Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Độc đáo lễ “Áy lay” của người Dao họ

PV - 19:00, 02/07/2021

Trong các dân tộc sinh sống ở xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai, người Dao họ ở thôn Khe Mụ có những nét sinh hoạt văn hóa độc đáo, thể hiện trong đời sống thường ngày, qua lễ hội dân gian, những bài ca, điệu múa, truyện kể, ca dao, tục ngữ, câu đố... Đặc biệt, lễ cầu làng hay còn gọi là "Áy lay" của người Dao họ là một nét văn hóa tâm linh đặc sắc, mang sắc thái tín ngưỡng văn hóa đặc trưng tiêu biểu còn được duy trì đến ngày nay.

Thầy mo đại diện cho người trong thôn thực hiện lễ cúng. Ảnh: Thanh Nga
Thầy mo đại diện cho người trong thôn thực hiện lễ cúng. Ảnh: Thanh Nga

Thôn Khe Mụ, xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng là nơi sinh sống của 17 hộ người Dao họ. Ngày nay, bà con nơi đây vẫn giữ gìn được bản sắc, phong tục tập quán xa xưa. Trong đó, nghi lễ cầu làng hay còn gọi là "Áy lay" là một nét văn hóa tâm linh đặc sắc, giúp người dân có thêm sức mạnh tinh thần hăng say lao động, sản xuất.

Ông Bàn Văn Sang được gọi là ông chủ làng. Theo lý giải của ông Sang, xưa kia, lễ cầu làng được người dân nơi đây tổ chức 4 lần trong năm, nhưng nay đã rút xuống còn 3 lần trong năm. Ở mỗi thời điểm, nghi lễ mang một ý nghĩa riêng. Lần thứ nhất, nghi lễ này được diễn ra vào tháng 2 âm lịch với mong muốn cầu cho nhà nhà khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Lần thứ hai diễn ra vào ngày 6/6 (âm lịch) với quy mô lớn nhất, bởi đây là lễ cúng giữa năm, báo cáo thần linh, thổ địa những kết quả của bản làng đạt được trong 6 tháng đầu năm và lễ vật dâng cúng thần linh cũng đầy đủ hơn. Lần thứ ba diễn ra vào tháng 10 âm lịch với ý nghĩa tổng kết cuối năm, xem một năm trong làng các gia đình làm được gì và chưa được gì, hướng khắc phục trong năm tới.

Mặc dù lễ cầu làng được tổ chức nhiều lần trong năm, nhưng nội dung và diễn trình của nghi lễ lại tương đối thống nhất. Đây là dịp để tạ ơn trời đất, các vị thần linh đã ban cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, chăn nuôi phát triển, xua đuổi dịch bệnh và những gì không may mắn ra khỏi làng.

Thầy cúng Lý Văn Chiên cho biết, trước ngày diễn ra lễ cầu làng, chủ làng chọn ngày tốt, lựa chọn thầy cúng được người dân trong làng tín nhiệm. Thầy cúng phải mặc trang phục truyền thống, mang sách cúng để thực hiện nghi lễ. Lễ cúng được tổ chức ở nhà chủ làng.

Lễ vật cầu làng của người Dao họ khá đơn giản, đúng theo quan niệm có gì dâng nấy, quan trọng vẫn là tấm lòng thành của con, cháu. Điều đặc biệt nhất là tất cả các đồ dâng cúng thần linh đều phải do các gia đình tự trồng, tự nuôi để thể hiện lòng thành kính đối với các vị thần linh của người Dao họ. Các lễ vật như gà, lợn, rượu trắng, gạo... được các gia đình đóng góp, sau đó, tập trung về một hộ có uy tín trong cộng đồng đã được chọn từ trước để chuẩn bị cho các nghi lễ.

Từ sáng sớm, người dân đã tập trung ở nhà chủ làng chuẩn bị lễ vật để mời thầy đến cúng. Tùy từng dịp, thầy cúng sẽ có bài văn khấn bằng tiếng Dao riêng. Tuy nhiên, tất thảy các bài khấn đều phải thể hiện sự biết ơn bề trên và cầu sự chở che, phù hộ của thần linh tới bản làng. Lễ cúng cầu làng kết thúc, người dân trong làng cùng nhau tổ chức bày mâm cỗ ăn uống tại nhà chủ làng để gắn kết với nhau hơn, thắt chặt tình cảm cộng đồng.

Ông Hoàng Văn Phúc, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Hà cho biết: “Lễ cầu làng của người Dao họ ở thôn Khe Mụ là nét đẹp văn hóa của đồng bào nơi đây từ xa xưa. Trải qua hàng trăm năm, nghi lễ này đã trở thành hoạt động văn hóa cộng đồng đặc sắc, được gìn giữ cho đến ngày nay. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, khơi dậy niềm tự hào về những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Dao ở địa phương, trong đó có lễ cầu làng”.

Có thể nói, lễ "Áy lay" đã thể hiện rõ tính giáo dục, sự kế thừa những tinh hoa văn hóa và ý thức cội nguồn của dân tộc. Đó là nét đẹp trong đời sống của đồng bào các dân tộc cần được bảo tồn và phát huy. Qua lễ “Áy lay” nhằm thể hiện tấm lòng thành kính với ông bà, tổ tiên, cũng như cầu mong cho các gia đình, dòng tộc hạnh phúc tràn đầy, làm ăn thuận lợi. Đây cũng là dịp để người dân trong thôn bản gắn kết với nhau hơn, cùng nhau lao động, sản xuất xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.