trên cao nguyên, tham gia các môn thể thao tổng hợp; Festival mùa Đông với điểm nhấn là không gian văn hóa ẩm thực và hội thi khèn Mông...”, ông Vinh chia sẻ.

Theo Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bắc Hà Bùi Văn Vinh, nhằm tập trung cao độ ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lũ, sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập úng do hoàn lưu cơn bão số 3 gây ra trên địa bàn, huyện đã quyết định dừng tổ chức chương trình khai mạc Festival mùa Thu năm 2024 và Lễ hội Cốm do UBND xã Tà Chải tổ chức.

“Các hoạt động khác trong khuôn khổ Festival mùa Thu như Giải du lịch thể thao tổng hợp (Duothlon), Giải Marathon vượt núi Tây Bắc lần 3 năm 2024 và Giải bóng chuyền bông lúa vàng năm 2024 được điều chỉnh, tổ chức vào dịp Festival Cao nguyên trắng mùa Đông 2024 tới đây”, ông Vinh cho biết.

Xây dựng Bắc Hà trở thành điểm đến đặc sắc

Festival Cao nguyên trắng Bắc Hà là một sản phẩm du lịch rất độc đáo, góp phần đóng góp vào tăng trưởng ngành Du lịch của huyện. Trong 6 tháng đầu năm 2024, với Festival mùa Xuân và Festival mùa Hè và các sản phẩm du lịch khác, huyện Bắc Hà thu hút 460.000 lượt khách, tăng 135.000 lượt khách so với cùng kỳ năm 2023.

“Định vị” cao nguyên trắng Bắc Hà trên bản đồ du lịch Tây Bắc 2
Huyện Bắc Hà đang xây dựng 10 nhóm sản phẩm du lịch đặc sắc gắn với thương hiệu “cao nguyên trắng” gắn với xây dựng không gian văn hóa đặc trưng của các dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng

Với Festival trong mùa còn lại (mùa Thu và mùa Đông), du lịch miền cao nguyên trắng Bắc Hà kỳ vọng sẽ đạt mức tăng trưởng cao hơn năm trước. Nhưng, trước thiệt hại nặng nề do bão số 3 và hoàn lưu sau bão, việc dừng và thay đổi thời gian tổ chức các hoạt động Festival mùa Thu sẽ giúp huyện có thời gian khắc phục hậu quả sau ảnh hưởng của thiên tai; tái thiết cuộc sống, xây dựng hình ảnh đẹp về đất và người Bắc Hà.

Đúng như Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bắc Hà Bùi Văn Vinh đã khẳng định: “Quan điểm chúng tôi không phải đón khách bằng mọi giá mà đón khách bằng chất lượng, để du khách đến 1 lần mà lần sau nhớ còn đến”.

Với đề án xây dựng cao nguyên trắng trở thành điểm đến đặc sắc, huyện Bắc Hà kỳ vọng đến năm 2025 tạo việc làm cho khoảng 13.200 lao động (trong đó 4.400 lao động trực tiếp); năm 2030 tạo việc làm cho khoảng 33.300 lao động (trong đó 11.100 lao động trực tiếp); năm 2050 tạo việc làm cho khoảng 78.000 lao động (trong đó 26.000 lao động trực tiếp).

Trong lộ trình khai thác tiềm năng du lịch của huyện Bắc Hà, mới đây, Sở Du lịch tỉnh Lào Cai đã trình UBND tỉnh Đề án “Phát triển huyện Bắc Hà trở thành điểm đến đặc sắc của tỉnh Lào Cai, khu vực Tây Bắc giai đoạn 2024 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trở thành khu du lịch quốc gia”.

Mục tiêu đặt ra trong Đề án là đến năm 2025, huyện Bắc Hà sẽ đón trên 1 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 9 nghìn lượt khách; phấn đấu đến năm 2030 đón trên 2,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 27 nghìn lượt khách; đến năm 2050 đón trên 5,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế khoảng 72 nghìn lượt khách.

Tổng thu từ khách du lịch, năm 2025 đạt trên 1.000 tỷ đồng; phấn đấu đến năm 2030 đạt gần 5.200 tỷ đồng; đến năm 2050 đạt trên 20.000 nghìn tỷ đồng. Năm 2025 tỷ trọng du lịch trong tổng sản phẩm của huyện chiếm khoảng 8 - 10%, đến năm 2030 chiếm khoảng 27 – 28%; đến năm 2050 chiếm khoảng 36 - 38%.

Theo ông Bùi Văn Vinh, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Bắc Hà, được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, địa phương đã có những định hướng và giải pháp để phát triển du lịch bền vững, góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ phát triển không gian du lịch mới tại Bắc Hà hình thành sản phẩm du lịch đặc sắc, khác biệt theo Nghị quyết 11/NQ-TU ngày 27/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về phát triển du lịch tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

“Định vị” cao nguyên trắng Bắc Hà trên bản đồ du lịch Tây Bắc 3
Năm 2023, thực hiện Dự án 6 của Chương trình MTQG 1719, huyện Bắc Hà đã triển khai khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa độc đáo, đặc sắc Lễ hội Khu Cù Tê (Tết tháng Bảy) của người La Chí. (Trong ảnh: Thi đẩy gậy trong Lễ hội Khu Cù Tê của người La Chí ngày 26/7/2023 tổ chức tại thôn Mào Phố, xã Nậm Khánh)

Một trong những giải pháp đã và đang được huyện Bắc Hà tập trung thực hiện là triển khai có hiệu quả Dự án 6: “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; giai đoạn I: 2021 – 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg (Chương trình MTQG 1719).

Theo ông Nguyễn Duy Hòa, Bí thư Huyện ủy Bắc Hà, huyện đang xây dựng 10 nhóm sản phẩm du lịch đặc sắc gắn với thương hiệu “cao nguyên trắng” gắn với xây dựng không gian văn hóa đặc trưng của các dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng. Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, huyện Bắc Hà sẽ tập trung triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc, nhất là Chương trình MTQG 1719 để đưa di sản, văn hóa đặc sắc của các DTTS trên địa bàn thành tài sản, góp phần thu hút du khách và hướng tới ttrở thành điểm đến đặc sắc của tỉnh Lào Cai và khu vực Tây Bắc.

Huyện Bắc Hà đã thực hiện một số hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS trên địa bàn, như: Khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa độc đáo, đặc sắc Lễ hội Khu Cù Tê (tết tháng Bảy); mở lớp tập huấn, mời nghệ nhân am hiểu sâu sắc về văn hóa người La Chí từ Hà Giang sang hướng dẫn, khôi phục lại một số phong tục, tập quán đã bị thất lạc; tổ chức lớp truyền dạy nghi lễ nhảy lửa của người Dao đỏ tại xã Nậm Đét; mời các chuyên gia của Sở Văn hóa và Thể thao truyền đạt kỹ năng bảo vệ di sản văn hóa, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị, di sản văn hóa....

Tin cùng chuyên mục
Tuyên Quang: Ưu tiên phát triển toàn diện đối với các dân tộc có khó khăn đặc thù

Tuyên Quang: Ưu tiên phát triển toàn diện đối với các dân tộc có khó khăn đặc thù

Cùng với Hà Giang thì Tuyên Quang là địa phương có đồng bào dân tộc Pà Thẻn sinh sống tập trung đông nhất cả nước. Đây là một trong 14 dân tộc rất ít người, có khó khăn đặc thù theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về danh sách các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 - 2025. Từ các chương trình, chính sách dân tộc, nhất là Chương trình MTQG 1719, tỉnh Tuyên Quang đã ưu tiến bố trí nguồn lực, để đầu tư, hỗ trợ nhằm phát triển toàn diện những địa bàn có dân tộc Pà Thẻn sinh sống tập trung.