Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Độc đáo các lễ hội của đồng bào Chăm Hroi

T.Nhân – H.Trường - 07:27, 08/01/2025

Đời sống văn hóa và tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng người Chăm Hroi (một nhánh của dân tộc Chăm) ở huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định có những nét đặc trưng riêng với các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc đa dạng, phong phú, các lễ hội truyền thống như: Lễ cầu mưa, Lễ hội Mặt trời - Mặt trăng, Lễ đổ đầu, Lễ hội mừng năm mới, Lễ cúng thần làng…

Dân làng chuẩn bị lễ vật để cúng thần làng.
Dân làng chuẩn bị lễ vật để cúng thần làng.

Theo lời các già làng, người Chăm Hroi thường sống ở vùng sâu, vùng núi, vùng ven sông, suối, vùng núi thấp hướng Tây Mặt trời lặn (A roi, hay Hroi là Mặt trời). Một nét văn hóa độc đáo nữa là các tập tục, lễ nghi của người Chăm Hroi. Đồng bào tin rằng, con người cũng như vạn vật đều có linh hồn và có Yàng ngự trị. Mặc dù vậy, họ có sự giới hạn trong việc cầu cúng, chỉ cúng kính tạ ơn những vị thần giữ sự bình yên cho gia đình và cộng đồng như: thần mưa, thần gió, thần đất đai, thần sông suối, thần rừng núi.

Một nghi lễ rất quan trọng đối với người Chăm Hroi là Lễ cầu mưa, thường được tổ chức vào ngày 16 - 20/2 (Âm lịch) hằng năm. Khi trời hạn hán kéo dài, nắng nóng, không có nước để tưới lúa, tưới cây, đồng bào Chăm Hroi sẽ làm Lễ cầu mưa. Lễ cầu mưa có thể được tổ chức riêng ở trên rẫy theo từng hộ gia đình hoặc cả làng làm chung một lễ, dân làng cùng nhau chuẩn bị và đóng góp lễ vật để cúng. Tùy vào điều kiện của mỗi làng hay tình hình hạn hán kéo dài mà lễ vật cúng là trâu hoặc heo, nhưng trên đài tế luôn luôn phải có đầy đủ một đôi gà trống, hai ché rượu, một vòng sáp ong, một chén gạo và trầu cau... để dâng lên các vị thần ban sức khoẻ (PoTang PôYa), thần mưa (PôNai), thần thuỷ lợi (PôYang).

Khi cầu cúng, người Chăm Hroi không bao giờ xin nhiều mà chỉ cầu xin vừa đủ, vì họ sợ lòng tham sẽ làm thần nổi giận không cho nữa. Già làng Lê Văn Ru ở làng Hiệp Hội, thị trấn Vân Canh cho biết: Trong buổi lễ, thầy cúng khấn “Yàng ơi! Chỉ có Yàng mới cho người có nước để trồng cây lúa. Ơi Yàng! Yàng hãy mau mưa xuống - mưa hạt nhỏ cây bắp trổ, mưa hạt lớn lúa nẩy cây...”. Khi khấn xong, thầy cúng dùng hai đồng tiền xu gieo quẻ, nếu hai đồng xu đều cùng sấp hoặc cùng ngửa, tức là Yàng chưa đồng ý. Khi gieo quẻ mà hai đồng tiền một sấp một ngửa thì thần mới đồng ý. Lúc đó Oi quai đứng trên đài sẽ tung gạo, phun mưa ra khắp 4 hướng, thể hiện như trời đã đồng ý ban mưa xuống.

Trong Lễ cúng thần làng không thể thiếu tiết mục biểu diễn trống đôi.
Trong Lễ cúng thần làng không thể thiếu tiết mục biểu diễn trống đôi.

Việc tái hiện các lễ hội góp phần tuyên truyền, quảng bá, bảo tồn không gian văn hóa của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Định nói chung, đồng bào Chăm Hroi nói riêng. Đồng thời, phục vụ nhu cầu tìm hiểu văn hóa và trải nghiệm của du khách, tạo nguồn tư liệu hỗ trợ công tác nghiên cứu, giảng dạy cho các nhà khoa học”.

Bà Huỳnh Thị Anh Thảo,Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Bình Định

Trong chuỗi các lễ hội của người Chăm Hroi, Lễ hội thần làng (Quai Yang Cham) là sự kiện văn hóa truyền thống đặc sắc. Già làng, Người có uy tín Nguyễn Thanh Bình ở xã Canh Hiệp, huyện Vân Canh cho biết: Lễ hội Thần làng là một trong những phong tục truyền thống tốt đẹp của người Chăm, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Lễ hội cầu mong cho nơi ở của dân làng luôn được bình yên, cầu cho các vị thần linh bảo vệ, che chở cho dân làng, mọi người luôn khỏe mạnh, trong cuộc sống lao động sản xuất luôn mưa thuận, gió hòa, cây trồng được đơm hoa, trĩu quả, cây lúa được đầy hạt, chăn nuôi gia súc, gia cầm không bị dịch bệnh, gia súc khỏe mạnh sinh trưởng thành đàn, gia cầm sinh nở thành bầy, côn trùng, chim sóc không phá hoại mùa màng.

Thầy cúng Trần Kim Quẹo cho hay: Lễ hội thần làng gồm 4 nội dung cúng: Cúng giỗ ông bà (Quai A tâu mo, oi) vật phẩm một con heo, rượu, trầu cau, nến sáp ong, nước lã và gạo; cúng thần núi (Quai pa Khưng Yang Chơ, mét wa) vật phẩm một con dê; cúng thần làng (Quai Yang Cham) vật phẩm một con heo và cúng hú lấy hồn về (Quai nhô pơngal Pla Play wing) vật phẩm một con gà.

Các cô gái Chăm Hroi giã gạo để cúng thần làng
Các cô gái Chăm Hroi giã gạo để cúng thần làng

“Thời điểm tổ chức Lễ hội thần làng thường vào tháng 2 đến tháng 5 âm lịch. Trước khi diễn ra lễ hội 2 ngày, các bậc phụ lão thông báo đông đủ dân làng tại nhà Rông để phân công nhiệm vụ cụ thể. Các phần việc trong quá trình tổ chức Lễ hội thì thỏa thuận với nhau, các hộ gia đình cùng quyên góp lương thực, vật phẩm dâng lên ngày hội. Người có muối góp muối, có gạo góp gạo, có gà góp gà. Còn con heo và con dê để làm lễ vật chính của Lễ hội được cả làng thống nhất đóng góp trước một tháng”, thầy cúng Trần Kim Quẹo cho biết thêm.

Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá tốt đẹp của đồng bào DTTS, gắn với phát triển du lịch, Sở Văn hoá Thể Thao; Sở Du lịch Bình Định vừa phối hợp với UBND huyện Vân Canh, UBND thị trấn Vân Canh tổ chức tái hiện lại Lễ hội thần làng của người Chăm Hroi. Bà Huỳnh Thị Anh Thảo, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Bình Định chia sẻ: Việc tái hiện lại Lễ hội thần làng nhằm triển khai hiệu quả Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. 

Tin cùng chuyên mục
Chính sách mới của Mỹ và những tác động thương mại, đầu tư

Chính sách mới của Mỹ và những tác động thương mại, đầu tư

Ngày 8/1 Trung tâm Xúc tiến thương mại TP. Hồ Chí Minh - Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - Việt Nam - Viện Sáng kiến Việt Nam tổ chức hội thảo Chính sách mới của Mỹ và những tác động thương mại đầu tư. Hội thảo thu hút sự tham gia trực tiếp và trực tuyến của nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất - xuất khẩu trong nước.