Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

“Đoàn kết, hữu nghị và phát triển”

PV - 13:28, 21/05/2019

Đây là chủ đề xuyên suốt của Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch (VHTTDL) các dân tộc thiểu số (DTTS) các tỉnh vùng biên giới Việt Nam- Lào, khu vực miền Trung, Tây Nguyên, năm 2019, vừa diễn ra tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Các tiết mục giao lưu văn nghệ tại Ngày hội. giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch (VHTTDL) các dân tộc thiểu số (DTTS) các tỉnh vùng biên giới Việt Nam- Lào Các tiết mục văn nghệ tại Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch (VHTTDL) các dân tộc thiểu số (DTTS) các tỉnh vùng biên giới Việt Nam- Lào.

Ngày hội diễn ra trong không khí nồng ấm, vui tươi giữa đồng bào các dân tộc, khẳng định tình đoàn kết, hữu nghị, phát triển giữa hai nước Việt Nam- Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

Tham gia Ngày hội giao lưu VHTTDL các DTTS các tỉnh biên giới Việt- Lào, nghệ nhân Phitamai Phommachan, dân tộc Tà Ôi, tỉnh Sa La Van nước CHDCND Lào không giấu được cảm xúc, niềm vui. Nghệ nhân Phommachan chia sẻ, đây là lần đầu tiên chị tham gia giao lưu với các DTTS ở Việt Nam, vì thế với chị đó là niềm vinh dự vô cùng lớn.

“Khi vừa đặt chân sang biên giới Việt Nam, tôi cùng các thành viên trong đoàn rất xúc động trước không khí hồ hởi của người dân ở huyện A Lưới chào đón các đoàn tham gia liên hoan. Cờ hoa, khẩu hiệu được treo khắp nơi; Chúng tôi cảm ơn, trân trọng tình cảm nồng ấm của người dân ở đây đã dành tặng”, nghệ nhân Phitamai Phommachan xúc động chia sẻ.

Đến với Ngày hội, Đoàn nghệ nhân tỉnh Sa La Van đem đến nhiều tiết mục văn hóa văn nghệ, độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của người Tà Ôi ở xứ sở triệu voi.

Khác với nghệ nhân Phitamai Phommachan, nghệ nhân Xiêng Văn Phương, dân tộc Giẻ-triêng đến từ thôn Dục Nhày, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum đã có nhiều dịp tham gia các chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ trên địa bàn tỉnh, khu vực. Vì thế nghệ nhân Xiêng Văn Phương không còn cảm giác hồi hộp khi biểu diễn trước hàng nghìn khán giả, thay vào đó là phong thái tự tin, niềm nở để chào đón các đoàn biểu diễn từ nước bạn Lào. Nghệ nhân Xiêng Văn Phương bộc bạch: “Ngày hội không chỉ là nơi để các dân tộc giới thiệu về văn hóa, hình ảnh của đất nước, con người, mà trên hết Ngày hội còn thể hiện cho tình đoàn kết, hữu nghị hai nước Việt Nam-Lào”.

Có lẽ, cảm xúc của nghệ Phitamai Phommachan, Xiêng Văn Phong chính là đại diện cho hàng trăm nghệ nhân tham gia ngày hội. Cảm xúc đó không chỉ thể hiện qua lời nói, mà còn ở ánh mắt, nụ cười, là cái bắt tay thân thương, tình nghĩa. Ngày hội giao lưu VHTTDL các DTTS các tỉnh biên giới Việt- Lào chính là minh chứng cho chân lý “Việt-Lào hai nước chúng ta, tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”.

Phát biểu tại Lễ Khai mạc Ngày hội, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh: Ngày hội VHTTDL các DTTS các tỉnh vùng biên giới Việt-Lào khu vực miền Trung-Tây Nguyên là hoạt động VHTTDL nhằm tôn vinh, giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc. Đồng thời tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị, hợp tác và giao lưu văn hóa giữa các vùng biên giới của 2 nước Việt Nam-Lào trong công cuộc hội nhập và phát triển.

Ông Buangan Xaphuvong, Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch nước CHDCND Lào khẳng định: mối quan hệ truyền thống vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Lào-Việt Nam là mối quan hệ hiếm có trên thế giới. Mối quan hệ giữa Nhân dân hai nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và Chủ tịch Kaysone Phomvihane, Chủ tịch Souphanouvong kính mến gây dựng, cùng các thế hệ lãnh đạo dày công vun đắp. Nhân dân hai nước chúng ta đã kề vai sát cánh bên nhau, cùng chung một chiến hào chiến đấu với kẻ thù chung trước đây và trong công cuộc bảo vệ và xây dựng phát triển đất nước hiện nay.

“Chúng tôi tin tưởng rằng, việc tổ chức Ngày hội lần này sẽ phát huy và tăng cường hơn nữa việc trao đổi văn hóa nghệ thuật giữa hai nước Lào-Việt Nam; vừa tăng cường thắt chặt hơn nữa tình đồng chí, anh em giữa hai dân tộc Lào-Việt Nam nói chung và giữa Nhân dân khu vực có chung đường biên giới nói riêng”, Thứ trưởng Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch CHDCND Lào nói.

Ngày hội VHTTDL các dân tộc thiểu số vùng biên giới Việt- Lào khu vực miền Trung- Tây Nguyên năm 2019 diễn ra từ ngày 17/5 đến 19/5 tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Ngày hội do Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế tổ chức, với sự tham gia của 5 tỉnh của Việt Nam có đường biên giới giáp Lào gồm: Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum và 4 tỉnh của nước bạn Lào là Sa Va Na Khẹt, A Ta Pư, Sê Kông, Sa La Van.

Ngày hội có nhiều hoạt động văn hóa như: Liên hoan văn nghệ quần chúng; Trình diễn trang phục dân tộc; Trình diễn dệt vải (thổ cẩm); Các hoạt động thể dục thể thao truyền thống dân tộc: Kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ…

HỒNG MINH

Tin cùng chuyên mục