Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Đổi thay ở Hin Đăm

PV - 18:20, 29/08/2021

Thôn Hin Đăm, xã Kiên Mộc, trước đây là một trong những thôn đặc biệt khó khăn của huyện Đình Lập. Nhờ đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng đã góp phần thay đổi bộ mặt của thôn.

Người dân thôn Hin Đăm khai thác nhựa thông
Người dân thôn Hin Đăm khai thác nhựa thông

Đến thăm thôn Hin Đăm trong một ngày mưa gió cuối tháng 8/2021, chúng tôi có dịp được nghe ông Phún Sinh Thuận, trưởng thôn Hin Đăm kể về những ngày tháng gian khổ mà bản thân ông và người dân Hin Đăm đã trải qua.

Ông Phún Sinh Thuận cho biết, thôn Hin Đăm có 54 hộ, 100% dân cư là người Dao, là một trong những thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Đình Lập. Từ năm 2013 trở về trước, 100% hộ dân đều là hộ nghèo, kinh tế chủ đạo là nông nghiệp trồng lúa và trồng ngô nương. Nhưng do hạn chế về kỹ thuật và thiếu vật tư nông nghiệp nên tình trạng mất mùa thường xuyên xảy ra, người dân phải đối mặt với nạn đói.

"Trước đây, chúng tôi phải khai thác sản vật rừng ra chợ huyện bán lấy tiền mua gạo. Quãng đường di chuyển từ thôn đến thị trấn dài 9 km phải đi bộ mất hơn 2 giờ. Do kinh tế kém phát triển nên trẻ em thường chỉ học hết lớp 5 là ở nhà phụ giúp bố mẹ. Những đứa trẻ chưa tới 12 tuổi đã phải mưu sinh", ông Thuận nhớ lại.

Nhưng quá khứ đó đã lùi xa, thôn Hin Đăm hiện nay mang bộ mặt nông thôn mới với đường bê tông rộng mở, điểm trường khang trang và những nhà xây kiên cố mọc lên khắp nơi. Được biết, bước ngoặt đến với thôn Hin Đăm là khi những cây thông từ Chương trình 135 đến tuổi khai thác. Năm 2003, mỗi hộ gia đình được hỗ trợ trồng 1.000 cây thông, sau 10 năm, cây đã có thể chích nhựa đem lại thu nhập ổn định cho người dân.

Nhận thấy trồng rừng là con đường thoát nghèo, Chi bộ thôn Hin Đăm đã tích cực tuyên truyền người dân trong thôn tập trung mở rộng diện tích rừng. Cùng với đó, vận động người dân giảm thiểu diện tích đất trống, đồi trọc do nạn phá rừng làm nương rẫy. Mỗi năm, thôn có trên 10 ha rừng được trồng mới, đến nay, toàn thôn đã trồng trên 200 ha rừng thông, keo; mỗi hộ dân đều có 2 - 10 ha rừng thông và keo, đem lại thu nhập 20 - 100 triệu đồng/năm.

Chỉ sau 7 năm, từ một thôn nghèo đói, Hin Đăm đã vươn mình trở thành thôn người Dao có mức sống khá ở huyện Đình Lập. Nếu như năm 2013, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 7 triệu đồng thì đến năm 2020 đã tăng lên đạt 36 triệu đồng; tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 100% (năm 2013) xuống còn 20,3% (năm 2020); tỉ lệ hộ dân có nhà ở kiên cố đạt trên 70%; hộ có xe máy đạt trên 90% và một số hộ đã vươn lên khá giả, mua được ô tô.

Đến nay, toàn thôn đã trồng trên 200 ha rừng thông, keo
Đến nay, toàn thôn đã trồng trên 200 ha rừng thông, keo

Ông Kim Hẻn, thôn Hin Đăm cho biết: Từ khi rừng thông được khai thác, đời sống gia đình đã khá hơn, nghe theo tuyên truyền của cán bộ xã, trưởng thôn, gia đình tôi tích cực mở rộng trồng rừng. Đến nay, nhà tôi đã có 30 ha rừng thông, keo đến tuổi khai thác đem lại thu nhập trên 300 triệu đồng/năm, gia đình mua được máy xúc, ô tô con, xe tải.

Khi kinh tế phát triển, người dân thôn Hin Đăm quan tâm đầu tư cho con trẻ ăn học. Hiện nay, tỷ lệ học sinh được học hết bậc giáo dục THCS là 100%, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT đạt trên 40%. Nhiều em được theo đuổi ước mơ học trường nghề, cao đẳng và đại học.

Bà Nông Thị Ngọc, Chủ tịch UBND xã Kiên Mộc cho biết: "Trong 4 thôn người Dao trên địa bàn xã, Hin Đăm là thôn có bước phát triển về kinh tế mạnh mẽ nhất. Trong thời gian tới, xã tiếp tục định hướng người dân phát triển kinh tế đồi rừng, cùng với đó là giữ vững tinh thần xây dựng nông thôn mới để xã Kiên Mộc tiếp tục thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao".

Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, nỗ lực thoát nghèo và định hướng phát triển kinh tế đúng đắn của người dân, thôn Hin Đăm đã chấm dứt tình trạng nghèo đói, lạc hậu, đời sống Nhân dân được cải thiện đáng kể là điểm sáng để các thôn người Dao ở huyện Đình Lập học tập./.

Tin cùng chuyên mục
Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Diện tích rừng và đất lâm nghiệp ở huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) rất lớn, đây được xem là tiềm năng, lợi thế để người dân sống nhờ rừng thêm cơ hội và điều kiện để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng. Việc khai thác tốt tiềm năng, lợi thế cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là chính sách hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), có ý nghĩa quan trọng, để người dân có thêm điều kiện phát huy giá trị kinh tế ổn định cuộc sống và phát triển bền vững từ rừng.