Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Độc đáo tranh "vẽ" bằng lông gà ở phố cổ Hội An

Tiên sa - 17:20, 15/07/2021

Mỗi tác phẩm đều có cái độc đáo khác nhau, tôi không thể sáng tác bức thứ hai giống như bức thứ nhất, nên có một số tác phẩm tôi không bán, mặc dù đời nghệ nhân của tôi cũng không khá giả gì. Đó là lời tâm sự của ông Đinh Ngọc Đạt (61 tuổi) ở trong khu chợ phố cổ Hội An, số 13, Trần Quý Cáp (Hội An - Quảng Nam) - Một nghệ nhân có biệt tài "vẽ" tranh bằng lông gà.

Ông Đạt đang sáng tác bức tranh “Thăng Long”
Ông Đạt đang sáng tác bức tranh “Thăng Long”

Vừa dán lông gà vào bức tranh, ông Đạt cho hay, vào năm 1979, ông vào bộ đội và trở thành chiến sĩ vẽ bản đồ địa hình của Lữ đoàn 173, sau là Tiểu đoàn 1 tại Quảng Nam - Đà Nẵng. Năm 1984, ông xuất ngũ về địa phương tiếp tục theo nghề “vẽ” tranh bằng lông gà mà ông đã theo đuổi khi còn học lớp 12 Trường Trần Quý Cáp (Hội An). Một lần, ông Đạt thử nghiệm một hướng đi mới trong cách thể hiện nghệ thuật của mình, ông nhặt nhạnh những chiếc lông gà ghép thành một bức tranh tặng người bạn sắp đi xa như một kỷ vật độc đáo. Đó là tác phẩm đầu tiên của ông Đạt được thể hiện bằng lông gà.

Bức tranh “Người mẫu”
Bức tranh “Người mẫu”

Trước đây, để có chất liệu “vẽ” tranh lông gà, ông Đạt cất công sưu tầm, chọn lựa loại lông gà rất kỹ, phân loại theo từng kích cỡ, màu sắc khác nhau. Nhưng hiện nay, ông phải dành nhiều thời gian để sáng tác tranh nên thường đặt hàng mua lông gà ta. Thông thường 3 bao lông gà cho 1 bức tranh và ông chỉ sử dụng chỉ 4 màu: Trắng, đen, nâu, xám. Theo ông Đạt, sở dĩ chọn lông gà và những tông màu này làm chất liệu cho tranh của mình bởi phù hợp với gam “màu phố cổ” Hội An rêu phong cổ kính. Nếu so với các chất liệu tạo hình khác, màu sắc của lông gà có độ bền gần như vĩnh viễn.

Bức tranh “Mẹ tôi”
Bức tranh “Mẹ tôi”

Đưa chúng tôi xem những bức tranh đã “vẽ” 20 năm trước, tranh vẫn tươi màu chưa hề bị phai. Những chiếc lông gà  được ông lựa chọn phù hợp từng chi tiết của bức ảnh, được cắt tỉa cẩn thận và dán trên giấy bìa cứng theo những nét vẽ phác thảo ban đầu để tạo thành tác phẩm nghệ thuật. Khách có thể nhìn thấy tranh của ông có bức bình dị, mộc mạc của làng quê Việt Nam cho đến tranh siêu thực. Cụ thể như dòng tranh về lập thể (Mẹ bồng con, Người mẫu…); tranh biểu hiện (Con trâu, Song Mã…), tranh hiện thực (Chùa Cầu, Thiếu nữ, nhạc sỹ Trịnh Công Sơn…). Điều đặc biệt, chủ đề người phụ nữ Việt Nam xuất hiện khá nhiều trong tranh của ông như các tác phẩm: Nữ sinh, Thiếu nữ tóc đuôi gà, Thiếu nữ với bình hoa, thiếu nữ Hội An, Vũ nữ Apsara, Hồn nhiên, Mẹ tôi, Vợ tôi…

Bức tranh “Thiếu nữ”
Bức tranh “Thiếu nữ”

Tác phẩm “Mẹ tôi” là hình ảnh người mẹ già đang kĩu kịt quang gánh bán hàng rong mà hai bên đường là dãy phố rêu phong, cổ kính. Hoặc tác phẩm “Vợ tôi” thể hiện người vợ “lặn lội thân cò” bên bờ sông Hoài “eo sèo” mặt nước buổi đò đông, để nuôi chồng, nuôi con ăn học.

Ông Đạt cho biết, sau bản phác thảo bằng bút chì trên giấy cứng, ông sẽ dán những chiếc lông gà đã chọn theo đường phác thảo ấy lên trên tấm giấy trắng, sau đó dùng keo bôi vào lông gà và dán vào giấy. Chữ ký ở dưới mỗi bức tranh cũng được trang trí bằng lông gà.

Ông Đạt cho biết thêm: Một tạp chí của Pháp khi thực hiện chuyên trang về Hội An đã chọn tranh của ông làm ảnh bìa. Mỗi tác phẩm đều có cái độc đáo khác nhau, tôi không thể sáng tác bức thứ hai giống như bức thứ nhất, nên có một số tác phẩm tôi không bán, mặc dù đời nghệ nhân của tôi cũng không khá giả gì. Thời gian hoàn thành mỗi bức từ 1 đến 2 tuần lễ. Song, có bức phải mất hàng tháng trời mới hoàn thành. Hiện nay, mỗi bức tranh lông gà của ông được treo giá từ 300 đến 500 USD.

Bức “ Cầu Chùa”
Bức “ Cầu Chùa”

Những tác phẩm tranh lông gà của ông Đạt khiến người xem ngỡ ngàng do sự độc đáo của loại hình hội họa này đem lại. Hơn thế nữa, qua mỗi bức tranh lại toát lên một tình yêu quê hương, đất nước, con người rất nhẹ nhàng nhưng cũng không kém phần sâu lắng. Nhiều du khách ghé qua phòng tranh của ông và nhận định rằng: “Ông chính là người níu giữ hồn phố cổ bằng cách “vẽ” tranh quê hương bằng lông gà”.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.