Nông dân xã Công Hải canh tác bắp lai, cho thu nhập cao, bảo đảm cuộc sống gia đình no ấm, chung tay xây dựng địa phương đạt chuẩn nông thôn mớiNhộn nhịp sức sống mới
Giữa tháng 4/2025, khi cả nước hướng về Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi có dịp cùng ông Lê Thanh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy Thuận Bắc trở lại Du Long - vùng “lá chắn thép” năm xưa.
Vùng đất Du Long kéo dài hơn 15km dọc theo Quốc lộ 1A, từ Cây Da (xã Công Hải) đến Ba Tháp (xã Bắc Phong). Hệ thống thủy lợi hồ Sông Trâu với dung tích 31 triệu m³ nước, đưa vào sử dụng từ năm 2005, đã đảm bảo tưới ổn định cho hơn 3.000ha đất canh tác hạ nguồn. Những cánh đồng từng loang lổ hố bom nay xanh mướt lúa bắp, vườn cây trái trải dài ngút ngát. Vụ Đông Xuân 2024 - 2025, toàn huyện Thuận Bắc gieo trồng 3.599ha cây trồng các loại, trong đó có 2.862ha lúa, 210ha bắp lai, 301ha rau đậu. Sản lượng lương thực hằng năm đạt trên 50.000 tấn, vùng chủ động nước đạt giá trị sản xuất hơn 110 triệu đồng/ha/năm.
Những xóm làng từng mái tranh vách đất giờ rạng rỡ sắc ngói mới. Trường lớp khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập của con em các dân tộc. Tiêu biểu như Trường THPT Phan Bội Châu (xã Lợi Hải) có 33 cán bộ, giáo viên giảng dạy cho 500 học sinh, trong đó có 132 học sinh dân tộc Raglay và 113 học sinh dân tộc Chăm.
Đồng bào Raglay xã Công Hải chăm sóc lúa vụ Đông Xuân 2024 - 2025 chủ động tưới từ hệ thống thủy lợi hồ Sông TrâuKhu công nghiệp Du Long rộng hơn 400ha thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động. Trên các xã Bắc Phong, Lợi Hải, Công Hải, những cánh đồng điện gió mang đến diện mạo nông thôn mới hiện đại.
Ông Hồ Hoàn Kiếm, Phó Chủ tịch UBND xã Công Hải, chia sẻ: Hệ thống thủy lợi hồ Sông Trâu là cứu cánh cho sản xuất nông nghiệp địa phương. Nhờ nước tưới ổn định, bà con chuyển từ đất màu sang trồng cây có giá trị kinh tế cao. Xã Công Hải hiện có 2.253 hộ với hơn 9.100 nhân khẩu, trong đó đồng bào Raglay chiếm 70%, sống tập trung ở các thôn Xóm Đèn, Suối Vang, Suối Giếng, Kà Rôm, Ba Hồ. Nhờ chủ động sản xuất, đời sống nông dân ngày càng khấm khá; số hộ nghèo toàn xã chỉ còn 89 hộ, chiếm 3,95%. Với lợi thế đất rộng, gần cảng Cam Ranh, Công Hải đang thu hút đầu tư lâu dài, mở ra cơ hội chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, thương mại.
Hội Nông dân xã Công Hải vừa thành lập Câu lạc bộ Nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi với 10 thành viên, trong đó có hai nông dân Raglay tiêu biểu là ông Kapur Canh và Katơr Văn Quan (thôn Suối Vang). Họ cùng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ vốn liếng, giúp nhau làm ăn hiệu quả, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nhà máy nước Công Hải được Nhà nước đầu tư xây dựng, bảo đảm cung cấp nước sinh hoạt cho trên 9.000 người dân địa phươngNiềm vui của Người có uy tín
Rời xã địa đầu Công Hải, chúng tôi đến xã Lợi Hải - vùng đất bằng phẳng nằm giữa hai dãy núi Chúa (thôn Kiền Kiền) và núi Xanh (thôn Bà Râu). Đầu tháng 4/1975, liên đoàn 31 biệt động quân ngụy đóng quân dày đặc hai bên sườn núi và dọc Quốc lộ 1A, lập tuyến phòng thủ “lá chắn thép” bảo vệ Phan Rang. Tuy nhiên, chiến lược chốt chặn tại Du Long - nơi địa hình hiểm trở, từng được ví như “một người địch lại trăm người” đã nhanh chóng bị phá vỡ.
Ngồi dưới mái hiên nhà rợp bóng mát, Người có uy tín Kator Soanh (sinh năm 1950, thôn Bà Râu 1) hồi tưởng: “Các thôn Bà Râu, Kiền Kiền, Suối Đá từng là nơi lính biệt động ngụy đóng quân đông đảo. Sáng 15/4/1975, bộ đội ta từ hướng Công Hải tấn công dồn dập, giải phóng xã Lợi Hải, chọc thủng “lá chắn thép” Du Long. Sáng hôm sau, 9 giờ 30 phút ngày 16/4/1975, tỉnh lỵ Ninh Thuận hoàn toàn giải phóng. Quân ngụy tháo chạy hỗn loạn, vứt bỏ vũ khí, xe cộ như ong vỡ tổ. Bà con khi đó đang lánh bom trên núi, lần lượt trở về làng, thu dọn nhà cửa hoang tàn vì pháo, bom. Xóm làng Bà Râu, Kiền Kiền ngày ấy ngổn ngang đổ nát, nồng nặc mùi thuốc súng”.
Công trình hồ chứa nước Sông Trâu có dung tích 31 triệu m3 phục vụ nước sản xuất cho trên 3.000ha đất canh tác phía hạ nguồn thuộc huyện Thuận BắcSau ngày đất nước thống nhất, người dân Bà Râu được tự do lên nương rẫy cũ, dựng lại cuộc sống mới. Thôn Bà Râu 1 hiện có 686 hộ với hơn 3.400 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Raglay. Nhờ các công trình thủy lợi như hồ Sông Trâu, hồ Bà Râu, bà con đảm bảo sản xuất hai vụ ăn chắc mỗi năm. Áp dụng mô hình “1 phải, 5 giảm” vào canh tác lúa, năng suất đạt trên 60 tạ/ha. Người dân còn kết hợp chăn nuôi bò, trồng điều, hoa màu, nâng cao thu nhập; tỷ lệ hộ nghèo toàn thôn chỉ còn 1,86% (13 hộ).
Niềm vui lớn hơn cả là thế hệ trẻ Raglay nay đã có nhiều người học hành thành đạt, quay về phục vụ quê hương: bác sĩ Chamaléa Vền công tác tại Trung tâm Y tế huyện Thuận Bắc; cô Chamaleá Thị Dung là giáo viên Trường THPT Phan Bội Châu; chị Katơr Thị Quanh giữ chức Phó Chủ tịch HĐND xã Lợi Hải.
Địa phương hiện đang xây dựng mới nhà ở cho 3 hộ nghèo và sửa chữa nhà cho 1 hộ, phấn đấu đến cuối tháng 6/2025 sẽ không còn nhà tạm, nhà dột nát ở Bà Râu 1 - một dấu ấn ý nghĩa, thiết thực chào mừng 50 năm chiến thắng “lá chắn thép” Du Long.
Hệ thống giao thông và nhà ở người dân xã Công Hải được xây dựng khang trang sau 50 năm giải phóng quê hươngĐịnh hướng phát triển
Chia sẻ về thành quả và định hướng tương lai, bà Vũ Thị Thùy Trang, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thuận Bắc, bày tỏ niềm vui: “Nhờ các chính sách đầu tư của Nhà nước cùng tinh thần vượt khó của bà con nông dân, đời sống người dân vùng “lá chắn thép” Du Long nói riêng và toàn huyện nói chung ngày càng khởi sắc”.
Hiện nay, hệ thống điện, đường, trường, trạm và nước sạch đã được phủ kín các khu dân cư, phục vụ tốt nhu cầu sinh hoạt của khoảng 48.000 người dân, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 68%. Toàn huyện có 8 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất 857MW đã hòa lưới điện quốc gia. Bên cạnh đó, các dự án du lịch tiêu biểu như Natural Paradise Ninh Thuận, Núi Chúa Village, du lịch Bình Tiên… đi vào hoạt động, giúp doanh thu du lịch đạt khoảng 60 tỷ đồng mỗi năm.
Giáo viên Trường THPT Phan Bội Châu tận tâm chăm lo giảng dạy cho học sinh các dân tộc huyện Thuận BắcThu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đến cuối năm 2024 đạt 56 triệu đồng/năm, tăng gấp 1,8 lần so với năm 2020. Trong giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm 29,6%, bình quân giảm trên 5%/năm; hiện đã có 3/6 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Trong thời gian tới, Thuận Bắc sẽ tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển toàn diện kinh tế đô thị, công nghiệp, năng lượng tái tạo, dịch vụ và du lịch. Huyện tập trung quản lý hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; đồng thời bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hiệu quả điều hành chính quyền, giữ vững an ninh – quốc phòng.
Với quyết tâm và sự đồng lòng, Thuận Bắc đang từng bước vươn mình mạnh mẽ, chăm lo toàn diện cho đồng bào các dân tộc, sẵn sàng bước vào một kỷ nguyên phát triển mới - kỷ nguyên của sự phồn vinh và hội nhập.
Nông dân xã Lợi Hải chăn thả đàn cừu trên đồng cỏ tự nhiên xanh mướt, tháng 4 /1975, nơi này là “lá chắn thép” Du Long
Khu công nghiệp Du Long tạo việc làm cho hàng ngàn lao động tỉnh Ninh Thuận