Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Hàm Thuận Bắc (Bình Thuận): Dạy và học tiếng Chăm, một cách bảo tồn văn hoá dân tộc hiệu quả

Hà Thanh Tú - 14:29, 11/11/2024

Dạy và học tiếng DTTS là một chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước ta. Việc thực hiện nhiệm vụ này trong mấy chục năm qua đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của các DTTS, giúp các thế hệ con em đồng bào tăng cường ý thức dân tộc, tạo niềm tự hào, tự tin để hòa nhập trong sự nghiệp xây dựng đất nước. Việc dạy và học tiếng DTTS ở huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận cũng không nằm ngoài những đánh giá trên.

Học sinh lớp 5 Trường Tiểu học học Lâm Giang tiếng Chăm
Học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Lâm Giang học tiếng Chăm

Năm học 2024 - 2025, toàn huyện Hàm Thuận Bắc có 3 trường trong số 31 trường tiểu học dạy tiếng Chăm cho học sinh là con em đồng bào Chăm. Đó là Trường Tiểu học Hàm Phú 1, Trường Tiểu học Lâm Giang và Trường Tiểu học Lâm Hưng với 527 học sinh, gồm 23 lớp. Cả 3 trường tiểu học nói trên đều nằm gần khu dân cư người Chăm, thuận tiện cho việc đi học của các em nhỏ.

Ông Dương Văn Đông, Trưởng phòng Giáo dục huyện Hàm Thuận Bắc cho biết, xác định dạy tiếng Chăm cho học sinh dân tộc Chăm là một cách bảo tồn văn hoá truyền thống của dân tộc, do đó cấp uỷ, chính quyền và ngành Giáo dục luôn bảo đảm thực hiện tốt các chế độ, chính sách dành cho học sinh DTTS. Bảo đảm việc dạy tiếng Chăm ở cấp tiểu học hướng tới mục đích giúp học sinh có ý thức giữ gìn và phát huy di sản văn hóa, hướng tới nguồn cội, dân tộc. Từ chương trình học tiếng DTTS giúp học sinh đạt 4 kĩ năng: nghe, nói, đọc, viết cấu trúc ngữ pháp tiếng dân tộc mình ở mức cơ bản.

So với năm học trước, số lớp và số học sinh học tiếng Chăm năm học này đều tăng cao hơn. Phòng Giáo dục huyện cũng đã phân công nhiệm vụ cho 10 giáo viên có năng lực chuyên môn tốt tham gia các lớp bồi dưỡng dạy tiếng Chăm để truyền dạy tiếng Chăm cho học sinh tiểu học. Từ năm học 2022-2023 đến nay, việc đầu tư, mua sắm thiết bị dạy tiếng Chăm được các trường tiểu học quan tâm, kiểm tra, rà soát để bổ sung. Tuy nhiên, một số thiết bị vẫn còn thiếu do trên thị trường chưa có.

Một tiết dạy chữ Chăm tại Trương Tiểu học Lâm Giang
Một tiết dạy chữ Chăm tại Trương Tiểu học Lâm Giang

Để khắc phục tình trạng thiếu thiếu thiết bị học tập và thiếu sách giáo khoa tiếng Chăm theo Chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018, giáo viên tiếng Chăm của 3 trường tiểu học ở Hàm Thuận Bắc đã chủ động sao chép sách giáo khoa tiếng Chăm các năm trước và soạn lại giáo án để dạy theo chương trình mới cho học sinh. Các thầy cô còn tự chế các đồ dùng dạy học như: làm thẻ âm, vần; mua bảng phụ, tranh ảnh… để thay thế phần nào đồ dùng dạy học tiếng Chăm cho các em học tập.

Để tìm hiểu cụ thể hơn về việc dạy và học tiếng Chăm tại huyện Hàm Thuận Bắc, chúng tôi tới thăm Trường Tiểu học Lâm Giang (thôn Lâm Giang, xã Hàm Trí). Cô Nguyễn Thị Thu Vân, Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho hay, Trường Tiểu học Lâm Giang có 10 lớp, 279 học sinh, trong đó 261 học sinh dân tộc Chăm. Năm học 2024 - 2025, trường bố trí 4 giáo viên đã qua bồi dưỡng, dạy tiếng Chăm cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 (theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018), theo đó mỗi lớp học 2 tiết/tuần.

Ngay từ đầu năm học này, giáo viên chủ nhiệm các khối lớp đã phân loại học sinh, xác định năng lực học tiếng Chăm, hoàn cảnh gia đình… , từ đó có phương pháp giáo dục phù hợp. Bên cạnh đó, giáo viên cũng lập kế hoạch phụ đạo học sinh học yếu từng kĩ năng, giúp các em đạt yêu cầu cơ bản về kiến thức, kĩ năng môn học. Giáo viên dạy tiếng Chăm còn phối hợp với các phụ huynh biết viết tiếng Chăm để nhờ giúp đỡ, rèn luyện con em họ tại nhà, trau dồi cách nói, cách viết.

Các em học sinh dân tộc Chăm cùng học chữ Chăm
Các em học sinh dân tộc Chăm đang học chữ Chăm

Từ cách làm trên, tỷ lệ học sinh chuyên cần môn tiếng Chăm luôn ở mức cao, chất lượng học tiếng Chăm của học sinh không ngừng nâng lên. Trường không có học sinh yếu kém môn tiếng Chăm; 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học; học sinh xuất sắc đạt từ 17% - 20%; học sinh vượt trội, tiêu biểu đạt từ 27% - 29%. Tất cả học sinh học tiếng Chăm đều đạt kết quả hoàn thành trở lên.

Với chương trình ngoại khoá nhân dịp Lễ hội Katê, học sinh của trường tham gia viết tiếng Chăm đạt thành tích cao. Ngoài ý nghĩa bảo tồn ngôn ngữ Chăm, việc dạy và học tiếng Chăm còn bổ trợ cho môn tiếng Việt. “Các em khối lớp 4 , lớp 5 của trường bây giờ có thể dễ dàng viết một đoạn văn ngắn bằng chữ Chăm. Đây là một sự nỗ lực rất đáng mừng của nhà trường khi triển khai dạy tiếng Chăm cho học sinh con em đồng bào Chăm tại địa phương”, cô Thu Vân phấn khởi nói.

Tin cùng chuyên mục
Thầy giáo người Tày với sáng kiến “gieo chữ” nơi vùng cao Lục Ngạn

Thầy giáo người Tày với sáng kiến “gieo chữ” nơi vùng cao Lục Ngạn

Là người con dân tộc Tày, đến nay thầy giáo Vi Văn Hà đã có 16 năm cống hiến cho giáo dục vùng cao, vùng đồng bào DTTS huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang. Thầy Hà chia sẻ, nhìn những học trò nghèo vượt khó bám trường, bám lớp, mình càng cảm thấy cần phải trách nhiệm học hỏi, trau rồi kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng để truyền dạy, lan tỏa sự ham học cho những em nhỏ nơi đây...