Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Độc đáo-tranh thờ của người Dao ở Tuyên Quang

PV - 11:05, 16/01/2019

Trong nghi lễ thờ cúng, người Dao trong cả nước nói chung, tỉnh Tuyên Quang nói riêng sử dụng nhiều tranh cúng. Loại tranh này được treo ở những nơi trang trọng, thể hiện niềm tin con người về thần linh, vũ trụ và các hiện tượng trong cuộc sống từ thuở xa xưa.

 Thầy tạo Phùng Chương Chí, xã Thổ Bình (Lâm Bình) giới thiệu bộ tranh thờ của người Dao đỏ. Thầy tạo Phùng Chương Chí, xã Thổ Bình (Lâm Bình) giới thiệu bộ tranh thờ của người Dao đỏ.

Mỗi dịp lễ, tết khác nhau, người Dao lại có những loại tranh riêng. Trong đó, phổ biến là bộ tranh Tam Tượng và bộ Đại Đường Quân. Hai bộ tranh này dòng họ nào cũng phải có, bởi vì không có thì không thể tiến hành các lễ cúng. Tranh được vẽ theo kiểu tranh dân gian với nét vẽ tả thực, các vị thần có vẻ mặt khác nhau nhưng đều có nét oai nghiêm, quyền lực.

Thầy tạo (mo) Phùng Chương Chí, xã Thổ Bình (Lâm Bình) cho biết, tranh người Dao thể hiện quan niệm của con người thuở sơ khai về vũ trụ. Trong đó, thần tiên chính là thế lực vô cùng quan trọng bảo trợ cho cuộc sống của con người. Có 3 vị thần cai quản ở 3 nơi là Ngọc Thanh (thần cai quản trên trời), Thượng Thanh (thần cai quản trần gian), Thái Thanh (thần cai quản âm phủ). Trong 3 vị thần linh này thì Ngọc Thanh có vị trí cao hơn cả.

Gam màu chủ đạo trong mỗi bức tranh là xanh, đỏ, tím, vàng, đen, trắng được cụ thể trong từng họa tiết... Tuy nhiên, màu sắc của mỗi bức vẽ cũng tùy thuộc vào chủ đề hay nhân vật. Cụ thể như trang phục của Ngọc Thanh là màu xanh da trời, màu xanh lá cây, màu trắng; tranh vẽ Thượng Thanh thì chủ đạo là màu xanh lá cây, xanh da trời, nâu sẫm và Thái Thanh thì chủ yếu là màu đỏ, đen, vàng, nâu.

Tranh cúng của người Dao rất coi trọng đến chất liệu giấy, màu bền và vẽ đẹp (kiêng thờ cúng tranh cũ). Thông thường, loại tranh này được vẽ trước Tết Nguyên đán vài tháng và người muốn vẽ tranh phải đến nhờ các thầy cúng biết vẽ. Khi thầy cúng nhận lời rồi mới chọn ngày đẹp hợp với tuổi của gia chủ thì mới làm lễ xin thần linh cho khai bút. Tranh vẽ xong, thầy chọn ngày tốt để treo tranh và làm lễ khai quang. Khi cúng xong, người Dao gói tranh thật kỹ treo lên xà nhà tránh ẩm mốc, hư hỏng.

Tranh thờ của người Dao không chỉ là tín ngưỡng mà còn là niềm tin, là cách lý giải của người dân về vũ trụ, về các hiện tượng trong cuộc sống từ thủa xa xưa. Nghệ nhân Phàn Văn Phú, xã Tân Thành (Hàm Yên) chia sẻ, người Dao cho rằng các vị thần linh luôn nhìn thấu mọi việc của con người và sẵn sàng phạt người nào làm việc ác. Chỉ cần nhìn tranh các vị thần được khắc họa oai nghiêm, dữ dằn như bức Tứ đại Nguyên Soái Tam Thanh thì ai có ý nghĩ xấu xa, những mưu đồ đen tối sẽ bị đẩy lùi. Điều này đã tạo được sức lan tỏa trong giáo dục, mang lại niềm tin hướng con người đến những điều tốt đẹp.

Tranh thờ cúng của người Dao chứa đựng giá trị giáo dục tính nhân văn cho con người. Các bức tranh cúng thường treo kín trên vách nhà được thế hệ trước giảng giải cho thế hệ sau. Vì thế, tục thờ tranh dân gian được người Dao bảo tồn từ đời này qua đời khác tạo nên nét đẹp văn hóa riêng biệt.

GIANG LAM