Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Người dân bày tỏ niềm kính trọng và thương tiếc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

PV - 14:42, 25/07/2024

“Từ nhiều tháng trước, tôi đã luôn hỏi các học trò cũ về tình hình sức khỏe của anh Trọng. Khi nghe tin học trò qua đời, tôi rất bàng hoàng. Hôm nay, tôi đi cùng các học trò lớp Ngữ Văn khóa 8 để tiễn đưa anh Trọng. Chúng tôi đã mất đi một người bạn thân yêu nhất của thầy và trò”, thầy Nguyễn Ngọc Sơn, nguyên giảng viên khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội xúc động nói.

Hàng nghìn người dân chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Hàng nghìn người dân chờ vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Từ 4 giờ sáng ngày 25/7, người dân đã đổ về các địa điểm: Nhà tang lễ Quốc gia (số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội); thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh; Hội trường Thống Nhất (TP. Hồ Chí Minh)... để có cơ hội được thắp nén hương viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Thầy giáo của Tổng Bí thư: “Cả đêm tôi không thể ngủ...”

Từ sáng sớm, thầy Nguyễn Ngọc Sơn, nguyên giảng viên khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội đến Nhà tang lễ Quốc gia tiễn đưa người học trò Nguyễn Phú Trọng.

Thầy Sơn là sinh viên khóa 1 khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, từng là giảng viên được giao nhiệm vụ đi cùng lớp Văn khóa 8, khóa học có sinh viên Nguyễn Phú Trọng lên sơ tán ở huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái (bây giờ là Thái Nguyên) năm 1965.

Thầy Nguyễn Ngọc Sơn.
Thầy Nguyễn Ngọc Sơn

Ông bồi hồi chia sẻ: “Mấy đêm nay tôi không ngủ. Từ nhiều tháng trước, tôi đã luôn hỏi các học trò cũ về tình hình sức khỏe của anh Trọng. Khi nghe tin học trò qua đời, tôi rất bàng hoàng. Hôm nay, tôi đi cùng lớp Văn khóa 8 để tiễn đưa anh Trọng. Chúng tôi đã mất đi một người bạn thân yêu nhất của thầy và trò”.

7 giờ sáng nay, những người bạn đồng môn của Tổng Bí thư tại khoa Ngữ Văn, khóa 8, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã hẹn nhau ở góc phố Tăng Bạt Hổ. Thầy Nguyễn Ngọc Sơn xúc động khi gặp lại các học trò cũ. Từ nay, trong những cuộc gặp gỡ của thầy - trò đã không còn người bạn Nguyễn Phú Trọng.

Nắm tay thầy mình, ông Phan Văn Kính cho hay, đoàn khoa Ngữ Văn, khóa 8 đăng ký rất đông, nhưng chỉ được 20 người vào viếng Tổng Bí thư. Đứng chờ cùng bạn bè đồng môn, ông Kính nghẹn ngào nói: “Tôi vô cùng thương tiếc một người bạn đồng môn kính thầy, trọng bạn, khiêm tốn, giản dị như Tổng Bí thư. Ngày hôm nay, chúng tôi chỉ muốn dâng nén hương để tiễn người bạn về nơi an nghỉ cuối cùng”.

Ở độ tuổi cao, sức khỏe không còn được tốt, nhưng Nhà giáo ưu tú Trần Ngọc Thảo (87 tuổi), nguyên Hiệu trưởng Trường Văn hóa nghệ thuật Hải Phòng cũng rời Hải Phòng từ sáng sớm nay lên Hà Nội để được thắp nén hương viếng bạn.

Nhà giáo Ưu tú Trần Ngọc Thảo (giữa) cùng bạn bè đồng môn và con trai vào viếng Tổng Bí thư.
Nhà giáo Ưu tú Trần Ngọc Thảo (giữa) cùng bạn bè đồng môn và con trai vào viếng Tổng Bí thư

Theo trí nhớ của ông Thảo, chưa bao giờ Tổng Bí thư có khoảng cách với các bạn đồng môn. "Chúng tôi rất ấn tượng với câu nói của anh: "Tiền tài, danh vọng như đóa phù vân, tình bạn, tình người là mãi mãi". Anh nói xong giơ hai tay như ôm chúng tôi vào lòng, rất xúc động. Anh đến với chúng tôi như người xa về gần, anh hồ hởi nhớ tên từng bạn, nhớ những kỷ niệm thời học đường, nhớ những trò nô đùa tinh quái.

Nghe tin anh Trọng mất đi, chúng tôi như tiếng sét bên tai, rụng rời tay chân. Anh mất đi, đồng môn như chúng tôi mất đi người bạn lớn, Đảng và Nhân dân mất mát và nỗi buồn khôn nguôi. Từ nay, các cuộc họp lớp sẽ vắng anh. Nói bao điều cho đủ về sự mất mát này đây. Những người còn lại không bao giờ quên hình ảnh của anh. Anh Trọng là hình mẫu con người văn hóa. Gặp anh, luôn thấy từ anh nụ cười tình cảm, sự hoà đồng với cả người dân và bạn bè quốc tế.

Thầy Nguyễn Ngọc Sơn và bạn bè đồng môn khoa Ngữ Văn, khóa 8, Đại học Tổng hợp Hà Nội viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: DUY LINH)
Thầy Nguyễn Ngọc Sơn và bạn bè đồng môn khoa Ngữ Văn, khóa 8, Đại học Tổng hợp Hà Nội viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: DUY LINH)

Từ xa xôi, chúng tôi về viếng anh, thắp nén hương lần cuối tiễn đưa anh về cõi trường sinh, và mong anh yên tâm Đảng và Nhân dân sẽ tiếp nối con đường anh đã đi, đất nước ta nhất định thịnh vượng. Chúng tôi đau xót thương tiếc người bạn lớn”, ông Thảo nghẹn giọng.

Ông Thảo cũng đọc những câu thơ để tiễn biệt người bạn mình:

"Người đốt lò dũng cảm đã đi xa

Tiếc thay khí phách sĩ phu Bắc Hà

Bạc đầu đau đáu việc quốc dân

Một đời mẫu mực chính liêm kiệm cần...

Bên Anh phút cuối lệ ứa xót xa

Anh hãy yên lòng vào cõi trường sinh

Đảng tiếp bước con đường Anh định hoạch

Cùng Nhân dân xây dựng nước non mạnh giàu"

Hàng nghìn người dân khóc nghẹn ngào đưa tiễn Tổng Bí thư

Tại thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội), ngay từ sáng sớm, hàng nghìn người dân đã có mặt tại khu vực Nhà văn hóa thôn để chuẩn bị cho lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cụ Nguyễn Văn Tuế, năm nay đã 93 tuổi, nét mặt như thêm già xọm sau nỗi buồn đau mất mát. Cụ Tuế chia sẻ: Cả mấy đêm qua, cụ không thể ngủ được. Sau khi nhận được tin Tổng Bí thư qua đời, không chỉ cụ mà tất cả người dân Lại Đà đều vô cùng đau xót. Sáng sớm nay, dù đã yếu, nhưng từ 4 giờ, cụ Tuế đã một mình chống gậy ra khu vực tổ chức lễ viếng khi chưa có ai.

“Quê hương Lại Đà đã sinh ra Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, một người con hết lòng vì đất nước, vì Nhân dân. Bởi vậy, chúng tôi vô cùng thương tiếc đồng chí”, cựu đảng viên thôn Lại Đà nói.

Cụ Nguyễn Văn Tuế, năm nay đã 93 tuổi.
Cụ Nguyễn Văn Tuế, năm nay đã 93 tuổi

Nhớ về những lần Tổng Bí thư về thăm Đông Hội, cụ Tuế cho biết: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn gần gũi, giản dị.

“Mỗi khi về quê, đến đầu cổng làng, Tổng Bí thư đều xuống xe và đi bộ, ghé qua nhà các cụ cao niên trong làng hỏi thăm sức khỏe mọi người”, cụ kể lại.

Có mặt tại Lại Đà, ông Vương Khắc Duy (83 tuổi) ngồi trên chiếc xe lăn đã cũ. Ông Duy từng là bạn học với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đông Hội suốt 4 năm học đầu tiên của cấp 1.

Ông Vương Khắc Duy (83 tuổi) ngồi trên chiếc xe lăn vào viếng Tổng Bí thư.
Ông Vương Khắc Duy (83 tuổi) ngồi trên chiếc xe lăn vào viếng Tổng Bí thư

Ông Duy cho biết: Nghe tin người bạn thời niên thiếu qua đời, ông rất buồn. Vì vậy, sáng nay, ông đã nhờ con trai đưa tới thôn Lại Đà từ lúc 5 giờ sáng để đợi tới lượt viếng.

4 giờ sáng nay, bà Đoàn Thị Ngọc Lan (65 tuổi, hội viên Hội Cựu chiến binh thôn Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) đã đi bộ ra đứng chờ sẵn ở ngã tư Trần Thánh Tông-Trần Hưng Đạo, mắt hướng về Nhà tang lễ Quốc gia.

Cầm điện thoại trên tay, rưng rưng khóc vì thương xót, bà Lan nén đau thương nói: “Tôi xuống từ hôm qua thuê trọ tại đây để ra từ sớm xếp hàng chờ vào viếng Tổng Bí thư. Từ 4 giờ sáng tôi đã có mặt với đồng đội mình. Tôi rất thương bác Tổng Bí thư vì đã phục vụ Nhân dân đến hơi thở cuối cùng. Tôi vẫn còn nhớ như in những lời đầy tâm huyết, xúc động của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu: ‘Nếu là hoa hãy là hoa hướng dương/Nếu là chim hãy là chim câu trắng/Nếu là đá hãy là đá kim cương/Nếu là người hãy là người cộng sản!’.

Trong máy ảnh của tôi lưu giữ rất nhiều ảnh của Tổng Bí thư. Nghe tin bác mất ngày nào tôi cũng khóc. Tôi chỉ mong được đi tiễn bác về nơi an nghỉ cuối cùng, yên giấc ngàn thu”, bà Lan bày tỏ.

Bà Đoàn Thị Ngọc Lan (65 tuổi, hội viên Hội cựu chiến binh thôn Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) rưng rưng nghẹn ngào.
Bà Đoàn Thị Ngọc Lan (65 tuổi, hội viên Hội Cựu chiến binh thôn Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) rưng rưng nghẹn ngào

Rời Hải Phòng từ 3 giờ sáng lên Hà Nội, gia đình bà Nguyễn Thị Mưu (sinh năm 1949) có mặt từ rất sớm tại đầu đường Trần Thánh Tông. Bà Mưu lấy tay lau nước mắt, nói trong tiếng nấc: "Tổng Bí thư là người lãnh đạo có tâm, có tầm với đất nước, hết lòng vì dân nên chúng tôi 3 ngày nay chỉ mong được vào viếng bác. Nếu phải chờ đến chiều tôi cũng chờ”.

Bà Bùi Thị Thanh (67 tuổi, người dân tộc Mường, huyện Yên Thủy, Hòa Bình), nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng vừa từ Hòa Bình về Hà Nội.

Lặng người nhìn dòng chữ "Vô cùng thương tiếc đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam" trong Nhà tang lễ, bà Thanh nén xúc động chia sẻ, trong quá trình công tác, bà đã có cơ hội được tiếp xúc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ấn tượng nhất với bà Thanh là hình ảnh gần gũi, thân thương của bác.

"Trong quá trình làm việc, bác thể hiện tính dân chủ rất cao. Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, bác quan tâm, chăm sóc gần gũi, đến đâu cũng được bà con đồng bào chào đón, mến thương. Được tin bác mất, chúng tôi rất buồn, cảm thấy sự mất mát rất lớn, không bao giờ tìm lại được. Hình ảnh của bác, tấm gương người chiến sĩ cộng sản rất mẫu mực, kiên trung, kiên quyết nhưng lại rất gần gũi với dân cứ lắng đọng trong mỗi người cán bộ như chúng tôi và đồng bào các dân tộc thiểu số".

Người dân xếp hàng chờ vào viếng Tổng Bí thư tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông.
Người dân xếp hàng chờ vào viếng Tổng Bí thư tại Nhà Tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông