Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Đơn vị cung ứng giống cây dược liệu không thực hiện cam kết, nhiều hộ DTTS rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”

Phạm Tiến - 15:49, 02/04/2025

Từ năm 2024 đến nay, nhiều hộ đồng bào DTTS tham gia Dự án trồng cây dược liệu quý (trồng cây gấc) ở huyện A Lưới , TP. Huế rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Đất trồng cây gấc đã san ủi, hố trồng cây gấc đã đào, thế nhưng đơn vị tham gia liên kết sản xuất là Công ty La San lại chưa giao cây giống, vật tư trồng gấc như cam kết.

Đến nay, nhiều hộ DTTS ở xã Quảng Nhâm đã chẩn bị được hơn 20ha đất, thế nhưng Công ty La San chưa giao cây giống và vật liệu để đồng bào trồng gấc
Đến nay, nhiều hộ DTTS ở xã Quảng Nhâm đã chuẩn bị được hơn 20ha đất, thế nhưng Công ty La San chưa giao cây giống và vật liệu để đồng bào trồng gấc

Dự án hỗ trợ phát triển vùng trồng cây dược liệu quý (cây gấc) tại huyện A Lưới, TP. Huế là Dự án thuộc Nội dung số 2, Tiểu dự án 1, Dự án 3 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719).

Theo đó, năm 2023, Công ty La San ký hợp đồng liên kết sản xuất với Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Quảng Nhâm về trồng và tiêu thụ cây dược liệu quý để thực hiện Dự án. Theo đó, Công ty La San cam kết sẽ cung ứng kỹ thuật, giống cây và phân bón trong quá trình trồng và mở rộng diện tích vùng trồng cây gấc. Đồng thời, phía Công ty La San chịu trách nhiệm thường xuyên theo dõi kỹ thuật và thu mua sản phẩm cây dược liệu (cây gấc) của HTX.

Sau khi hợp đồng liên kết sản xuất cây dược liệu được ký kết, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Quảng Nhâm do ông Nguyễn Hải Teo làm Giám đốc, được chọn để xây dựng mô hình mẫu trồng cây gấc với diện tích là 3ha. Tháng 8/2024, HTX đã được Công ty La San bàn giao cây và trồng gấc trước sự chứng kiến của lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện A Lưới và các hộ dân tham gia Dự án.

Khi đã triển khai trồng cây gấc ở mô hình mẫu xong, HTX Dịch vụ Nông nghiệp Quảng Nhâm tiến hành vận động nhiều hộ đồng bào ở xã Quảng Nhâm đã san đồi, ủi đất để mở rộng diện tích trồng gấc theo Dự án. Đến nay, toàn xã Quảng Nhâm đã san ủi, chuẩn bị được hơn 20ha đất trồng gấc, trong đó có khoảng 10ha đất được chuẩn bị công phu theo kiểu ruộng bậc thang. Thế nhưng, đến nay nhiều hộ DTTS tham gia Dự án trồng gấc ở A Lưới lại đang rơi vào thế “tiến thoái lưỡng nan”, vì Công ty La San không cấp cây giống và vật tư trồng cây gấc theo cam kết.

Ông Lê Hồng (thôn Pất Đuh, xã Quảng Nhâm) cho biết: Từ năm 2024, được HTX vận động trồng cây dược liệu quý. Gia đình đã bỏ chi phí 20 triệu đồng để san ủi đất vườn nhà với diện tích 1,5ha để chuẩn bị trồng gấc. Thế nhưng, từ đó đến nay không thấy Công ty hỗ trợ cây giống cùng các vật tư, phân bón để trồng cây(!).

Trở lại mô hình mẫu trồng gấc ở HTX Dịch vụ Nông Nghiệp Quảng Nhâm; sau khoảng 3 tháng trồng, cây gấc phát triển nhanh cao tới 2m với tỷ lệ sống lên đến 99%. Tuy nhiên, đến thời điểm cây phát triển cao lớn, nhưng Công ty La San không cung ứng các vật tư như cột, dây….để làm giàn gấc theo đúng mô hình. Dù đã đến mùa vụ cho quả nhưng do không có các vật tư hỗ trợ, dẫn đến cây èo uột và bị chết hàng loạt.

Ông Nguyễn Hải Teo (bên trái)- Giám đốc HTX Dịch vụ Nông Nghiệp Quảng Nhâm đã đầu tư 100 triệu đồng để trồng gấc mô hình mẫu, thế nhưng do không được cấp vật tư nên giờ đây cây gấc đã gần như chết trắng
Ông Nguyễn Hải Teo (bên trái)- Giám đốc HTX Dịch vụ Nông Nghiệp Quảng Nhâm đã đầu tư 100 triệu đồng để trồng gấc mô hình mẫu, thế nhưng do không được cấp vật tư nên giờ đây cây gấc đã gần như chết trắng

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Hải Teo, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Quảng Nhâm cho biết: “Khi bắt tay vào liên kết sản xuất cây dược liệu, Công ty cam kết, 1ha cây gấc cho thu hoạch khoảng 15 tấn với giá trị khoảng 150 triệu đồng. Với cây trồng lãi cao như vậy, cũng như cam kết của Công ty, gia đình chúng tôi đã phá bỏ vườn chuối, vay mượn và bỏ ra nguồn vốn hơn 100 triệu đồng để làm đất. Quá trình thiếu trụ và dây làm giàn, tôi đã nhiều lần liên hệ với phía đại diện Chi nhánh Công ty La San nhưng đều được hứa là đợi một thời gian nữa. Do Công ty không làm đúng thỏa thuận nên đến nay, cây gấc gần như chết trắng, thiệt hại quá lớn đối với gia đình chúng tôi(!)".

Không chỉ có ông Hồng, anh Teo, mà ở xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới (TP. Huế) đã đầu tư tiền, công sức để san ủi đất, đào hố…trồng gấc. Thậm chí có nhiều hộ còn phá bỏ một số cây trồng khác để dành đất tham gia Dự án. Thế nhưng đến giờ này, nhiều hộ đồng bào DTTS ở Quảng Nhâm rơi vào thế khó là nếu bỏ Dự án thì phí công sức và tiền của đã đầu tư, còn nếu tiếp tục tham gia Dự án thì chưa biết còn phải chờ đến lúc nào mới có cây giống, vật tư để trồng gấc(!).

Theo tìm hiểu của phóng viên được biết, vào tháng 2/2025, UBND huyện A Lưới đã có văn bản gửi Công ty La San. Văn bản nêu rõ, Sở NN&PTNT đã có quyết định về việc ban hành hướng dẫn kỹ thuật tạm thời trồng gấc. Để kịp tiến độ thực hiện dự án, UBND huyện đề nghị Công ty La San hoàn thiện hồ sơ dự án chi tiết để huyện phê duyệt; rà soát đối tượng, quy mô diện tích, địa điểm đất trồng cây gấc tại 3 xã A Roàng, Quảng Nhâm và Hồng Bắc; báo cáo huyện bằng văn bản. 

Hi vọng trước sự quyết tâm của UBND huyện A Lưới, Công ty La San sẽ thực hiện đúng cam kết. Dự án hỗ trợ phát triển vùng trồng cây dược liệu quý tại huyện A Lưới, TP. Huế sẽ sớm được triển khai thực hiện để các hộ DTTS tham gia Dự án thoát khỏi cảnh “tiến thoái lưỡng nan” như hiện nay. 

Tin cùng chuyên mục
Các địa phương chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào DTTS

Các địa phương chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào DTTS

Những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho đồng bào DTTS đã và đang được các địa phương chú trọng, tăng cường. Công tác tuyên truyền PBGDPL cũng được thực hiện sáng tạo, phù hợp với đặc điểm, tình hình vùng đồng bào DTTS và miền núi, từ đó nâng cao nhận thức pháp luật trong đồng bào DTTS, góp phần ổn định an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo ở cơ sở.