Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Độc đáo Ngày hội lúa rươi hữu cơ

Minh Nhật - 12:08, 13/06/2024

Là năm thứ 3 liên tiếp, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) tổ chức Ngày hội Nông nghiệp độc đáo này. Ngày hội được tổ chức tại vùng sản xuất lúa rươi hữu cơ thôn An Định, xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ sáng ngày 12/6, với chủ đề "Ngày hội lúa rươi hữu cơ năm 2024".

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tại Ngày hội lúa, rươi hữu cơ Tứ Kỳ (Hải Dương)
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan tại Ngày hội lúa rươi hữu cơ Tứ Kỳ (Hải Dương)

Huyện Tứ Kỳ (tỉnh Hải Dương) hiện có 550ha diện tích sản xuất lúa hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy. Diện tích nuôi, trồng này tập trung ở các xã An Thanh, Quang Trung, Chí Minh, Bình Lãng và Hà Thanh với sản lượng rươi đạt 450 tấn/năm, cáy đạt 200 tấn/năm, lúa đạt 3.000 tấn/năm; giá trị sản phẩm canh tác hữu cơ đạt từ 400 - 450 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 8-10 lần so với thâm canh vô cơ.

Năm 2022, vùng sản xuất nông nghiệp kết hợp với khai thác rươi, cáy quy mô 137ha thuộc xã An Thanh (huyện Tứ Kỳ) được chứng nhận đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Việt Nam và là vùng sản xuất hữu cơ được công nhận đầu tiên của tỉnh Hải Dương. Hiện toàn huyện Tứ Kỳ có 34 sản phẩm được chứng nhận OCOP, trong đó có 12 sản phẩm của vùng sản xuất hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Lễ ký kết hợp đồng liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm hữu cơ, hợp tác về du lịch sinh thái, trải nghiệm tại Tứ Kỳ, Hải Dương
Lễ ký kết hợp đồng liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm hữu cơ, hợp tác về du lịch sinh thái, trải nghiệm tại Tứ Kỳ, Hải Dương

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng đánh giá: Ngày hội lúa rươi hữu cơ năm 2024 của huyện Tứ Kỳ không chỉ mang đến cho người dân, du khách những trải nghiệm thú vị mà còn cổ vũ, động viên và ghi nhận sự đóng góp của ngành Nông nghiệp với kinh tế địa phương và khu vực...

“Toàn tỉnh Hải Dương hiện nay có 881ha diện tích vùng sản xuất hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy, tập trung tại các huyện Tứ Kỳ, Thanh Hà, Kim Thành và thị xã Kinh Môn. Việc khai thác, bảo tồn thủy đặc sản rươi cáy kết hợp với sản xuất nông nghiệp hữu cơ không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà còn góp phần bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân, duy trì hệ sinh thái đồng ruộng, sinh vật thủy sinh phát triển bền vững”, ông Thắng ghi nhận.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cùng lãnh đạo tỉnh Hải Dương cắt băng, tặng hoa cho đại diện doanh nghiệp thu mua xuất bán chuyến hàng đầu tiên
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cùng lãnh đạo tỉnh Hải Dương cắt băng, tặng hoa cho đại diện doanh nghiệp thu mua xuất bán chuyến hàng đầu tiên

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan khẳng định, ngày hội là cơ hội tốt để giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao, đồng thời truyền cảm hứng cho nông dân các vùng, miền trong cả nước về làm nông nghiệp hữu cơ. Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, tư duy sản xuất “nông nghiệp vị nhân sinh” cần được lan tỏa, nhân rộng.

“Chúng ta đang làm một cuộc cách mạng, không phải là chuyển từ trồng lúa truyền thống sang trồng lúa hữu cơ đơn thuần. Đó là cuộc cách mạng trong tâm thức, trong hành động đối với thiên nhiên, đối với sức khỏe con người, đối với môi trường, đối với sự đa dạng sinh học và quan trọng là đối với các thế hệ mai sau. Chúng ta truyền thông ra thế giới rằng người Việt Nam đang làm nông nghiệp "tử tế", Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định.

Hội thi gặt lúa thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương đến xem, trải nghiệm
Hội thi gặt lúa thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương đến xem, trải nghiệm

Trong chương trình Ngày hội còn diễn ra các hoạt động sôi nổi như: Hội thi gặt lúa, thi nấu cơm đặc sản hữu cơ, cắt băng xuất bán lúa hữu cơ bãi rươi và lễ ký kết hợp đồng liên kết sản xuất gắn bao tiêu sản phẩm hữu cơ, hợp tác về du lịch sinh thái, trải nghiệm tại Tứ Kỳ, Hải Dương.

Tin cùng chuyên mục
Khát vọng màu xanh trên vùng đất nắng

Khát vọng màu xanh trên vùng đất nắng

Ninh Thuận là nơi có lượng mưa thấp nhất trong cả nước. Sản xuất nông nghiệp luôn gặp tình trạng khô hạn, thiếu nước, ảnh hưởng lớn đến cây hoa màu. Với khát vọng làm giàu từ chính mảnh đất khô hạn, anh Lưu Trường Lâm, dân tộc Chăm, chủ cơ sở Farm Bazô đã chủ động chuyển đổi cây trồng truyền thống sang trồng cây tre lấy măng. Mô hình sản xuất nông nghiệp sạch của cơ sở Farm Bazô mang lại hiệu quả kinh tế, giải quyết được nỗi lo của người nông dân sinh sống ở vùng đất nắng.