Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Vốn hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình 1719 ở Văn Quan: Tiếp sức cho người dân vùng khó

Ngọc Hân - 11:04, 08/11/2024

Sau 3 năm triển khai thực hiện Tiểu dự án 2 về Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi thuộc Dự án 3 - Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Văn Quan (Lạng Sơn) đã được hỗ trợ nguồn lực để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Người dân xã An Sơn, huyện Văn Quan phát triển kinh tế từ trồng rau màu.
Người dân xã An Sơn, huyện Văn Quan phát triển kinh tế từ trồng rau màu

Văn Quan là một trong những huyện nghèo của tỉnh Lạng Sơn. Trong những năm qua, các cấp, các ngành đã triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân nói chung, trong đó có các hộ nghèo, hộ cận nghèo xây dựng các mô hình phát triển sản xuất phù hợp, hiệu quả, từ đó giúp đồng bào DTTS từng bước vươn lên phát triển kinh tế. Đáng chú ý, nội dung hỗ trợ sản xuất thuộc Tiểu dự án 2 - Dự án 3 thuộc Chương trình MTQG 1719 bước đầu đem lại những hiệu quả thiết thực cho người dân.

Ông Nông Văn Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Quan cho biết: Căn cứ các văn bản của cấp trên về thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, các phòng, ban chuyên môn đã phối hợp với đơn vị liên quan tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn để tổ chức triển khai chương trình, dự án đúng quy định, hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp của huyện.

Cùng với đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu các quyết định phê duyệt các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc 3 chương trình mục tiêu quốc gia; ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc UBND các xã, thị trấn tổ chức triển khai, thực hiện theo quy định.

Cùng với sự chủ động từ phòng chuyên môn của huyện, UBND các xã, thị trấn cũng nhanh chóng bắt tay vào triển khai thực hiện các bước để triển khai các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Bà Hoàng Thị Hiếu, Chủ tịch UBND xã Điềm He cho biết: Năm 2023, xã được phân bổ nguồn vốn để triển khai Tiểu dự án 2 - Dự án 3 thuộc Chương trình MTQG 1719. 

Để phát huy hiệu quả nguồn vốn, UBND xã đã phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, đánh giá, lựa chọn mô hình sản xuất phù hợp, có tiềm năng phát triển cũng như nhân rộng. Qua rà soát, xã đã lựa chọn mô hình trồng hồng vành khuyên và nhanh chóng triển khai các bước thực hiện Dự án.

Người dân xã Điềm He thu hoạch hồng vành khuyên
Người dân xã Điềm He thu hoạch hồng vành khuyên

Theo đó, Dự án được triển khai năm 2023, tổng mức đầu tư trên 700 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 430 triệu đồng để mua cây giống, phân bón... còn lại là nguồn vốn Nhân dân đối ứng. Dự án được triển khai trên địa bàn 5 thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn xã gồm: Nà Bung, Bản Lải, Thống Nhất, Nà Súng, Khun Pàu; tổng diện tích là 13,26ha với 26 hộ dân tham gia, trong đó có 1 hộ nghèo, 25 hộ cận nghèo. Qua 1 năm thực hiện, đến nay, nhiều diện tích hồng sinh trưởng và phát triển tốt. Đây là tiền đề quan trọng để những năm tiếp theo người dân có thể thu hoạch, tăng thêm thu nhập.

Tương tự, như tại xã Tri Lễ, năm 2023, từ nguồn vốn thuộc Tiểu dự án 2-Dự án 3, xã đã hỗ trợ để người dân triển khai Dự án chăn nuôi gà với kinh phí phân bổ 500 triệu đồng. Dự án có sự tham gia của 38 hộ dân, trong đó có 16 hộ nghèo và 22 hộ cận nghèo. Tham gia Dự án, người dân được hỗ trợ kinh phí để đầu tư mô hình nuôi gà. Sau một thời gian triển khai thực hiện, mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người dân.

Ông Triệu Văn Giao, thôn Lũng Phúc, xã Tri Lễ (hộ tham gia Dự án) cho biết: Gia đình tôi thuộc diện hộ cận nghèo. Khi tham gia vào Dự án, gia đình tôi cùng các hộ dân khác được hỗ trợ mỗi hộ hơn 100 con gà giống cùng thức ăn chăn nuôi. Sau khoảng 6 tháng, đàn gà đã phát triển, mỗi con nặng gần 2 kg/con, được xuất bán với giá 70.000 đồng/kg. Có thêm thu nhập từ đàn gà, gia đình tôi mở rộng sản xuất, mua sắm thêm tiện nghi. Gia đình phấn đấu hết năm 2024 sẽ thoát khỏi hộ cận nghèo, vươn lên hộ khá.

Cùng với 2 xã Điềm He và Tri Lễ, từ năm 2022 đến nay, từ nguồn vốn thuộc Tiểu dự án 2 - Dự án 3 Chương trình MTQG 1719, huyện Văn Quan đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã nhanh chóng triển khai dự án hỗ trợ phát triển sản xuất để hỗ trợ người dân vươn lên phát triển kinh tế. 

Cụ thể, giai đoạn 2022-2024, tổng nguồn vốn phân bổ để thực hiện Tiểu dự án 2 - Dự án 3 trên địa bàn huyện Văn Quan gần 20 tỷ đồng. Trong đó, năm 2022 được phân bổ hơn 3,5 tỷ đồng để thực hiện 15 dự án; năm 2023 được phân bổ gần 10 tỷ đồng để thực hiện 25 dự án; năm 2024 được phân bổ gần 6,5 tỷ đồng để thực hiện 13 dự án. Các dự án được triển khai đúng đối tượng với 1.692 hộ tham gia, trong đó có 615 hộ nghèo, 1.077 hộ cận nghèo.

Người dân thị trấn Văn Quan chăm sóc cây hồi.
Người dân thị trấn Văn Quan chăm sóc cây hồi

Các dự án cơ bản phát huy hiệu quả, tạo thêm nguồn lực, sinh kế để các hộ dân vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống và từng bước vươn lên thoát nghèo. Giai đoạn 2021-2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm bình quân 5,77%/năm và hết năm 2024, huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 3,91%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai Tiểu dự án 2 - Dự án 3 trên địa bàn huyện Văn Quan vẫn còn một số vướng mắc. Trong đó, một số dự án bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh, thiếu đối tượng thực hiện... Trước những khó khăn đó, hiện nay, UBND huyện Văn Quan tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tiếp tục rà soát, tập trung khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án để hỗ trợ người dân nhanh chóng, hiệu quả.

Việc triển khai Tiểu dự án 2 - Dự án 3 có ý nghĩa quan trọng với người dân vùng đặc biệt khó khăn. Với những kết qủa đã đạt được và sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp, ngành liên quan, tin tưởng rằng thời gian tới, việc triển khai hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình trên sẽ tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. 

Qua đó, góp phần quan trọng vào việc giúp người dân vùng khó nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, đồng thời trực tiếp góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình MTQG 1719 mà huyện Văn Quan đã đề ra trong giai đoạn 2021-2025.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Người có uy tín khẳng định vai trò kết nối tình đoàn kết, xây dưng bản làng

Thanh Hóa: Người có uy tín khẳng định vai trò kết nối tình đoàn kết, xây dưng bản làng

Thanh Hóa hiện có 1.281 Người có uy tín trong đồng bào DTTS sinh sống tại các huyện miền núi. Những năm qua, Người có uy tín khẳng định vai trò kết nối tình đoàn kết, trách nhiêm đối với cộng đồng và xã hội, tích cực tham gia xây dựng củng cố hệ thống chính trị, đi đầu trong các phong trào xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới (NTM), bảo đảm an ninh trật tự tại các khu dân cư, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội vùng DTTS.