Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Đồng bằng sông Cửu Long: Tìm giải pháp phục hồi ngành cá tra

Song Vy - 10:11, 26/05/2020

Hạn mặn kỷ lục cùng với đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại “kép” cho ngành hàng cá tra. Mới đây, tại An Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức hội nghị bàn các giải pháp nuôi trồng và tiêu thụ cá tra hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp.

Ao nuôi cá tra nguyên liệu thuộc Công ty CP chế biến thuỷ sản Cần Thơ – Hà Nội.
Ao nuôi cá tra nguyên liệu thuộc Công ty CP chế biến thuỷ sản Cần Thơ – Hà Nội.

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, Việt Nam tự hào đã thuần hóa cá tra để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hiện đã xuất khẩu đi 119 nước. Tuy nhiên, chuỗi giá trị đồng bộ từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm với sự tham gia của doanh nghiệp và người nông dân chưa chặt chẽ; giống là khâu quan trọng nhưng lại chưa đáp ứng yêu cầu; tổ chức thị trường còn nhiều lỗ hổng; chưa khai phá hết tiềm năng, lợi thế của thị trường xuất khẩu rộng lớn.

Vì thế, khi xảy ra sự cố, ngành hàng cá tra chịu thiệt hại rất nặng nề. Minh chứng thiệt hại rõ nhất của ngành vừa xảy ra, đó là từ tác động “kép” của hạn mặn và đại dịch Covid-19 đầu năm 2020.

Số liệu của Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho thấy, đầu năm 2020, diện tích nuôi mới cá tra cả nước là 777ha, giảm 5,7% so với cùng kỳ năm 2019; diện tích thu hoạch là 602ha, giảm 20,8% so với cùng kỳ năm 2019; sản lượng đạt gần 180 nghìn tấn, giảm 23,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Các tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại các quốc gia như Trung Quốc, Hoa Kỳ, một số quốc gia thuộc cộng đồng châu Âu, Hàn Quốc. Đây là những thị trường lớn và trọng điểm của xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2020 đến các thị trường chủ lực đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019, Trung Quốc giảm 48%, sang EU giảm 47,3%, sang Mỹ giảm 19,8%... Chuỗi ngành hàng cá tra từ hộ nuôi đến doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, ngành phụ trợ như thuốc thủy sản, thức ăn... cũng đều bị ảnh hưởng.

Ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, Trung Quốc hiện đã kiểm soát được dịch và hoạt động giao thương đang bắt đầu hồi phục. Hơn nữa, hàng tồn kho ở một số quốc gia nhập khẩu chính hiện ở mức thấp. Dự báo, khả năng ngành hàng cá tra có khả năng phục hồi hoàn toàn từ quý III/2020 và riêng thị trường Trung Quốc có thể phục hồi vào cuối tháng 5/2020 nên cần có kịch bản điều tiết sản xuất để tránh xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu.

Để ngành cá có thể phát triển bền vững và đáp ứng trước những cơ hội, thách thức hiện nay, ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam khẳng định, việc cải thiện chất lượng, hình ảnh sản phẩm cá tra và xây dựng thương hiệu cá tra Việt Nam trong giai đoạn hiện nay rất cần thiết.

Ngoài ra, trước khó khăn của ngành hàng cá tra, Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ xem xét có chính sách hỗ trợ, đo lường thiệt hại doanh nghiệp để đề xuất Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ vốn vay, lãi suất phù hợp. Đồng thời có giải pháp hỗ trợ chuyển đổi cho các doanh nghiệp, hộ nuôi trong phát triển thị trường trong nước; xúc tiến thị trường trong nước, khôi phục thị trường nước ngoài.

Tin cùng chuyên mục
Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Đông Giang (Quảng Nam): Xuất hiện nhiều mô hình sinh kế hiệu quả

Thời gian qua, huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) đã triển khai nhiều mô hình sinh kế mới như nuôi hưu lấy nhung, chuỗi liên kết sản xuất chè, chuỗi sản xuất về chăn nuôi heo, bò… Những mô hình này không chỉ cải thiện sinh kế cho người dân, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế -xã hội của địa phương.