Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc- Tôn giáo

Độc đáo sáo cúc kẹ của dân tộc Phù Lá

Văn Hoa - 14:34, 12/10/2021

Sáo là loại nhạc cụ phổ biến ở nhiều quốc gia, dân tộc, nhưng chắc hẳn khó có loại sáo nào được thổi bằng mũi, chỉ có một lỗ nhưng âm thanh thoát ra nhẹ nhàng với tiết tấu lên xuống luyến láy theo từng âm điệu. Đó là sáo cúc kẹ, hay còn gọi là sáo mũi, là loại nhạc cụ truyền thống dân tộc Phù Lá (tên gọi khác là Xa Phó) tại xã Châu Quế Thượng, huyện Văn Yên (Yên Bái).

Sáo mũi rất khó thổi nên nghệ nhân Đặng Thị Thanh luôn trăn trở làm sao để bảo tồn được loại nhạc cụ độc đáo này.
Sáo mũi rất khó thổi nên nghệ nhân Đặng Thị Thanh luôn trăn trở làm sao để bảo tồn được loại nhạc cụ độc đáo này.

Ngược dòng sông Hồng về xã Châu Quế Thượng, chúng tôi được nghe âm thanh và câu chuyện xưa về lịch sử loại âm nhạc độc đáo - sáo cúc kẹ của người Phù Lá. Loại nhạc cụ thổi bằng mũi, ríu rít vang xa trong gió, âm thanh réo rắt như suối chảy.

Người xưa kể lại về cụ tổ người Xa Phó gắn với nguồn gốc cây sáo. Theo đó, vào một đêm mưa to gió lớn, có chàng trai dắt tay cô gái đi vào hang đá trú mưa. Chàng trai bị thu hút bởi âm thanh kỳ lạ trong bụi nứa ở hang đá, chàng trai liền mài đá làm dao để cắt ống nứa.

Điều kỳ lạ là, trong ống nứa chỉ có 1 lỗ do kiến khoét, khi dựng cây nứa lên, gió lùa vào lỗ kiến tạo ra âm thanh rất độc đáo. Chàng trai cải biến ống nứa thành cây sáo và thổi rất hay, cô gái liền đem lòng cảm phục và hai người lấy nhau. Chàng trai truyền cây sáo lại cho vợ và người vợ truyền lại cho hậu nhân người Xa Phó bây giờ.

Ngày nay, có cụ Bơ Thị Bà, thường thổi sáo cúc kẹ vào mỗi đêm trăng sáng hoặc vào ban đêm. Tiếng sáo ríu ríu, văng vẳng khắp núi đồi, như câu chuyện cổ tích, tiếng sáo đến tai cô gái Đặng Thị Thanh, khi ấy 12 tuổi, đã thu hút sự tò mò, lòng hiếu kỳ về tiếng sáo.

Như duyên trời định, trong một lần đến nhà cụ Bà gặt lúa hộ, cô gái Đặng Thị Thanh đã vô tình biết về loại sáo đặc biệt này. Cô Thanh đã xin cụ Bà truyền dạy. Bị hấp dẫn bởi tiếng sáo và câu chuyện về lịch sử cây sáo, cô Thanh quyết tâm học bằng được sáo cúc kẹ.

Từ những năm 1996, tiếng sáo cúc kẹ được cô Thanh biểu diễn khắp nơi, tới mọi miền của đất nước. Lần đầu tiên, một cô gái với trang phục truyền thống người Xa Phó vượt ra phạm vi vùng Châu Quế Thượng, đứng trên sân khấu lớn, tham dự nhiều cuộc thi và đoạt nhiều danh hiệu và phần thưởng cao quý.

Năm 2004, cô Thanh được Nhà nước phong tặng Nghệ nhân Dân gian Việt Nam, khi ấy cả nước chỉ có 3 người; và năm 2015, cô được công nhận là Nghệ nhân Ưu tú. Niềm vui của cô Thanh cũng chính là niềm tự hào chung của nhiều thế hệ người Xa Phó.

Theo Nghệ nhân Đặng Thị Thanh, sáo cúc kẹ độc đáo ở chỗ, nó chỉ có một lỗ duy nhất, không có lỗ chỉnh âm và thổi bằng mũi nhưng tạo ra âm thanh trong veo, rất dễ nghe. Tuy nhiên, để học và thổi được loại sáo này không hề đơn giản. Nghệ nhân Đặng Thị Thanh, nay đã hơn 60 mùa “nương”, luôn trăn trở làm sao để bảo tồn loại nhạc cụ này. Từ những năm 2000, bà đã truyền dạy sáo mũi cho nhiều lớp thanh niên trẻ, nhưng tiếc rằng, nhiều người thấy khó mà bỏ cuộc, nhiều người đã biết thổi nhưng đi lấy chồng xa và lo phát triển kinh tế nên dần quên sáo mũi.

Bà Thanh bảo, với bà giữ tiếng sáo cúc kẹ không chỉ là giữ nghề mà còn là giữ cả hồn người Xa Phó.

Với quyết tâm để tiếng sáo ngân vang mãi đỉnh Châu Quế Thượng, các cấp ủy đảng, chính quyền xã Châu Quế Thượng, sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, đặc biệt là sự nỗ lực của Nghệ nhân Ưu tú Đặng Thị Thanh và thế hệ trẻ người Xa Phó, công tác bảo tồn sáo cúc kẹ đã có nhiều kết quả tích cực. Đến nay, Châu Quế Thượng đã có một đội văn nghệ 12 người biết thổi sáo cúc kẹ thuần thục. Đội thường xuyên biểu diễn tại các ngày lễ lớn của địa phương, vang xa tới huyện, tỉnh và cả một số tỉnh Tây Bắc.

“Tiếng sáo cúc kẹ từ lâu đã trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu được trong đời sống dân tộc Phù Lá tại xã Châu Quế Thượng. Địa phương sẽ tích cực bảo tồn và phát huy loại sáo đặc biệt này...”, ông Hoàng Văn Tương, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Châu Quế Thượng bộc bạch.

Tin cùng chuyên mục
Đồng Nai: Nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS

Đồng Nai: Nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới trong vùng đồng bào DTTS

Với việc triển khai đồng bộ nhiều chương trình, chính sách, đề án phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Đồng Nai đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong bảo đảm, nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ DTTTS trong mọi mặt của đời sống xã hội. Các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh cũng chú trọng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, qua đó góp phần chuyển đổi hành vi, quan niệm về bình đẳng giới, giảm khoảng cách và xóa bỏ định kiến về giới trong vùng đồng bào DTTS.