Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Đồng bào cả nước tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong niềm tiếc thương vô hạn

Thúy Hồng - 21:51, 25/07/2024

Ngay từ sáng sớm ngày 25/7, dòng người từ TP. Hà Nội và các tỉnh, thành lân cận trong cả nước đã đến xếp hàng dọc các con phố dẫn tới Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, TP. Hà Nội và quê hương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội để chờ được vào thắp nén tâm hương tỏ lòng thành kính đối với vị lãnh đạo hết lòng vì nước, vì dân, dành trọn cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước.

Xếp hàng trước cửa Nhà Tang lễ Quốc gia có rất nhiều thành phần từ cán bộ, đảng viên, công nhân viên, người lao động...; trong đó có những người đã từng vinh dự được gặp Tổng Bí thư, nhưng cũng có những người chưa từng có cơ hội được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Họ đều có chung một mong muốn được một lần thắp nén tâm hương thể hiện lòng kính trọng và tiễn biệt bác. 

Từ sáng sớm, người dân xếp hàng tại Nhà Tang lễ Quốc gia để vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh Tào Đạt
Từ sáng sớm, người dân xếp hàng tại Nhà Tang lễ Quốc gia để vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh Tào Đạt

Có mặt tại cổng Nhà Tang lễ Quốc gia từ 6h sáng, bà Nguyễn Thị Mưu, 70 tuổi đến từ TP. Hải Phòng không khỏi bùi ngùi xúc động. Bà Mưu chia sẻ: Nghe đài, báo nói Nhân dân có thể vào viếng bác, nên 3h sáng chúng tôi đi từ TP. Hà Phòng lên Hà Nội, mong được vào viếng Tổng Bí thư, việc này xuất phát từ lòng kính trọng bác. "Chỉ cần được vào viếng và thắp nén tâm hương tiễn bác về nơi an nghỉ cuối cùng, thì chờ cả ngày chúng tôi cũng được", bà Mưu bày tỏ.

Hòa trong đám đông chờ được vào viếng Tổng Bí thư trước cửa Nhà Tang lễ Quốc gia, cụ Đinh Thị Nhung, 80 tuổi ở Hà Nội, trên tay cầm tờ báo in hình chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, mắt đỏ hoe, chia sẻ: Hôm nay tôi đến đây từ 6h30 phút để xếp hàng, mong được vào thắp cho Tổng Bí thư nén hương. “Người dân như chúng tôi vô cùng thương tiếc, kính trọng Tổng Bí thư", cụ nghẹn lời.

Cụ Đinh Thị Nhung, 80 tuổi ở Hà Nội cầm tờ báo in hình chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xếp hàng tại Nhà Tang lễ Quốc gia từ sáng sớm . Ảnh Tào Đạt
Cụ Đinh Thị Nhung, 80 tuổi ở Hà Nội cầm tờ báo in hình chân dung Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xếp hàng tại Nhà Tang lễ Quốc gia từ sáng sớm . Ảnh Tào Đạt

Còn với đối với bà Nguyễn Thị Hòa, 79 tuổi, ở Cầu Giấy, TP. Hà Nội - người bạn học cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở khóa 8, Khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội, cho biết:  Là cán bộ lớp, anh Trọng rất hòa đồng với bạn bè, huy động được sự đoàn kết của tập thể trong lớp, chính vì thế lớp chúng tôi luôn dẫn đầu phong trào của trường. Anh còn là sinh viên học hành chăm chỉ và sống rất chỉn chu".

Cũng theo bà Nguyễn Thị Hòa, những năm tháng sau này, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giữ những chức vụ rất cao trong Đảng, Nhà nước nhưng vẫn thường xuyên đi họp lớp, khi đến họp lớp, ông rất hòa đồng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nói với chúng tôi rằng: "Tôi đi họp lớp với tư cách là bạn bè, ôn lại những kỷ niệm thời học trò, không với tư cách nhà lãnh đạo". Điều này khiến chúng tôi rất xúc động. Ông ấy là một vị lãnh đạo giản dị, tình cảm trước sau như một", bà Hòa nói.

Cụ Nguyễn Văn Cần đạp xe từ quận Hoàng Mai đến Nhà tang lễ Quốc gia ở Trần Thánh Tông để được vào thắp nén hương cho vị lãnh đạo mà ông rất kính trọng. Ảnh Tào Đạt
Cụ Nguyễn Văn Cần đạp xe từ quận Hoàng Mai đến Nhà tang lễ Quốc gia ở Trần Thánh Tông để được vào thắp nén hương cho vị lãnh đạo mà ông rất kính trọng. Ảnh Tào Đạt

Tại quê hương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở xã Đông Hội, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội, hàng nghìn người dân đã chờ xếp hàng từ sáng sớm để được vào thắp nén hương tưởng nhớ người lãnh đạo đáng kính. Ai ai cũng rưng rưng nghẹn ngào, bằng tất cả sự kính trọng, yêu mến bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Mang theo bó sen trắng, bà Nguyễn Thị Hồng đến từ Hải Dương bùi ngùi xúc động: Khi nghe tin bác Trọng mất, suốt mấy ngày tôi không tài nào ngủ được. Khi biết tin Ban Tổ chức Lễ tang tạo điều kiện cho Nhân dân được đến viếng Tổng Bí thư, tôi cùng người em đi xe máy từ 2h sáng để kịp vào viếng.

Nguyễn Thị Hòa, 79 tuổi, Cầu Giấy, TP. Hà Nội (ngồi ở giữa) - người bạn học cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở khóa 8 Khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội đến tiễn biệt người bạn đồng môn lần cuối cùng
Bà Nguyễn Thị Hòa, 79 tuổi, Cầu Giấy, TP. Hà Nội (ngồi ở giữa) - người bạn học cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở khóa 8 Khoa Ngữ Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội đến tiễn biệt người bạn đồng môn lần cuối cùng

“Sau hơn 1 tiếng đồng hồ xếp hàng, tôi cùng hàng nghìn người dân khác vào viếng, được cúi đầu trước di ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ai cũng xúc động nghẹn ngào”, bà Nguyễn Thị Hồng chia sẻ.

Trong số hàng nghìn người xếp hàng để vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có không ít những gương mặt thanh niên, sinh viên còn rất trẻ.  Em Nguyễn Thị Tâm đến từ tỉnh Bắc Ninh cho biết: Em cũng chưa từng có vinh dự được gặp bác Trọng, nhưng em được xem bác trên truyền hình, báo chí, em rất ngưỡng mộ nhân cách và những việc làm của bác. 

Em rất tâm đắc với những lời chỉ dạy của bác Trọng: “Nếu là hoa hãy là hoa hướng dương, nếu là chim hãy là chim bồ câu trắng, nếu là đá hãy là đá kim cương, nếu là người hãy là người cộng sản”. Em đến đây với tâm niệm nếu không được vào viếng thì đứng ngoài thôi cũng được rồi".

Còn đối với bà con đồng bào DTTS ở các tỉnh miền núi xa xôi, không có điều kiện để về tiễn đưa vị lãnh đạo đáng kính, luôn hết mình vì nước, vì dân thì lại có cách thể hiện niềm tiếc thương riêng theo cách của họ.

Nhiều người dân đội khăn tang để tỏ lòng thành với vị lãnh đạo của đất nước
Nhiều người dân đội khăn tang để tỏ lòng thành với vị lãnh đạo của đất nước

Do điều kiện không thể đến viếng trực tiếp, từ 7h sáng, cụ Bạch Thị Khôi, cán bộ tiền khởi nghĩa, TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn cùng gia đình, con cháu đã mở tivi để xem truyền hình trực tiếp Lễ Quốc tang của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cụ Bạch Thị Khôi cho biết: Tôi vinh dự được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm trong chuyến công tác tại Lạng Sơn vào tháng 8/2023. Đây là niềm vinh dự và tự hào đối với tôi và gia đình. Khi gặp tôi, đồng chí Tổng Bí thư rất tình cảm, ân cần thăm hỏi từng li từng tí, giản dị mà cũng tình cảm lắm, tôi xúc động quá không nói được gì. 

“Nghe tin bác Trọng mất tôi cũng như Nhân dân cả nước đều vô cùng tiếc thương. Cả cuộc đời liêm khiết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một tấm gương sáng để mọi cán bộ, đảng viên và Nhân dân học tập noi theo”, cụ Bạch Thị Khôi cho biết.

Bà con các dân tộc thiểu số sinh sống tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam xếp hàng vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
Bà con các dân tộc thiểu số sinh sống tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam xếp hàng vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một tổn thất lớn của Đảng, Nhà nước, để lại sự tiếc thương vô hạn trong các tầng lớp Nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Song, Tổng Bí thư đã để lại cho hậu thế một kho tàng khoa học lý luận chính trị sâu sắc, hệ thống và toàn diện về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; cũng như những hoạt động thực tiễn của bác trong suốt sự nghiệp chính trị của mình, nhất là trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực". 

Đặc biệt, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại một tấm gương bình dị, sáng ngời về đạo đức, nhân cách của một người cộng sản chân chính, truyền cảm hứng cho hàng triệu người dân Việt Nam với triết lý sống: "Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho có ý nghĩa, để không phải xót xa ân hận vì những việc làm ti tiện, đớn hèn, vô liêm sỉ; tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!".