Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Bảo tồn múa phồn thực trong Lễ hội Rija Nưgar

Thái Sơn Ngọc - 6 giờ trước

Chiều ngày 10/5/2025, tại làng Chăm Bỉnh Nghĩa thuộc xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận, Ban Phong tục thôn tổ chức Lễ hội Rija Nưgar đón mừng năm mới theo Chăm lịch. Nét độc đáo của Bỉnh Nghĩa là trong nghi lễ Rija Nưgar có hai tiểu lễ ở các làng khác không có, đó là hát đối đáp nam nữ (Adaoh pasa) và múa phồn thực (Tamia klai kluk) do các vị chức sắc và người dân tham gia thực hiện. Nghi lễ múa phồn thực thể hiện tư duy cặp đôi, âm dương hòa hợp, khát vọng về sự sinh sôi nảy nở của vạn vật.

Bà bóng Ngân Thị Đồn và ông Lượng Đệ làm lễ xin thần linh thực hiện nghi thức múa phồn thực trong Lễ hội Rija Nưgar năm 2025.
Bà bóng Ngân Thị Đồn và ông Lượng Đệ làm lễ xin thần linh thực hiện nghi thức múa phồn thực trong Lễ hội Rija Nưgar năm 2025

Lễ cúng Rija Nưgar năm 2025 ở làng Bỉnh Nghĩa do các chức sắc đảm nhận gồm Maduen (thầy vỗ) Thành Trung Đệ, Kadhar (thầy kò ke) Thành Văn Lũy, Kaing (vũ công) Lượng Văn Chối, Camanei (thủ đền) Thập Văn Dốc và Pajau (bà bóng) Ngân Thị Đồn.

Nghi thức múa phồn thực được diễn ra ở trước nhà lễ ngay sau khi hát đối đáp kết thúc. Nghi thức này do một người đàn ông ngoài 50 tuổi (tiếng Chăm gọi là ôn puk kadâu) đã có vợ và có thân hình khỏe mạnh tên Lượng Kệ thực hiện cùng với bà bóng Ngân Thị Đồn. Khi múa, ông Lượng Kệ mặc xà rông trắng, mình để trần, đầu quấn chiếc khăn màu trắng thòng xuống.

Ông Lượng Đệ với 3 cây gỗ biểu tượng linga, sinh thực khí nam.
Ông Lượng Đệ với 3 cây gỗ biểu tượng linga, sinh thực khí nam


Ông Lượng Đệ thực hiện múa phồn thực trước sự chứng kiến của chức sắc và dân làng.
Ông Lượng Đệ thực hiện múa phồn thực trước sự chứng kiến của chức sắc và dân làng

Nghi thức này bắt đầu bằng việc bà bóng Ngân Thị Đồn làm nghi lễ khấn vái xin thần linh thực hiện múa phồn thực. Ông Thành Văn Lũy kéo đàn Kanhi thánh ca về Po Ina Nagar. Bên ngoài nhà lễ, ông Lượng Kệ cầm 3 cây gỗ đường kính khoảng 3cm dài khoảng 20cm tượng trưng cho linga (sinh thực khí nam) bọc trong tấm vải đỏ có dây tua vàng, vừa múa vừa nhún nhảy. Ông lần lượt chĩa linga theo bốn hướng Đông Tây Nam Bắc, sau đó chĩa cây gỗ xuống đất. Có khi vừa đứng vừa chĩa, cũng có khi quỳ xuống và chĩa vào mặt đất thể hiện sự hòa hợp âm dương nam nữ. Nghi thức múa phồn thực với đạo cụ là 3 cây gỗ tượng trưng cho linga được ông Lượng Kệ thực hiện mạnh mẽ, dứt khoát trong từng động tác trước sự hưởng ứng cổ vũ của dân làng.

Bà bóng Ngân Thị Đồn múa phồn thực cầu xin vạn vật sinh sôi nẩy nở.
Bà bóng Ngân Thị Đồn múa phồn thực cầu xin vạn vật sinh sôi nẩy nở
Kết thúc múa phồn thực, các chức sắc thực nghi lễ múa tống ôn đầu năm mới.
Kết thúc múa phồn thực, các chức sắc thực nghi lễ múa tống ôn đầu năm mới

Sau khoảng 10 phút thực hiện nghi thức múa phồn thực, ông Lượng Kệ vào nhà lễ và giao lại 3 cây gỗ biểu tượng linga cho bà bóng Ngân Thị Đồn. Bà bóng nhận lấy 3 cây gỗ bước ra trước nhà lễ, cầm linga gỗ múa nhún nhảy như cách múa truyền thống của phụ nữ Chăm. Trong khi bà bóng múa, ông Thành Văn Luỹ vừa kéo đàn kanhi, vừa hát cầu xin thần linh phù hộ dân làng Bỉnh Nghĩa vạn vật sinh sôi nẩy nở trong năm mới. Nghi lễ này kết thúc bằng việc bà bóng tẩy uế cho 3 cây gỗ biểu tượng linga rồi đặt lên mâm cúng có bốn hình nhân thế mạng (Salih) do ông Kaing nặn bằng bột gạo. Ông Kà thành, bà bóng, ông thủ đền, ông thầy vỗ, ông múa phồn thực đi quanh mâm cúng hình nhân thế mạng làm lễ tống ôn. Kết thúc buổi lễ, ông Lượng Kệ bưng mâm lễ có hình nhân thế mạng và 3 cây gỗ biểu tượng linga ra đường cái tống tiễn hình nhân, giữ lại 3 cây gỗ cho mùa lễ năm sau.

Có mặt tại Lễ hội Rija Nưgar 2025 của làng Bỉnh Nghĩa, ông Châu Văn Huynh, Trưởng phòng Nghiên cứu sưu tầm thuộc Trung tâm Nghiên cứu văn hóa dân tộc và Bảo tàng tỉnh Ninh Thuận cho biết, theo quan niệm của người Chăm, cuộc sống phải hài hòa có âm có dương nên điệu mùa phồn thực thể hiện tính âm dương cần phải có đủ nam, nữ thể hiện. Bằng động tác múa uyển chuyển của ôn puk kadâu, bà bóng tay cầm linga thể hiện ước vọng mọi vật sinh sôi nẩy nở, mùa màng tốt tươi, cuộc sống dân làng ấm no, hạnh phúc.

Ông Lượng Đệ đưa mâm cúng có hình nhân thế mạng đi bỏ, giữ lại 3 linga cho mùa lễ hội năm sau.
Ông Lượng Đệ đưa mâm cúng có hình nhân thế mạng đi bỏ, giữ lại 3 linga cho mùa lễ hội năm sau

Ông Lượng Thị, Trưởng Ban Phong tục thôn Bỉnh Nghĩa chia sẻ: “Múa phồn thực trong Lễ hội Rija Nưgar nằm trong chuỗi nghi lễ đầu năm của người Chăm ở làng Chăm Bỉnh Nghĩa, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2021. Bà con thôn xóm rất tự hào và chung tay bảo tồn múa phồn thực gắn với chuỗi lễ hội đầu năm mới ở địa phương. Qua đó bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Chăm, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận”. 

Tin cùng chuyên mục
Học vấn - Con đường phát triển bền vững của người Dao: Cốt lõi để xây dựng một nền văn hóa giàu bản sắc (Bài 1)

Học vấn - Con đường phát triển bền vững của người Dao: Cốt lõi để xây dựng một nền văn hóa giàu bản sắc (Bài 1)

Ẩn hiện sau những tiếng ê a tụng kinh Nôm nơi bản nhỏ, đến dáng đứng tự tin của những hậu duệ Bàn Vương trên bục giảng đại học trong và ngoài nước, tinh thần ham học đã trở thành phẩm chất bền bỉ, vượt qua mọi thử thách của thời gian. Không chỉ là một đức tính quý báu, tinh thần ấy từng bước kết tinh, thấm sâu vào cốt lõi văn hóa Dao, tạo nên một nền văn hóa đậm đà bản sắc, được dựng xây từ khát vọng chinh phục tri thức của nhiều thế hệ.