Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Đồng bào Mnông giữ gìn nghi lễ tôn vinh hạt thóc

Lê Hường - 08:14, 14/08/2021

Buôn Jiê Yúk, xã Đắk Phơi, huyện Lắk (Đắk Lắk) có đến 95% đồng bào dân tộc Mnông sinh sống, chủ yếu làm nông nghiệp. Ngày xưa, người Mnông gieo lúa trên nương rẫy. Vì vậy, cúng lúa mới là một nghi lễ nông nghiệp không thể thiếu trong đời sống văn hóa tâm linh.

Cồng chiêng, rượu cần là những thứ không thể thiếu trong Lễ cúng lúa mới của người Mnông
Cồng chiêng, rượu cần là những thứ không thể thiếu trong Lễ cúng lúa mới của người Mnông

Đồng bào Mnông thực hiện nghi lễ theo vòng đời của cây lúa: Từ lúc tra hạt đến lúc đưa thóc về kho. Cứ thế, Lễ cúng lúa mới của người Mnông được bà con xã Đắk Phơi lưu truyền cho đến ngày nay.

Ông Y Krông Triết, ở buôn Jiê Yuk chia sẻ: Đây là nghi lễ ra đời sớm nhất trong các lễ hội của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế mà gia chủ tổ chức Lễ cúng lúa mới. Gia đình bình thường thì cúng heo, giàu có thì cúng trâu, không có thì cúng gà. Nhưng Lễ cúng bắt buộc phải được thực hiện tại kho lúa.

Trước khi nghi lễ diễn ra, gia chủ phải chuẩn bị đầy đủ vật dụng, lễ vật như cây nêu, dụng cụ lao động, 3 ché rượu cần, 1 con gà, 1 con heo, 1 chén cơm rượu cần, 1 bầu đựng nước, 1 ống lồ ô, các loại nông sản mới được thu hoạch. Chồng hoặc con trai trong gia đình sẽ bê 3 ché rượu cần ra sắp xếp theo thứ tự.

Bắt đầu thực hiện Lễ cúng chủ nhà mời thầy cúng ngồi vào chỗ ché rượu cần thứ nhất và đưa chén đựng cơm rượu cần, ống lồ ô cho thầy cúng. Thầy cúng sẽ thổi ống lồ ô và đọc bài cúng để gọi hồn lúa về cho mọi người sức khỏe dồi dào, no đủ cả năm. Khi tiết của con gà trống được bôi lên tất cả các vật dụng trong gia đình thì chứng tỏ hồn lúa về.

Tiếp đó, thầy cúng thực hiện bôi bột gạo lên các vật dụng trong nhà và các thành viên trong gia đình cầu sức khỏe dồi dào, kho luôn đầy lúa. Sau đó, chủ nhà sẽ đưa cho thầy cúng một cái sừng trâu rót đầy rượu cần và một miếng cơm kèm với thịt heo, gà. Thầy cúng sẽ đặt đồ ăn lên kho lúa rồi đổ rượu cần từ đỉnh kho xuống. Nghi thức này có ý nghĩa là xin thần lúa từ nay cho phép gia chủ được lấy lúa từ trong kho ra giã thành gạo nấu cơm.

Thầy cúng thực hiện các nghi lễ
Thầy cúng thực hiện các nghi lễ

Những người có mặt tại Lễ cúng được mời thưởng thức rượu cần, ché thứ nhất để cúng thần lúa và người uống đầu tiên là thầy cúng, sau đến chủ nhà và dòng họ. Ché thứ 2 dùng để mời hàng xóm láng giềng trong buôn và ché thứ 3 dùng để mời đội diễn tấu cồng chiêng và đội hậu cần tại lễ cúng. Cúng xong, gia chủ mời thầy cúng, Người có uy tín trong buôn cùng uống rượu cần, sau đó lần lượt đến những người khác. Bên chén rượu, mọi người chia sẻ cùng nhau những câu chuyện vui, thưởng thức âm nhạc và hòa vào điệu múa cộng đồng rộn ràng.

Chị H’Tiếp Liêng Hot, người dân trong buôn cho biết: Mừng lúa mới là dịp để bà con buôn làng được cầu khấn thần lúa phù hộ cho cuộc sống gia đình ngày càng được no ấm và bình yên. Dù bây giờ cuộc sống đã có nhiều đổi thay, nhưng gia đình tôi cũng như bà con trong buôn vẫn duy trì phong tục này.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.