Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Độc đáo hội voi của đại ngàn

Lê Hường - 15:53, 10/04/2025

Huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk là vùng đất nổi tiếng với nghề thuần dưỡng voi rừng; lễ hội voi cùng các nghi lễ liên quan đến voi cũng ra đời từ đó. Hội voi Buôn Đôn trở thành nét đẹp văn hóa mang đặc trưng riêng của vùng đất biên thùy nắng, gió của đại ngàn.

Đông đảo du khách và người dân trải nghiệm Hội voi Buôn Đôn
Đông đảo du khách và người dân trải nghiệm Hội voi Buôn Đôn

Lễ cúng sức khỏe cho voi

Tôi đến xứ voi Buôn Đôn những ngày lễ hội để hòa vào không khí tưng bừng, nghi lễ đậm đà bản sắc văn hóa các dân tộc và ngắm những chú voi được trang điểm, làm đẹp. Hội voi bắt đầu bằng các nghi lễ quan trọng là cúng bến nước và cúng sức khỏe cho voi. Bên bến nước Bay Rong, xã Krông Na, già làng, những Người có uy tín và bà con buôn làng tổ chức cúng bến nước tạ ơn thần sông, thần nước đã ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.

Tay cầm bình nước làm từ quả bầu khô, thầy cúng Y Nga Glan dẫn đoàn người từ nhà cộng đồng bê những lễ vật đã được chuẩn bị đẩy đủ. Mâm lễ vật được bà con sắp xếp gọn gàng bên bến nước, thầy cúng bắt đầu nghi thức cúng thần linh. Giữa mênh mông đại ngàn, tiếng cồng chiêng ngân vang, mọi người nắm tay trong vòng xoang kết nối cộng đồng, bà con buôn làng quây quần bên chóe rượu cần, lâng lâng cùng mùa lễ hội.

Theo thầy cúng Y Nga Glan, thời kỳ thịnh vượng của nghề săn bắt, thuần dưỡng voi rừng ở Bản Đôn xưa (huyện Buôn Đôn ngày nay), sau mỗi lần đi săn về, người tù trưởng Sun Khu Nốp (gọi là Vua voi) thường đến bến Bay Rong làm lễ tế thần, cầu mong những chú voi mới được đưa từ rừng về sẽ ngoan ngoãn, hiền lành, chăm chỉ và thân thiện với con người. Vì thế, sau lễ cúng bến nước, các chủ voi trên địa bàn sẽ tập hợp để cúng sức khỏe cho voi. Các nghi lễ này được bà con buôn làng xã Krông Na tổ chức hằng năm.

Con voi là hiện thân của sự may mắn và thịnh vượng của buôn làng, người thân trong gia đình, niềm tự hào của cộng đồng, dân tộc. Voi có thần linh bảo vệ nên phải chăm sóc chu đáo, cẩn thận và làm lễ cúng sức khỏe hằng năm cho voi”.

Thầy cúng Y Nga Glan

Giữa khoảng đất trống bên bến nước Bay Rong, 6 cá thể voi nhà khoác lên mình tấm vải thổ cẩm rực rỡ, nài voi điều khiển các chú voi bước vào khu vực tổ chức nghi lễ. Sau khi khấn các vị thần núi, thần rừng, thần sông, thần suối, thần đất… thầy cúng thực hiện nghi thức bôi tiết heo lên đầu từng con voi. Cầu các vị thần tiếp tục che chở, phù hộ cho voi nhiều sức khỏe, sống trường thọ, cống hiến nhiều hơn cho con người và buôn làng.

Bảo vệ voi từ mô hình du lịch thân thiện

Hội voi được tổ chức 2 năm 1 lần, vào tháng 3, khi đồng bào các dân tộc Tây Nguyên phát nương làm rẫy. Trước đây, đàn voi nhà ở Buôn Đôn còn đông, voi làm du lịch bằng việc chở du khách từng mang lại nguồn thu lớn, góp phần phát triển kinh tế du lịch và giải quyết việc làm cho các chủ nài voi. Trong ngày hội các cá thể voi sẽ cùng nhau tranh tài với các nội dung thi chạy, thi bơi, voi đá bóng, kéo co với người và tái hiện cảnh săn bắt voi rừng.

Tuy nhiên, hình thức cưỡi voi dần bộc lộ nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến sức khỏe, tuổi thọ của voi do chở khách liên tục, làm việc kiệt sức. Việc cưỡi voi cũng không phù hợp với xu hướng phát triển du lịch bền vững, doanh nghiệp và người dân Buôn Đôn chuyển hình thức du lịch thân thiện với voi. Hội voi Buôn Đôn vì thế cũng có nhiều đổi khác, sau các lễ cúng, voi được trang điểm, làm đẹp, ăn tiệc Buffet.

Voi được khoác lên mình những tấm thổ cẩm, được trang điểm lộng lẫy để tham gia hội
Voi được khoác lên mình những tấm thổ cẩm, được trang điểm lộng lẫy để tham gia hội

Thích thú ngắm voi thưởng thức các loại trái cây ưa thích, chị Nguyễn Thanh Huyền, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh bảo: Đến Buôn Đôn không còn cưỡi voi, song cho voi ăn, làm quen và chụp hình tương tác với voi… cũng rất thú vị. Trải nghiệm Hội voi với nhiều hoạt động ấn tượng, mang sắc thái tâm linh và nhân sinh sâu sắc.

Theo ông Y Si Thắt Ksơr, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn, Hội voi là một hoạt động thiết thực, góp phần giới thiệu những tiềm năng phát triển văn hóa, du lịch sinh thái của tỉnh đến người dân và du khách. Đồng thời, tôn vinh giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, không gian văn hóa cồng chiêng, tạo sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư xúc tiến các hoạt động liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế có tốc độ phát triển cao và bền vững, đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

“Việc thay thế cưỡi voi bằng trải nghiệm tương tác gần gũi, thân thiện với voi là cần thiết. Thay vì ngồi trên lưng voi, du khách cùng quản tượng cho voi ăn, tắm cho voi; theo dõi voi di chuyển trong môi trường tự nhiên; tìm hiểu về văn hóa của voi gắn với đời sống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên; phát triển các tour du lịch sinh thái kết hợp tham quan rừng, tìm hiểu hệ sinh thái nơi voi sinh sống”, Phó Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn Y Si Thắt Ksơr chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục
Về Khâu Vai nghe “đá kể chuyện”

Về Khâu Vai nghe “đá kể chuyện”

Khâu Vai, mảnh đất có phiên chợ Phong Lưu nổi tiếng, từ lâu đã trở thành huyền thoại, cùng với lòng hồ Thuỷ điện Bảo Lâm 3 hùng vĩ, thơ mộng, được du khách khắp nơi biết đến.