Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Hợp tác phát triển chuỗi giá trị dược liệu: Góp phần giải quyết những "điểm nghẽn" cho vùng đất Tây Nguyên

Trương Trí Vĩnh - 17:35, 21/12/2021

Sau hơn ba thập kỷ đổi mới và hội nhập, Tây Nguyên vẫn còn là một vùng đất phát triển chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, lợi thế, do đó đời sống kinh tế của Nhân dân còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, gần đây từ hướng đi mới qua các mô hình kinh tế hướng tới ngành thảo dược, với sự nỗ lực góp sức của nhiều doanh nghiệp có cùng khát vọng phát triển Tây Nguyên, được dự báo là một trong những hướng tích cực, góp phần giải quyết những "điểm nghẽn" cho vùng đất này.


Tập đoàn Tân Thành Holdings và Tập đoàn Sami-Sabinsa (Ấn Độ) trao đổi biên bản hợp tác về phát triển chuỗi giá trị dược liệu tại Việt Nam với sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và lãnh đạo các bộ, ngành hai nước
Tập đoàn Tân Thành Holdings và Tập đoàn Sami-Sabinsa (Ấn Độ) trao đổi biên bản hợp tác về phát triển chuỗi giá trị dược liệu tại Việt Nam với sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và lãnh đạo các bộ, ngành hai nước

Nhiều "điểm nghẽn" trong phát triển kinh tế Tây Nguyên

Nền kinh tế Tây Nguyên chủ yếu dựa trên nền tảng nông nghiệp (với quy mô nhỏ truyền thống và đặc trưng phụ thuộc vào tự nhiên) khai thác tài nguyên, có ít chuỗi giá trị sản xuất gia tăng cao. Những yếu kém trong phát triển kinh tế, có tác động tiêu cực về mặt văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng, khiến cho quá trình phát triển bền vững của vùng Tây Nguyên bị ảnh hưởng.

Phát triển kinh tế Tây Nguyên cần gắn liền với nhiệm vụ nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao (đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số). Tuy nhiên, để thúc đẩy kinh tế phát triển như mong muốn, thì có những điểm nghẽn đã cản trở việc phát triển của Tây Nguyên nhiều năm nay cần được tháo gỡ. Những điểm nghẽn đó có thể kể đến đầu tiên, đó là chiến lược quy hoạch. Đến nay, Tây Nguyên vẫn thiếu những sản phẩm mang tính chiến lược để tạo dựng một thương hiệu cấp vùng bền vững, dẫn đến mặc dù có nhiều lợi thế về thiên nhiên ưu đãi, nhưng giá trị sản phẩm làm ra trên đất  Tây Nguyên lại giảm.

Bên cạnh đó, điểm nghẽn về khoa học và công nghệ, tác nhân đóng vai trò quan trọng tạo ra sức cạnh tranh và nền tảng phát triển bền vững của vùng. Hiện nay, trình độ và khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của chính các nông hộ, các doanh nghiệp quy mô kinh tế hộ gia đình vùng Tây Nguyên không đồng đều. Việc đầu tư ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chế biến, bảo quản nông lâm sản dược liệu của các doanh nghiệp sản xuất vừa và lớn trên địa bàn vùng còn hạn chế, khiến cho chất lượng sản phẩm thấp, tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế kém.

Thu hoạch lúa ở Đắk Nông ( NAG: Nguyễn Việt Thanh)
Thu hoạch lúa ở Đắk Nông ( NAG: Nguyễn Việt Thanh)

Hướng đi mới cho ngành thảo dược

Những hướng đi mới hướng tới ngành thảo dược gần đây, có thể là một trong những bước đi then chốt, góp phần giải quyết những "điểm nghẽn" cho Tây Nguyên, với sự nỗ lực góp sức của nhiều doanh nghiệp cùng chung khát vọng phát triển Tây Nguyên.

Thoả thuận hợp tác phát triển chuỗi giá trị dược liệu tại Việt Nam giữa tập đoàn Tân Thành Holding và tập đoàn Sami-Sabinsa của Ấn Độ, vừa được ký kết và trao đổi, với sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam và các lãnh đạo bộ ngành hai nước, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc chính thức của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là một phần của nỗ lực đó.

Theo thoả thuận hợp tác, Tân Thành Holding sẽ trở thành nhà cung cấp nguyên liệu dược phẩm cho Tập đoàn Sami - Sabinsa. Trong giai đoạn 1, sẽ hợp tác xuất khẩu 7 loại dược liệu quý của Việt Nam, với giá trị hợp đồng tối thiểu 150 triệu USD. Khi ổn định về số lượng và bảo đảm chất lượng dược liệu đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, hai bên sẽ tiến tới hợp tác xây dựng nhà máy sản xuất và chiết xuất các thành phẩm tại Việt Nam để hoàn thiện chuỗi giá trị dược liệu trên cơ sở công nghệ và xúc tiến đầu tư quốc tế.

Sami- Sabinsa được biết đến là nhà sản xuất, nhà cung cấp dược phẩm lớn thứ 2 thế giới, thì Tân Thành holding được biết đến là tập đoàn hiện đang có một chiến lược đầu tư mạnh mẽ vào dược phẩm, và tập trung phát triển cho Tây Nguyên.

Nếu như Sami- Sabinsa được biết đến là một trong những nhà cung cấp dược liệu hàng đầu thế giới về quy mô, thì Tân Thành holding được biết đến là tập đoàn hiện đang có một chiến lược đầu tư mạnh mẽ vào dược phẩm và các lĩnh vực kinh tế xanh, phát triển bền vững. 

Với quỹ đất hơn 3.000 ha trải khắp Tây Nguyên, việc quản lý của đơn vị thuộc tập đoàn, đây là cơ sở vững chắc cho việc hơp tác với các tập đoàn sản xuất lớn từ nước ngoài, dịch chuyển và xây dựng các chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

Bà con dân tộc thiểu số ở tỉnh Kon Tum mưu sinh (NAG: Nguyễn Việt Thanh)
Bà con dân tộc thiểu số ở tỉnh Kon Tum mưu sinh (NAG: Nguyễn Việt Thanh)

Chuỗi sản xuất dược liệu khép kín đầu tiên tại Việt Nam

Tại cuộc họp đầu năm 2021 với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk, Công ty Cổ phần Đầu tư Tân Thành Holdings đã đề xuất, đầu tư xây dựng dự án “Chuỗi giá trị dược liệu gắn với phát triển rừng bền vững khu vực Tây Nguyên - Mô hình điểm tại Đắk Lắk”. Với quy mô hơn 1.000 ha và tổng mức đầu tư giai đoạn 1 lên đến 3.000 tỷ đồng, đây sẽ là chuỗi sản xuất dược liệu khép kín đầu tiên tại Việt Nam đạt chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế.

Tân Thành holding cũng cho thấy, tham vọng xây dựng một chiến lược lâu dài và bài bản trong đầu tư vào Tây Nguyên khi công bố các hạng mục chính sẽ được triển khai giai đoạn 2 của dự án, trong đó có cả vùng trồng dược liệu tiêu chuẩn GACP; trung tâm thương mại dược phẩm và dược liệu quốc gia tại TP. Buôn Ma Thuột; nhà máy chế biến dược liệu tiêu chuẩn GMP, và tổng kho dược và dược liệu đạt chuẩn GSP; Trung tâm logistics Nông Lâm sản và Dược liệu khu vực Tây Nguyên; Trung tâm bảo tồn giống dược liệu đầu dòng tại Tây Nguyên; Công viên dược liệu Tây Nguyên.

Dự án về chuỗi giá trị dược liệu của Tân Thành Holding, sau khi chính thức được đưa vào vận hành, không chỉ đóng góp hàng trăm tỷ đồng tiền thuế cho ngân sách địa phương, củng cố sự phát triển kinh tế của tỉnh, thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành dược, tạo hơn 2.000 việc làm cho người dân địa phương, mà còn mang lại sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần gìn giữ tài nguyên rừng, bảo vệ an ninh quốc phòng.

Hợp đồng cung ứng dược liệu cho hãng được phẩm thuộc nhóm hàng đầu thế giới như Sabinsa được triển khai tại Tây Nguyên, sẽ phát huy lợi thế so sánh và tiềm năng của Tây Nguyên khi tạo ra ngành kinh tế mũi nhọn mới. Nó cũng đồng thời tạo ra một cơ cấu kinh tế xoay quanh ngành kinh tế mũi nhọn, cũng giúp địa phương có thể mạnh dạn phát triển; hoặc dừng hẳn một số ngành kinh tế không hiệu quả và có khả năng gây ô nhiễm môi trường tại một số địa phương cụ thể.

Hợp đồng với Sabinsa được triển khai, còn mang ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang tái thiết sau Covid -19, khi hứa hẹn sẽ mang lại cho địa phương dòng tiền ngoại tệ thu về từ xuất khẩu.

Thị trường thảo dược và các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ từ thảo dược đang có xu hướng ngày càng tăng trưởng mạnh trên thế giới, ngay cả ở các nước phát triển, với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 15% mỗi năm, theo báo cáo của WHO. An toàn, lành tính, hiệu quả và giá cả phải chăng, là các yếu tố cốt lõi làm người dùng toàn cầu ngày càng rộng rãi và duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ. 

Dự án "Nghiên cứu Thị trường Thuốc thảo dược Toàn cầu" cũng dự báo, ngành này sẽ có doanh thu khoảng 111 tỷ USD vào cuối năm 2023. Thị trường thuốc thảo dược toàn cầu dự kiến, có tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) là 5,88% để đạt 1.29.689,3 triệu USD vào năm 2023.

Dự án này sẽ là bước đầu để Tây Nguyên là vùng cung cấp nguyên liệu quan trọng của đất nước, cung cấp cho nền kinh tế Việt Nam nhiều yếu tố đầu vào quan trọng, kể cả tài nguyên môi trường. Tây Nguyên cũng sẽ là thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp từ các trung tâm công nghiệp lớn của cả nước. 

Tin cùng chuyên mục
Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Diện tích rừng và đất lâm nghiệp ở huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) rất lớn, đây được xem là tiềm năng, lợi thế để người dân sống nhờ rừng thêm cơ hội và điều kiện để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng. Việc khai thác tốt tiềm năng, lợi thế cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là chính sách hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), có ý nghĩa quan trọng, để người dân có thêm điều kiện phát huy giá trị kinh tế ổn định cuộc sống và phát triển bền vững từ rừng.