Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Doanh nhân dân tộc

Doanh nhân trẻ giúp đồng bào DTTS thoát nghèo từ cây dược liệu

Lý Dũng - 18:08, 30/06/2022

Xuất phát từ ý tưởng đầu tư trồng cây dược liệu, cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở khám chữa bệnh Đông y, anh Hoàng Văn Luân, thôn Phiêng Bang, xã Văn Lang, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn đã thành lập Hợp tác xã Trồng và sản xuất dược liệu Bảo Châu (HTX Bảo Châu), xây dựng thành công chuỗi sản xuất khép kín từ cây dược liệu, tạo động lực phát triển HTX và góp phần giúp đồng bào thoát nghèo.

Anh Hoàng Văn Luân trình bày mô hình tại Cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2019
Anh Hoàng Văn Luân trình bày mô hình tại Cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp thanh niên nông thôn năm 2019

Mạnh dạn thay đổi

Sau khi tốt nghiệp ngành Y, anh Hoàng Văn Luân ở thôn Phiêng Bang, xã Văn Lang, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn về làm việc tại Tp. Bắc Kạn, nhưng đồng lương ít ỏi, cuộc sống nhiều khó khăn. Qua nhiều năm trăn trở, cùng quá trình làm việc, Luân nhận thấy các loại thuốc từ Đông y rất khan hiếm, do vậy anh đã có ý tưởng về đầu tư trồng cây dược liệu cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở khám, chữa bệnh Đông y.

Chia sẻ lý do đến với nghề trồng dược liệu, anh Hoàng Văn Luân - Giám đốc HTX Bảo Châu cho biết: Năm 2012, tôi rời Tp. Bắc Kạn về quê hương Na Rì thực hiện ý tưởng táo bạo của mình. Ban đầu, tôi trồng cây cà gai leo và giảo cổ lam, chủ yếu bán sản phẩm thô qua sơ chế.

“Sau vài năm trồng, tôi nhận thấy cây dược liệu rất phù hợp với tiềm năng đất đai, khí hậu địa phương, cho năng suất, chất lượng cao. Nếu phát triển với diện tích lớn và sản xuất ra các sản phẩm có giá trị sẽ là cơ hội để nâng cao thu nhập và làm giàu”, anh Luân cho biết.

Năm 2016, anh Luân tập hợp các hộ dân chung niềm đam mê thành lập HTX Bảo Châu với 7 thành viên góp vốn đầu tư mở rộng vùng nguyên liệu. Cùng đó, các thành viên liên kết với hơn 100 hộ dân trên địa bàn các huyện Na Rì, Ngân Sơn trồng dược liệu xuống đất ruộng thay thế ngô, lúa. Đồng thời nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm chiết xuất từ cây dược liệu, tạo thành quy trình khép kín.

Vườn dược liệu của HTX Bảo Châu
Vườn dược liệu của HTX Bảo Châu

Từ khi chuyển đổi hoạt động theo mô hình HTX, Luân cùng các thành viên đã mạnh dạn đầu tư mở rộng về cơ sở sản xuất, các sản phẩm được in nhãn mác, địa chỉ cụ thể rõ nguồn gốc, xuất xứ. Nhờ đó, các sản phẩm từ cây dược liệu của HTX Bảo Châu đã được nhiều khách hàng biết tới và sẵn sàng đón nhận. Như sản phẩm Cao cà gai leo loại 100g có giá 200.000 đồng, cao cà gai leo kết hợp một số thảo dược khác 240.000 đồng/100g, trà giảo cổ lam dạng túi lọc 50.000 đồng/hộp. Năm 2018, HTX đăng ký tham gia xếp hạng Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP), các sản phẩm trên đều đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, doanh số bán hàng ngày càng tăng.

Nâng cao giá trị sản phẩm

Việc xây dựng thành công chuỗi sản xuất khép kín từ cây dược liệu đã tạo động lực mạnh mẽ để HTX phát triển. Từ đầu năm 2021 đến nay, HTX tập trung phát triển diện tích trồng hà thủ ô và cây lạc tiên, với hơn 30 ha liên kết với 50 hộ dân các xã Văn Minh, Sơn Thành, Văn Lang. Năm 2021, sản phẩm Trà giảo cổ lam của HTX Bảo Châu là 1 trong 8 sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Bắc Kạn đạt Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam do Tổng hội Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Việt Nam tổ chức.

Năm 2012, HTX Bảo Châu được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn tặng Bằng khen vì có thành tích tiêu biểu trong triển khai, thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể và thi hành Luật HTX năm 2012.

Hiện, HTX Bảo Châu đã sản xuất thành công sản phẩm cao hà thủ ô và trà lạc tiên dạng túi lọc. Đây là 2 sản phẩm mới của HTX tham gia phân hạng sản phẩm OCOP năm 2022. HTX phấn đấu nâng cấp các sản phẩm từ 3 sao lên 4 sao, 5 sao OCOP, nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong thời gian tới.

Sản phẩm của HTX Bảo Châu đã đạt chuẩn OCOP nên các thành viên trong HTX càng vững tin, tâm huyết, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, năng động tìm thị trường, đơn vị bao tiêu sản phẩm. Hiện nay, sản phẩm dược liệu của HTX đã có một số đơn vị bao tiêu, điều này tạo động lực mạnh mẽ để HTX phát triển, từ hiệu quả kinh tế, cây dược liệu sẽ giúp nhiều hộ dân nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng.

Anh Hoàng Văn Luân giới thiệu các sản phẩm từ dược liệu của HTX trồng và sản xuất dược liệu Bảo Châu
Anh Hoàng Văn Luân giới thiệu các sản phẩm từ dược liệu của HTX trồng và sản xuất dược liệu Bảo Châu

Bên cạnh giải pháp nhằm nâng cao chất lượng trong mỗi sản phẩm, HTX Bảo Châu đang tập trung mở rộng nhà xưởng, xây dựng kho bãi và các loại máy móc để đáp ứng các quy chuẩn trong sản xuất xây dựng phương án sản xuất, liên kết thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đã có nhiều công ty chuyên cung cấp về sản phẩm thiên nhiên đặt vấn đề trồng và tiêu thụ sản phẩm từ cây dược liệu cho HTX; mở ra hướng đi mới giúp bà con xóa đói giảm nghèo vì giá trị của cây dược liệu cao gấp nhiều lần so với cây trồng khác. 

Theo ông Mã Ngọc Quốc, Chủ tịch UBND xã Văn Lang, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn: Xác định rõ tầm quan trọng của loại hình kinh tế tập thể, làm nòng cốt trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông dân, nông thôn, những năm gần đây, xã Văn Lang chú trọng vận động nông dân sản xuất, thành lập các tổ hợp tác và HTX. Về cơ bản, các HTX đã có những thành công bước đầu. Mô hình hoạt động của HTX Bảo Châu là hướng phát triển khá phù hợp hiện nay, UBND xã sẽ tạo mọi điều kiện để HTX phát triển, các diện tích trồng cây dược liệu có thể đưa về cho các thôn trồng để cung cấp nguồn dược liệu cho HTX đồng thời nâng cao giá trị cây trồng, tạo việc làm cho người dân.