Theo Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), dự báo trong tuần tới (ngày 10 đến 16/2), xâm nhập mặn ở ĐBSCL có xu hướng tăng. Dự báo, chiều sâu ranh mặn 4‰ lớn nhất trên các cửa sông Cửu Long khoảng 38 - 53 km, trên sông Vàm Cỏ từ 45 - 60 km, trên sông Cái Lớn khoảng 45 - 47 km.
Hiện tại, xâm nhập mặn đã bắt đầu ảnh hưởng đến khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi cách biển từ 45 - 50 km vào các kỳ triều cường. Đối với xâm nhập mặn trong tháng 2, Cục Thủy lợi đánh giá chiều sâu ranh mặn 4‰ lớn nhất ở vùng các cửa sông Cửu Long có khả năng xâm nhập từ 45 - 60 km. So với năm 2024 cao hơn từ 1 - 3 km, so với năm 2020 thấp hơn từ 6 - 13 km và so với năm 2016 thấp hơn từ 3 - 5 km.
Xâm nhập mặn ở các cửa sông Cửu Long ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi cách biển 45 - 50 km trong các kỳ triều cường.
Hạn mặn mùa khô 2024 - 2025 tại ĐBSCL được dự báo cao hơn trung bình. (Ảnh: KT)Ông Phùng Tiến Dũng - Trưởng phòng Dự báo thủy văn Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết: Từ nay đến hết mùa khô, các đợt xâm nhập mặn tăng cao ở cửa sông Cửu Long khả năng tập trung trong tháng 2 và 3/2025 (các đợt từ ngày 10 đến 16/2 và 27/2 đến 4/3); các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3 và 4/2025 (các đợt từ ngày 10 đến 15/3, 29/3 đến 2/4 và 27/4 đến 1/5).
"Xâm nhập mặn tại ĐBSCL trong mùa khô năm 2024 - 2025 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm nhưng không gay gắt như mùa khô năm 2015 - 2016 và năm 2019 - 2020", ông Dũng nói.
Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, dòng chảy sông Mê Kông về ĐBSCL phụ thuộc khá lớn vào vận hành thủy điện ở thượng nguồn. Việc vận hành hợp lý dung tích của các hồ thượng nguồn sẽ góp phần giảm xâm nhập mặn mùa khô, ngược lại có thể gây ra các tác động bất lợi hơn so với dự báo.
Viện Khoa học thủy lợi miền Nam dự báo, khu vực ĐBSCL mặn lên cao và kéo dài ở nửa đầu tháng 2 và dịp cuối tháng (theo các đợt triều cường), ranh mặn 4g/l có thể vào sâu 45 - 55 km, các địa phương vùng ven biển ĐBSCL cần tranh thủ tích ngọt bảo đảm đủ nước cho sản xuất.
Dòng chảy bình quân về ĐBSCL thấp hơn trung bình nhiều năm, các địa phương vùng giữa ĐBSCL cần vận hành hợp lý các công trình kiểm soát mặn và tích nước, khi lấy nước ngọt hoặc tưới cho cây trồng cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn, đặc biệt với cây ăn trái, tranh thủ lấy nước ngay khi có thể các dịp từ ngày 5 - 8/2 và từ 16 - 20/2.
Với vùng ven biển ĐBSCL, xâm nhập mặn bất thường có thể làm ảnh hưởng đến nguồn nước và sản xuất ở các hệ thống thủy lợi ven biển. Do vậy, các địa phương cần chuẩn bị phương án ứng phó và tích trữ, sử dụng nước hợp lý, đặc biệt nước cho các vùng cây ăn trái.
Tác động của phát triển thủy điện trên lưu vực sông Mê Kông đã và đang làm thay đổi rất lớn đến nguồn nước mùa kiệt, có những bất lợi do thay đổi dòng chảy trái quy luật, mặn đến sớm và thay đổi bất thường.
Viện Khoa học thủy lợi miền Nam dự báo, xâm nhập mặn mùa khô 2024 - 2025 cao hơn trung bình, kế hoạch sản xuất của các địa phương cần né thời kỳ mặn cao nhất ở giai đoạn cuối tháng 2 đến tháng 4 (với ranh mặn 4g/l vào sâu từ 45 - 60 km), tích nước hợp lý để bảo đảm nguồn nước cho sản xuất.