Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Đồng bào Khmer vùng biên giới Tây Nam bộ an vui mùa Sen Dolta năm 2023

Hạnh Nguyên - Văn Long - 21:03, 13/10/2023

Lễ Sene Dolta là một trong những lễ quan trọng trong năm của đồng bào Khmer Nam bộ. Năm nay, lễ diễn ra từ ngày 13 đến 15/10. Trên địa bàn khu vực biên giới Tây Nam bộ trong những ngày này đồng bào Khmer có thêm nhiều niềm vui khi được các đoàn công tác của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị xã hội, các lực lượng, đặc biệt là lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) đến thăm, tặng quà và cùng đồng bào tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa.

Đại tá Huỳnh Văn Đông - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh Kiên Giang và Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Phú Mỹ trao quà mừng Sen Dolta đến trụ trì chùa Trà Phọt và Người có uy tín ở xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành
Đại tá Huỳnh Văn Đông - Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh Kiên Giang và Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Phú Mỹ trao quà mừng Sen Dolta đến trụ trì chùa Trà Phọt và Người có uy tín ở xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành

Ấm áp tình quân - dân

Trên tuyến biên giới đất liền thuộc tỉnh Kiên Giang, Người có uy tín, các vị chức sắc là những “cột mốc sống” gắn liền với vùng biên ải. Xác định tầm quan trọng và vai trò của Người có uy tín và các chức sắc, BĐBP tỉnh Kiên Giang thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các vị để nắm bắt tình hình và triển khai nhiều hoạt động ở khu vực biên giới. 

Ông Danh Hùng, Người có uy tín ấp Trà Phọt, xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành chia sẻ: Chúng tôi luôn tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách của Nhà nước, cùng sự chăm lo của chính quyền các cấp cho đồng bào vùng biên giới. Trong đó có lực lượng BĐBP, cũng đã kịp thời sẻ chia, giúp đỡ các hộ gia đình khó khăn. Qua đó, chúng tôi có lòng tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và xem việc bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới của tổ quốc là trách của mình, của từng hộ gia đình trên tuyến biên giới này.

Cũng như thông lệ, nhân dịp lễ Sen Dolta năm 2023, BĐBP Kiên Giang cũng đã tổ chức các đoàn đến thăm, chúc mừng và tặng quà các vị sư sãi, Người có uy tín và các hộ đồng bào dân tộc Khmer tiêu biểu trên địa bàn khu vực biên giới huyện Giang Thành và TP Hà Tiên. 

Đại đức Tiên Cương, Trụ trì chùa Trà Phọt cho biết, trong những ngày này trên khu vực biên giới rất nhộn nhịp, vì sự giao thoa văn hoá giữa hai bên biên giới đồng bào sinh hoạt giống nhau. Việc tuyên truyền, vận động bà con, nhất là thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” được chùa quan tâm phổ biến, nhắc nhở để các sư và phật tử nơi đây đều thấm nhuần.

“Được sự quan tâm của các cấp chính quyền nên các phật tử ai cũng có việc làm, con cháu đi học được hỗ trợ hơn 1 triệu đồng/1 tháng từ các chương trình khuyến học. Còn nhà chùa được quan tâm trùng tu, và được thụ hưởng các chính sách từ cụ thể hoá theo Chỉ thị 19- CT/TW của Ban Bí thư. Sư sãi và phật tử luôn tin tưởng vào chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta, cùng đoàn kết xây dựng cuộc sống mới. Dịp  lễ Sen Dolta, được các cấp chính quyền, BĐBP quan tâm thăm hỏi, tặng quà sư sãi và phật tử phấn khởi lắm, góp thêm sự ấm áp, nghĩa tình cho một mùa báo hiếu của đồng bào Khmer ”, Đại đức Tiên Cương chia sẻ.

"Gian hàng 0 đồng" được Đồn Biên phòng Lai Hòa (BĐBP tỉnh Sóc Trăng) xây dựng nhằm hỗ trợ bà con Khmer có hoàn cảnh khó khăn có thêm nhu yếu phẩm trong mùa Sen Dolta
"Gian hàng 0 đồng" được Đồn Biên phòng Lai Hòa (BĐBP tỉnh Sóc Trăng) xây dựng nhằm hỗ trợ bà con Khmer có hoàn cảnh khó khăn có thêm nhu yếu phẩm trong mùa Sen Dolta

Đại tá Huỳnh Văn Đông, Chính uỷ BĐBP tỉnh Kiên Giang cho biết: Ở khu vực biên giới đồng bào đã trở thành một “rào chắn” vững chắc ở vùng biên. Họ là những người am hiểu từng đường mòn, lối mở, là những người phát hiện sớm nhất các hoạt động của các đối tượng vi phạm pháp luật, thông tin cho lực lượng chức năng. Vì thế, đồng bào đóng vai trò rất quan trọng đối với công tác bảo vệ đường biên, cột mốc, góp phần xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị. Đợt này, đơn vị tổ chức đoàn đi thăm, chúc lễ Sen Dolta cũng là dịp để cán bộ, chiến sĩ BĐBP tri ân đồng bào, đồng thời tiếp tục xây dựng thế trận lòng dân vững chắc ở khu vực biên giới.

Tại các nơi đến thăm, Đại tá Chính uỷ Huỳnh Văn Đông đã ân cần thăm hỏi các vị sư sãi và gia đình tiêu biểu trên tuyến biên giới, qua các vị cũng đã gửi lời chúc mừng đến đồng bào dân tộc Khmer trên tuyến biên giới hưởng một mùa lễ Sen Dolta an lạc, cát tường. 

"Trong thời gian sắp tới, rất mong quý hòa thượng, thượng tọa, đại đức, achar, ban quản trị các chùa, Người có uy tín và đồng bào Khmer tiếp tục thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua tại địa phương. Phát huy truyền thống đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, trong phát triển kinh tế gia đình. Tiếp tục chung tay cùng chính quyền địa phương giữ vững các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đồng thời tích cực tham gia bảo vệ đường biên, cột mộc biên giới quốc gia”, Đại tá Huỳnh Văn Đông mong muốn.

Đồn Biên phòng Lai Hoà tổ chức đên giao lưu văn nghệ mừng Lễ Sen Dôlta
Đồn Biên phòng Lai Hoà tổ chức đêm giao lưu văn nghệ mừng Lễ Sen Dolta

Cùng đồng bào Khmer bảo vệ biên giới biển

Rời Kiên Giang, chúng tôi đến với địa bàn khu vực biên giới biển tỉnh Sóc Trăng. Đồn Biên phòng Lai Hòa, thuộc BĐBP tỉnh Sóc Trăng quản lý địa bàn 2 xã Lai Hòa và Vĩnh Tân (thị xã Vĩnh Châu), ở đây tỷ lệ hộ đồng bào dân tộc Khmer chiếm trên 70%. Dịp lễ Sen Dolta năm nay, Đồn Biên phòng Lai Hòa tổ chức nhiều hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, tạo không khí vui tươi phấn khởi dành cho đồng bào dân tộc Khmer và đồng bào nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhằm góp phần cụ thể hóa chính sách an sinh xã hội của Đảng, nhà nước ta.

Những ngày này, Đồn Biên phòng Lai Hòa phối hợp với 2 xã Lai Hòa và Vĩnh Tân đã tổ chức hoạt động giao lưu văn nghệ, thể hiện nhiều tiết mục hát, múa ca ngợi quê hương, đất nước, hát về phum sóc và lao động sản xuất của đồng bào dân tộc Khmer, mừng lễ Sen Dolta.

 Đặc biệt dịp này, đơn vị đã vận động mạnh thường quân đóng góp nguyên liệu, phối hợp với Hội liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên 2 xã  tổ chức gói 200 đòn bánh tét góp một phần vào “gian hàng 0 đồng” cho người nghèo; tổ chức trao tặng cho hộ nghèo ở địa bàn xa, điều kiện đi lại khó khăn. Tuy hoạt động này không lớn về giá trị vật chất, nhưng ấp áp nghĩa tình quân - dân nơi khu vực biên giới ven biển.

Những chiếc bánh ấm áp nghĩa tình quân dân được trao tận tay người nghèo, là sự sẻ chia nghĩa tình của người lính quân hàm xanh với đồng bào. Đặc biệt, “Gian hàng 0 đồng” cho người nghèo, là một mô hình mới, do Đồn tổ chức theo phương thức vận động xã hội hóa kết hợp với tăng gia sản xuất tại đơn vị. Hằng tháng sẽ duy trì cung cấp lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu thường xuyên cho từ 10 đến 15 hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn 2 xã Lai Hòa và Vĩnh Tân. Đối với ngày Lễ, Tết sẽ hỗ trợ số lượng lương thực, thực phẩm lớn hơn.

Nhận được món quà từ “Gian hàng 0 đồng” của Đồn Biên phòng Lai Hòa nhân dịp này, bà Lý Thị Tươl, ấp Xung Thum B, xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu xúc động chia sẻ: “Gia đình tôi thuộc diện khó khăn nên chưa chuẩn bị gì cho lễ Sen Dolta cả, hôm nay được các chú bộ đội hỗ trợ cho bánh, gạo, thịt, cá và nhu yếu phẩm thiết yếu tôi mừng lắm. Vậy là mình đã có mâm lễ để cúng ông bà tổ tiên rồi".

Thiếu tá Nguyễn Hoàng Đệ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Lai Hòa, BĐBP tỉnh Sóc Trăng cho biết: Với phương châm nói những điều dân muốn nghe, làm những điều dân đang cần, xét thấy trên địa bàn đơn vị quản lý có đông đồng bào dân tộc Khmer, điều kiện kinh tế một số hộ còn khó khăn, nhân dịp lễ Sen Đolta năm nay, Đảng ủy, Ban chỉ huy đơn vị đã trích một phần thu được từ tăng gia sản xuất, kết hợp với vận động các mạnh thường quân tổ chức gói bánh tét, cấp phát cho người nghèo và triển khai mô hình “Gian hàng 0 đồng” cho người nghèo. Đây là nỗ lực lớn của đơn vị, với quyết tâm góp phần ổn định và nâng cao đời sống của Nhân dân, người nghèo khu vực biên giới biển.