Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Nghệ sĩ Vi Tơ: Một đời tâm huyết với cây đàn tính

PV - 11:05, 09/08/2019

Từ những năm cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, tên tuổi nghệ sĩ Vi Tơ, dân tộc Tày, đã được đông đảo công chúng yêu âm nhạc xứ Lạng biết đến qua tiếng sáo quyến rũ mê hoặc lòng người. Từ năm 2000, rời ánh đèn sân khấu và những đêm diễn, ông dồn hết tâm huyết, thời gian để chế tác, bảo tồn cây đàn tính vốn là linh hồn của nghệ thuật hát then độc đáo đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Tày-Nùng.

Được trời phú cho năng khiếu âm nhạc, đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, chàng trai dân tộc Tày Vi Tơ thi đỗ vào Khoa Âm nhạc Dân tộc, Trường Âm nhạc Việt Nam (Nhạc viện Hà Nội). Năm 1964, sau khi tốt nghiệp, Vi Tơ về nhận công tác tại Đoàn Văn công tỉnh Lạng Sơn và bắt đầu dấn bước vào con đường nghệ thuật biểu diễn.

Ngoài việc trình tấu sáo trúc, nghệ sĩ Vi Tơ còn được giao thêm một nhiệm vụ phụ là so dây, thẩm âm từng cây đàn tính cho các nghệ sĩ biểu diễn của đoàn. Từ công việc so dây đàn hằng ngày đã khơi gợi cho nghệ sĩ Vi Tơ niềm đam mê tìm hiểu cách thức chế tác ra cây đàn tính mang tính đặc thù riêng của xứ Lạng. Tuy vậy, mãi tới năm 2000, khi chính thức nghỉ hưu, nghệ sĩ Vi Tơ mới có thời gian bắt tay vào thực hiện những điều tâm huyết của mình.

Nghệ sĩ Vi Tơ đang chế tác cây đàn tính. Nghệ sĩ Vi Tơ đang chế tác cây đàn tính.

Ban đầu nghệ sĩ Vi Tơ thường lấy các mẫu cây đàn tính của các nghệ nhân Cao Bằng làm chuẩn mực để học và làm theo từ hình thức đến âm thanh.

Khi đã thuần thục trong thao tác các công đoạn chế tác cây đàn tính, ông bắt đầu cải tiến dần để tính năng cây đàn tính xứ Lạng có một hình dáng riêng, âm sắc riêng phù hợp với những làn điệu then mang tính tự sự trữ tình của xứ Lạng.

Nghệ sĩ Vi Tơ cho biết, trong chế tác đàn tính, điều quan trọng nhất chính là tìm chọn được những quả bầu ưng ý, sau đó đem cắt ngang khoảng 1/3 tính từ cuống đến giữa quả bầu, rồi mới đem ngâm trong nước khoảng nửa tháng. Tiếp đó dùng khăn lau sạch cả màng đen bám bên ngoài và màng trắng ở bên trong, rồi dán miếng gỗ lên trên để làm mặt của cây đàn.

Tiếp theo là làm phần cần đàn, nghệ sĩ Vi Tơ giải thích, giữa độ dài của cần đàn và độ lớn của bầu đàn cũng cần có sự tương đồng và phù hợp, nếu cần đàn dài mà bầu đàn nhỏ quá thì chất lượng âm thanh giảm đi, không chuẩn. Ngoài ra các họa tiết trên cần đàn cũng có những tác động tới vấn đề tâm lý, sự cảm nhận của người chơi. Từ nghiên cứu tỉ mỉ này, hiện nay nghệ sĩ Vi Tơ chủ yếu chế tác loại cần đàn tính sử dụng họa tiết đầu rồng, theo thể phi (bay), tạo nên cảm giác thăng hoa, phiêu diêu theo âm thanh cho người chơi đàn và loại cần có họa tiết đầu rồng, theo thể phục (nằm) lại đem đến cho người chơi cảm giác trầm lắng nhẹ nhàng thanh thoát.

Nói về vấn đề truyền nghề cho thế hệ trẻ hiện nay, giọng nghệ sĩ Vi Tơ hơi chùng xuống: “Hiện nay, Lạng Sơn có hàng trăm câu lạc bộ hát then, đàn tính hoạt động từ các xã, phường, thị trấn, thành phố tới các trường học nên nhu cầu cung ứng đàn tính là rất lớn, thế nhưng ông cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Muốn làm được cây đàn tính vừa đẹp về hình thức, vừa chuẩn về âm thanh, người nghệ nhân tâm huyết cả đời cũng chỉ chế tác được vài chục cây đàn ưng ý mà thôi!”.

LƯƠNG ĐỊNH