Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Độc đáo lễ cưới của đồng bào Pa Cô ở vùng cao A Lưới

PV - 10:16, 05/10/2020

Người Pa Cô sinh sống trên dãy Trường Sơn hùng vĩ tại huyện vùng cao A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế có nhiều nghi lễ quan trọng, phản ánh đời sống tinh thần và quan niệm về cuộc sống, tín ngưỡng phong phú. Một trong những nghi thức trọng đại của họ là lễ cưới của những đôi trai gái đến tuổi dựng vợ, gả chồng.

Độc đáo lễ cưới của đồng bào Pa Cô ở vùng cao A Lưới
Tiệc mừng đám cưới tại gia đình nhà trai của người Pa Cô. Ảnh: Hồ Cầu
Tiệc mừng đám cưới tại gia đình nhà trai của người Pa Cô. Ảnh: Hồ Cầu

Nhiều nghi lễ độc đáo

Để tìm hiểu rõ hơn về nét độc đáo trong lễ cưới truyền thống của người Pa Cô, chúng tôi tìm đến già làng Koonh Liên, ở làng Việt Tiến, xã Hồng Kim, huyện A Lưới. Ông là một trong số ít những người còn nhớ nguyên vẹn về các nghi lễ truyền thống thường được tổ chức như: Aza, A riêu ping...

Quây quần bên chiếc bàn nhỏ dưới ngôi nhà sàn, bằng giọng nói trầm ấm, già làng Koonh Liên kể rằng: “Lúc những câu hát Xiêng, hát Thun được cất lên trong đêm đi sim cũng chính là lúc những chàng trai, cô gái tìm được người bạn trăm năm của chính mình và quyết định tiến tới hôn nhân phải làm lễ Y py a, đâ a y a ăm (báo cáo cho bố mẹ).

Khi được sự đồng ý của hai bên gia đình thì nghi lễ Pôôc xeeq (đám hỏi) sẽ được tiến hành. Gia đình nhà trai đến nhà gái để hỏi vợ với lễ vật được chuẩn bị rất kỹ càng, trang trọng như: Tiền, vàng, bạc, hạt mã não... Bên mâm cỗ thịnh soạn được nhà trai chuẩn bị, điệu “Cưrr lơi” quen thuộc vang lên như ướm hỏi nhà gái có đồng ý gả con gái cho nhà trai không? Nếu đồng ý, nhà gái sẽ trao cho nhà trai một tấm Zèng để nhận lời và báo cho nhà trai chuẩn bị lễ vật cũng như ấn định thời gian tổ chức lễ cưới.

Già làng Koonh Liên chỉ tay về phía chân cầu thang của ngôi nhà sàn truyền thống, giới thiệu cho chúng tôi biết những vật dụng, nhạc cụ quen thuộc như: A điên, Tưrr le, A cưrr... thường dùng trong các lễ hội, được trưng bày bắt mắt. Đưa tay nhấp một ngụm trà, già làng Koonh Liên tiếp tục câu chuyện: Sau khi tổ chức nghi lễ Pôôc xeeq, hai bên gia đình sẽ có một tuần để chuẩn bị. Đối với lễ cưới truyền thống của người Pa Cô sẽ tiến hành gồm hai bước, đó là Pôôc đooq (đám cưới tại nhà trai) và Pa liah, a leq kâr mai (đám cưới nhà gái).

Nghi lễ Pôôc đooq được bắt đầu bằng thủ tục Pai Dàng (Pai a ngôh - lễ xuất gia) để báo cho tổ tiên, xin phép tổ chức đám cưới và cho phép cô dâu được nhập Dàng qua nhà trai. Khác với lễ đón dâu của dân tộc Kinh, đối với người Pa Cô, gia đình nhà gái sẽ tự dẫn cô dâu tới nhà trai để làm lễ. Mẹ chồng đón cô dâu ở cổng nhà mình, cởi bỏ tấm Zèng “Pâr lang” trên đầu cô dâu và đeo chuỗi cườm để đón nhận con dâu hiền. Kết thúc thủ tục Pai Dàng, tiếng trống A cưrr vang lên cùng với điệu múa Za zã như báo hiệu lễ Pârr xool (xin phép Dàng nhà trai cho nhà gái được vào để làm lễ) bắt đầu. Trong lễ Pârr xool, nhà gái sẽ trao một số lễ vật cho nhà trai như: Zèng, gà luộc, gói xôi, bánh A koát...

Cuối cùng là nghi lễ Pâr choo, Târ lêh (lễ tiễn khách, trao lễ vật và của hồi môn) để kết thúc lễ cưới tại nhà trai. Trong lễ Pâr choo, Târ lêh, gia đình nhà trai sẽ trao lễ vật cho bố, mẹ cô dâu để tỏ lòng biết ơn vì công sinh thành, dưỡng dục, trao cho trưởng họ để tạ ơn đã quan tâm, đỡ đần cả vật chất lẫn tinh thần cho nhà thông gia trong việc cưới hỏi.

Một tuần sau khi tổ chức đám cưới ở nhà trai sẽ tiến hành lễ Pa liah, a leq kâr mai (đám cưới nhà gái). Mọi nghi lễ ở nhà gái cũng được tiến hành tương tự như ở nhà trai, chỉ khác trong lễ cưới này, người đi vào đầu tiên phải là cô dâu. Khi cô dâu đến cổng nhà sẽ được bố mẹ đẻ trao cây đũa bếp, khi bước lên hết cầu thang, cô dâu sẽ thả chiếc đũa bếp xuống dưới sân với ý nghĩa rằng, từ nay, muốn lui tới, thăm nom cha mẹ thì không còn kiêng cự nữa.

Tại nghi lễ Pâr choo, Târ lêh (lễ tiễn khách, trao lễ vật và của hồi môn) được tiến hành tại gia đình nhà gái. Trước khi ra về, mẹ đẻ của cô dâu sẽ trao lại cho mẹ chồng tấm Zèng Dàng Cợt như linh hồn của con gái mà bấy lâu nay bà mẹ cất giữ và một số lễ vật làm của hồi môn cho con gái.

Giữ gìn những nét văn hoá đặc sắc

Trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa và tác động của cơ chế thị trường hiện nay, lớp trẻ, đặc biệt là thanh niên dân tộc Pa Cô tại huyện A Lưới rất ít người còn tổ chức lễ cưới theo nghi lễ truyền thống một cách trọn vẹn, thay vào đó là các lễ cưới theo phong cách hiện đại hoặc vẫn theo lễ cưới truyền thống nhưng nó không còn đầy đủ nghi thức cưới như trước kia.

Bước chân theo tiếng trống A cưrr rộn ràng, chúng tôi tìm đến lễ cưới truyền thống của anh Đinh Văn Biên, 25 tuổi ở thôn Pi Ây 1, xã Hồng Quảng, huyện A Lưới. Được hỏi về các nghi lễ trong đám cưới, anh Biên chia sẻ: “Nếu tổ chức đám cưới theo truyền thống sẽ tốn rất nhiều thời gian. Hơn nữa, cũng có một vài thủ tục tôi thấy không quá cần thiết nên chúng tôi chỉ chọn ngày đẹp để làm lễ cưới “phong tục”, sau đó sẽ mời họ hàng, bạn bè đến nhà hàng để liên hoan”.

Bản sắc văn hóa phản ánh đặc trưng riêng biệt, độc đáo và giàu giá trị nhất của một dân tộc. Chính vì thế, vấn đề bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp trong thời kỳ hội nhập đang đặt ra một thách thức không hề nhỏ với các ngành, các cấp của huyện A Lưới.

Bà Hồ Thị Tư, Phó Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện A Lưới chia sẻ: Để gìn giữ những bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc tại vùng cao A Lưới nói chung và lễ cưới truyền thống của đồng bào Pa Cô nói riêng, trong các ngày hội lớn của huyện, chúng tôi tái hiện lại các nghi lễ truyền thống của đồng bào các dân tộc để người dân hiểu rõ hơn về nét độc đáo trong phong tục tập quán của dân tộc mình, trân trọng, gìn giữ và phát huy những nét đẹp đó. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang dựa vào những nét đẹp văn hóa truyền thống, các ngành nghề thủ công của đồng bào các dân tộc để đánh thức tiềm năng du lịch. Qua đó, vừa phát triển kinh tế, vừa giữ gìn và phát huy được những giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc sinh sống trên địa bàn huyện A Lưới”.